Đắk Lắk: Khu nhà xưởng xây trái phép, gây ô nhiễm môi trường
Sử dụng đất sai mục đích, hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là những gì đang tồn tại ở một cơ sở tái chế phế liệu tại thôn 12, xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột.
Vừa qua, Báo Tri thức và Cuộc sống nhận được phản ánh của người dân về việc bãi phế liệu tại thôn 12, xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột mọc trái phép
trên đất nông nghiệp, hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh đã nhiều năm nay.
9 năm sử dụng đất sai mục đích?
Từ ngày 28/2 đến 02/3, có mặt tại thôn 12, xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, PV ghi nhận, phản ánh của người dân địa phương là có cơ sở. Khảo sát tại tại khu vực này, những nhà xưởng to, rộng được xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp.
Theo quan sát, cơ sở này như một “bãi chiến trường” nhếch nhác, lộn xộn. Các loại rác thải bao bì, túi ni lông,… phế liệu chất thành đống trải dài hàng trăm mét la liệt từ trong xưởng ra tận ngoài ngõ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.
Hàng ngày, nhà xưởng luôn trong tình trạng đóng kín mít. Cửa chỉ hé mở khi có xe ôtô chở phế liệu ra vào. Xe chở rác thải được phủ kín bạt.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Toàn, chủ tịch UBND xã Hòa Phú xác nhận, bãi phế liệu này của ông Nguyễn Công Khu đã tồn tại gần 10 năm. Bãi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 40A8009354, có quy mô tương đối, nằm cạnh Khu công nghiệp Hòa Phú, lọt trong những rừng cây, phế liệu được tập kết thành những đống cao và hầu hết để lộ thiên.
Ông Nguyễn Công Khu - chủ hộ kinh doanh cho biết, ông đã lên xã (UBND xã Hòa Phú - PV) để xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất. UBND xã Hòa Phú trả lời do chưa có kế hoạch nên chưa chuyển đổi được.
Bà Võ Lê Quỳnh Như - công chức phụ trách Địa chính Xây dựng xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, đã nhận được đơn xin chuyển đổi mục đích sử đụng đất của ông Khu. Tuy nhiên, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương nên hiện trường hợp của ông Khu không được chuyển mục đích sử dụng đất.
"Dù chưa được phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng cơ sở này đã tồn tại 9 năm nay", bà Như nói thêm.
Theo Biên bản kiểm tra tình trạng pháp lý của Tổ kiểm tra TTXD xã Hòa Phú ngày 22/6/2023 tại cơ sở sản xuất hạt nhựa của ông Nguyễn Công Khu, đất ở khu vực này là đất nông nghiệp, theo quy định không được xây dựng nhà xưởng. Tuy nhiên, hộ kinh doanh trên vẫn xây dựng nhà xưởng tái chế, sản xuất phế liệu trái phép, gây ảnh hưởng đến môi trường. Thế nhưng, điều khó hiểu là bãi phế liệu này vẫn ngang nhiên, công khai hoạt động suốt 9 năm qua.
Gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Theo ghi nhận, cơ sở kinh doanh này chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Cơ sở còn tận dụng địa hình trũng thấp kênh mương để trực tiếp thải nước chảy thẳng ra suối. Nước thải từ bên trong thấm vào lòng đất, chảy các con suối xung quanh nước đen ngòm, gây mùi xú uế khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sống trong khu vực.
Một người dân sống trong khu vực cho biết: "Mùa khô hay mưa đều hôi thối hết, kêu miết nhưng cũng có ai xử lý đâu!".
Tình trạng bãi tập kết phế liệu tại cơ sở này gây gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân mà còn gây thiệt hại về cây trồng, vật nuôi trong khu vực.
"Không thể đánh đổi môi trường sống của người dân để lấy lợi ích kinh tế của cá nhân, hộ kinh doanh nghiệp. Khẩn thiết mong cơ quan chức năng kiểm tra, nhằm xử lý dứt điểm tình trạng bãi phế liệu xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường để đảm bảo sức khỏe người dân xung quanh và cảnh quan đô thị", bà H.T.N - người dân sống gần khu vực này nói.
Ông Nguyễn Hữu Toàn, chủ tịch UBND xã Hòa Phú, thông tin: “Tôi đã nắm được vấn đề này. Vấn đề ô nhiễm môi trường đã có các văn bản gửi lên cấp trên, đồng thời phối hợp với các ban ngành để xử lý. Tuy nhiên, trách nhiệm và quyền hạn của xã còn nhiều hạn chế nên chưa xử lý triệt để được”.
Báo tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.