Đăk Lăk: Khẩn trương khoanh vùng khống chế bệnh bạch hầu lây lan
Theo báo cáo của Sở Y tế Đắk Lắk, tính đến ngày 2/9, tại xã Ea H'Dinh, huyện Cư M'gar, đã có một trường hợp tử vong, 3 ca có kết quả dương tính với bệnh bạch hầu và 31 ca đang được cách ly theo dõi tại các cơ sở điều trị.
Chính quyền địa phương và ngành Y tế đã cắm biển cảnh báo cách ly, hạn chế người dân đi vào vùng có người mắc bệnh. Ảnh: daklak.gov.vn
Mới đây, một bé gái 6 tuổi tại xã Ea H'ding, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk đã được xác định tử vong vì căn bệnh bạch hầu. Đáng chú ý là sau đó, có 11 người lên cơn sốt phải nhập viện điều trị sau khi đến dự đám tang của bé.
Theo thông tin từ Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh ghi nhận trường hợp bệnh nhân H’Si Yan (sinh năm 2013, trú buôn H’Ring, xã Ea H’Đinh) tử vong nghi do bệnh bạch hầu và 20 trường hợp gần nhà bệnh nhân và vùng lân cận phải nhập viện cách ly, theo dõi bạch hầu tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên và Bệnh viện đa khoa huyện Cư M’gar, trong đó đã có 3 trường hợp dương tính với bạch hầu.
Ngay sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên dương tính và tử vong tại buôn H’Ring, xã Ea H’Đinh, ngành Y tế tỉnh đã nhập gấp 10.000 cơ số thuốc đặc trị phòng bệnh bạch hầu để phát cho người dân trong vùng và phục vụ công tác phòng chống lâu dài.
Chính quyền địa phương và ngành Y tế đã cắm biển cảnh báo cách ly, hạn chế người dân đi vào vùng có người mắc bệnh để bao vây, khống chế bệnh; thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch khẩn cấp tại huyện, xã nhằm sẵn sàng cung ứng kinh phí, vật tư, hóa chất, thuốc cho việc điều trị, dự phòng và chống bệnh bạch hầu.
Đối với các trường hợp được đưa tới Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và Bệnh viện đa khoa huyện Cư M’gar, hiện có 3 ca dương tính với bệnh bạch hầu. Ngành Y tế đã tổ chức cách ly tuyệt đối, chăm lo toàn bộ từ vật dụng sinh hoạt đến việc ăn uống.
Đồng thời chỉ đạo Bệnh viên đa khoa huyện Cư M’gar sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân, tổ chức cách ly và điều trị ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc vận chuyển bệnh nhân làm tăng nguy cơ lây lan.
Được biết, ngày 2/9, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác ứng phó với bệnh bạch hầu vừa xuất hiện tại huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk.
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên (Corynebacterium diphtheria).
Vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Đặc biệt, tiêm đủ 3 mũi vắc xin bạch hầu-ho gà-uốn ván (DPT) hoặc vắc xin DPT-VGB-Hib cho trẻ dưới 1 tuổi. Tiêm nhắc lại DPT cho trẻ từ 18 tháng.