Đắk Lắk ghi nhận 1 trường hợp nghi mắc bệnh uốn ván sơ sinh

Ngày 31/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận 1 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh uốn ván sơ sinh, bệnh nhi đã nhập viện và điều trị tại Khoa Nhi cấp cứu-sơ sinh, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên.

Việc điều tra, rà soát đối tượng phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15 đến 35 tuổi trên địa bàn toàn xã, tổ chức triển khai tiêm vaccine phòng uốn ván là hết sức cần thiết. (Ảnh minh họa)

Việc điều tra, rà soát đối tượng phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15 đến 35 tuổi trên địa bàn toàn xã, tổ chức triển khai tiêm vaccine phòng uốn ván là hết sức cần thiết. (Ảnh minh họa)

Bệnh nhân là bé gái, sinh ngày 21/5/2024, dân tộc H'Mông ở xã Cư Pui, huyện Krông Bông. Bé là con thứ 8 trong gia đình, được sinh tại nhà, do người nhà tự đỡ đẻ và cắt rốn bằng dao lam, buộc rốn bằng chỉ khâu, người mẹ không tiêm vaccine uốn ván.

Ngày 26/5/2024 trẻ có biểu hiện bỏ bú, quấy khóc nhiều, được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Krông Bông khám và điều trị, sau đó chuyển lên Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên thăm khám.

Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán suy hô hấp độ III, uốn ván sơ sinh ủ bệnh 6 ngày, nhiễm trùng huyết sơ sinh, vàng da sơ sinh. Hiện tại trẻ đang được điều trị tại khoa Nhi cấp cứu-sơ sinh, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên.

Ngay sau khi ghi nhận 1 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh uốn ván sơ sinh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành điều tra, xác minh ca bệnh và triển khai các biện pháp xử lý dịch bệnh tại cộng đồng theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Krông Bông thực hiện các biện pháp phòng chống uốn ván sơ sinh, tăng cường công tác tiêm bù, tiêm vét các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi trong thời gian thiếu vaccine.

Đặc biệt, cần điều tra, rà soát đối tượng phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15 đến 35 tuổi trên địa bàn toàn xã, tổ chức triển khai tiêm vaccine phòng uốn ván bảo đảm tỷ lệ đạt hơn 85%.

Chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp truyền thông, định hướng dư luận, bảo đảm người dân được thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời các quy định về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Công tác tiêm chủng cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tổ chức triển khai để đạt được tỷ lệ bao phủ theo đúng kế hoạch đề ra.

Ngoài tổ chức tiêm vaccine phòng uốn ván tại trạm y tế xã, cần bố trí nhân lực, vật lực cho các điểm tiêm chủng lưu động tại nhà văn hóa cộng đồng, trường học, nhà dân, các cụm dân cư xa trung tâm xã, cụm nhà máy, xí nghiệp…. nhằm không bỏ sót đối tượng và tăng tỷ lệ tiêm chủng…

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dak-lak-ghi-nhan-1-truong-hop-nghi-mac-benh-uon-van-so-sinh-post812110.html