Đắk Lắk dự kiến có hơn 100 đơn vị hành chính trực thuộc sau sáp nhập
Sau khi sáp nhập với Phú Yên, tỉnh Đắk Lắk dự kiến có 101 đơn vị hành chính trực thuộc với trung tâm hành chính - chính trị là TP Buôn Ma Thuột.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung phát biểu. (Ảnh: VLX)
Sáng 19/4, thông tin từ Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa phối hợp Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức Hội nghị thảo luận về Đề án hợp nhất Đắk Lắk - Phú Yên, phương án tái cơ cấu bộ máy hành chính sau khi sáp nhập.
Tái cơ cấu tổ chức bộ máy sau sáp nhập
Theo nội dung hội nghị, bộ máy chính trị của tỉnh mới sẽ do Trung ương quyết định, bao gồm số lượng Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các chức danh Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy sẽ được hợp nhất theo mô hình thống nhất, giữ tên tỉnh Đắk Lắk. Bao gồm: Ban Tổ chức, Ban Nội chính, Ban Tuyên giáo và Dân vận, Văn phòng Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Cao Thị Hòa An phát biểu. (Ảnh: VLX)
Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc cũng hợp nhất, gồm: Trường Chính trị tỉnh sau sáp nhập hành chính đặt trụ sở chính tại phường Tân Hòa (TP Buôn Ma Thuột) và cơ sở 2 tại phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), với biên chế 85 người (đã sử dụng 80).
Báo chí, truyền thông được tổ chức lại thành Báo Đắk Lắk, gồm 220 biên chế, trong đó đã sử dụng 219. Trụ sở chính và các cơ sở hỗ trợ kỹ thuật, truyền dẫn đều đặt tại TP Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ.
Sáp nhập tổ chức MTTQ, HĐND và UBND
MTTQ Việt Nam tỉnh mới sẽ hợp nhất các ban, văn phòng theo chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Ban lãnh đạo hiện tại giữ nguyên các Phó Chủ tịch từ 2 tỉnh.
Cải cách hành chính cấp tỉnh cũng được thể hiện rõ qua cơ cấu HĐND: Giữ nguyên 120 đại biểu, có đầy đủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch và 4 ban chuyên trách. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh được kiện toàn.
Đoàn đại biểu Quốc hội sau hợp nhất gồm một Phó Trưởng đoàn phụ trách, một Phó Trưởng đoàn chuyên trách cùng các đại biểu kiêm nhiệm.
UBND tỉnh mới sẽ tiếp nhận nguyên trạng các cơ quan chuyên môn từ Phú Yên sáp nhập vào hệ thống UBND tỉnh Đắk Lắk, đảm bảo không xáo trộn chức năng, nhiệm vụ.

Đại biểu 2 tỉnh trao đổi tại hội nghị. (Ảnh: VLX)
Sau hợp nhất Đắk Lắk và Phú Yên, tỉnh mới mang tên Đắk Lắk, có diện tích 1.809,64 km² (đạt 226,2% tiêu chuẩn), dân số khoảng 3,34 triệu người (đạt 371,07%), với 101 đơn vị hành chính trực thuộc.
Tại hội nghị, 2 địa phương cũng thống nhất đề xuất Chính phủ đầu tư tuyến quốc lộ 29, đóng vai trò trục kết nối kinh tế - hành chính giữa hai địa phương sau sáp nhập.
Theo dự kiến, tuyến đường được đầu tư giai đoạn 2025 - 2030 với tổng vốn gần 12.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. UBND hai tỉnh cam kết triển khai đúng quy định, đảm bảo tiến độ.

Quốc lộ 29, tuyến giao thông huyết mạch nối Đắk Lắk - Phú Yên đang xuống cấp. (Ảnh: TT)
Hai địa phương cũng bàn phương án bố trí nhà ở, phương tiện làm việc cho cán bộ Phú Yên di chuyển lên Đắk Lắk. Đồng thời, xây dựng lộ trình xử lý trụ sở cũ, tài sản công theo quy định.
Sở Nội vụ Đắk Lắk và Phú Yên sẽ phối hợp hoàn thiện Đề án hợp nhất, trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.
Dịp này, tỉnh Phú Yên dự kiến, tổng số cán bộ, công chức, viên chức khi sáp nhập tỉnh có nhu cầu đi từ TP Tuy Hòa (Phú Yên) đến TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và ngược lại khoảng 1.300 người (không bao gồm các đơn vị lực lượng vũ trang). Địa phương cũng đề xuất hỗ trợ đi lại, chỗ ăn, chỗ ở cho số người nói trên.