Đắk Lắk họp bàn cuộc di dân lớn với hơn 3.300 người ra khỏi lòng hồ
Tổng cộng có 729 hộ dân với hơn 3.300 nhân khẩu sẽ được di dân ra khỏi lòng hồ thủy lợi ngàn tỉ trong thời gian tới.
Chiều 8-3, UBND huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cuộc họp về việc đón tiếp các hộ dân ở xã Cư San (huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk) về Khu tái định cư số 1, xã Cư Elang (huyện Ea Kar).
Theo kế hoạch di dân, tái định cư dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng của UBND tỉnh Đắk Lắk, tổng số có 729 hộ/3.320 nhân khẩu còn lại trong lòng hồ ở các thôn 9, 10 và 11 xã Cư San phải di dời, tái định cư. Tổng cộng có khoảng 600 căn nhà phải tháo dỡ, di dời. Tổng số học sinh các cấp đang học là 971 em, trong đó mẫu giáo có 226 em, tiểu học là 480 em, còn lại là THCS và THPT.
Trong đó, có 300 hộ dân sẽ được di dân về Khu tái định cư số 1 (xã Cư Elang) trên diện tích hơn 680 ha. Khu tái định cư số 2 tại tiểu khu 689 (xã Cư Bông, huyện Ea Kar) sẽ có khoảng 500 hộ dân di dời về sinh sống.
Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea Kar, cho biết đây là cuộc di dân lớn và đặc biệt ở chỗ là di dân từ huyện này sang huyện khác. Do đó, cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn, sớm ổn định cuộc sống cho người dân. "Những hộ dân này sẽ là công dân của huyện Ea Kar. Dân khổ huyện cũng chẳng sướng gì nên đề nghị các đơn vị, các địa phương chung tay hỗ trợ nhân lực, đảm bảo an toàn tuyệt đối để người dân sớm ổn định cuộc sống" - ông Hà nói.
Theo dự kiến, ngày 12-3, tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức di dời trước 44 hộ dân. UBND huyện M’Đrắk chịu trách nhiệm hỗ trợ người dân tháo dỡ nhà cửa, đưa người dân tới điểm giao nhận (khu vực tiếp giáp huyện Ea Kar). Còn huyện Ea Kar sẽ tổ chức tiếp đón người dân, đưa về khu tái định cư và hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống mới. UBND huyện Ea Kar cũng huy động mỗi xã 15 người/ngày để hỗ trợ người dân dựng lại nhà cửa.
Theo đại diện Phòng GD-ĐT huyện Ea Kar, 44 hộ dân di dời vào ngày 12-3 có tổng cộng 47 học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12. Hiện nay, phòng đã chỉ đạo các trường trong khu vực ngay sau khi các em tới điểm tái định cư, các trường sẽ cử thầy cô tới nhà hỗ trợ và đưa đón các em tới trường.
Tại buổi họp, các đơn vị cũng bàn bạc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về nguồn kinh phí hỗ trợ công tác di dời, công tác vận động người dân tự nguyện di dời.
Bí thư Huyện ủy Ea Kar Y Nhuân Byă cho biết các đơn vị đã chuẩn bị kỹ lưỡng phương án của mình về cuộc di dân, tái định cư. Quan điểm là khi các em học sinh tới nơi ở mới phải cho vào học ngay còn hồ sơ tính sau. Điện nước tại khu tái định cư cũng đã sẵn sàng. Cơ quan công an cũng xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông trên đường di chuyển. "Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị để sớm ổn định cuộc sống của người dân, đảm bảo tiến độ của dự án. Về kinh phí, đề nghị UBND huyện tính toán tạm ứng để hỗ trợ nhân công phục vụ công tác di dời, tái định cư mà không chờ phê duyệt của tỉnh" - ông Y Nhuân Byă nhấn mạnh.
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, năm 2009, Bộ NN-PTNT phê duyệt dự án đầu tư hồ chứa nước Krông Pách Thượng với tổng mức đầu tư gần 2.900 tỉ đồng. Dự án ngàn tỉ này được kỳ vọng sớn hoàn thiện để làm đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội một vùng rộng lớn của các huyện phía Đông tỉnh Đắk Lắk. Sau gần 10 năm ì ạch, tháng 12-2018, dự án này đã đội vốn lên 4.400 tỉ đồng. Trong thời gian qua dự án này cũng lùm xùm về những sai phạm trong công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ di dời tái định cư chậm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.