Đắk Lắk: Nâng tầm giá trị cho nông sản hàng hóa
Tỉnh Đắk Lắk có tiềm năng, thế mạnh nổi trội và rất lớn về sản xuất nông nghiệp trong khu vực Tây Nguyên và cả nước. Nhiều mặt hàng nông sản hàng hóa chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, ca cao, sầu riêng… những năm qua không chỉ góp phần cải thiện căn bản đời sống xã hội cho người dân nhất là bà con các dân tộc thiểu số, mà còn đóng góp nguồn thu ngân sách mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng này.
Tạo sự lan tỏa mạnh mẽ từ chương trình OCOP
Tổng hợp, đánh giá sau gần 6 năm triển khai thực hiện, chương trình OCOP (mỗi xã/phường một sản phẩm) của Ban Chỉ đạo điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk, kết quả ban đầu đạt được đã giúp tăng giá trị sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ đó nâng tầm nông sản hàng hóa trên địa bàn. Đặc biệt, chương trình đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai một cách đồng bộ, rộng khắp tại các địa phương trong tỉnh.
Cụ thể đến nay, địa phương này đã công nhận 143 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao. Trong đó có 19 sản phẩm đạt 4 sao, 123 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, tại địa bàn 57 xã, phường.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Lắk, các sản phẩm OCOP thời gian qua đã nhanh chóng khẳng định vị thế, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới…
Cũng từ chương trình OCOP đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo bứt phá đi lên, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Thông qua các mô hình liên kết đang từng bước tạo nên chuỗi giá trị nâng cao cho các sản phẩm nông sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: cà phê, tiêu, lúa gạo, cây ăn trái nhãn, vải, sầu riêng, heo, gà…
Điển hình trong hoạt động liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, có thể kể đến các đơn vị như: Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) Công bằng Ea Kiết, HTX DVNN Công bằng Cư Dliê Mnông (huyện Cư M'gar), HTX DVNN Công bằng Ea Kmat (huyện Krông Pắc), HTX Nông nghiệp 714 (huyện Ea Kar), HTX Giảm nghèo Ea Súp, HTX Cánh đồng 8/4 (huyện Lắk)...
Riêng tại huyện Cư M’gar, một trong những địa phương triển khai, hiệu quả chương trình, đến nay đã có 21 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó sản phẩm cao nhấp là 4 sao liên quan đến cà phê. Hầu hết các sản phẩm OCOP cũng phải gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương bao gồm liên quan đến ngành hàng cà phê, tiêu, các loại cây ăn trái và số sản phẩm chăn nuôi.
Lãnh đạo UBND huyện Cư M’gar cho biết, để chương trình được phát triển mạnh mẽ, địa phương khi thực hiện đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia. Khi các sản phẩm tham gia OCOP đáp ứng yêu cầu của thị trường và mang bản sắc của địa phương, phát triển được các sản phẩm thì phát huy được lợi thế của bà con nông dân trong quá trình sản xuất.
Hiệu quả thấy rõ là, khi được công nhận OCOP giá trị của các sản phẩm được nâng cao thành hàng hóa tạo động lực để huyện Cư M’gar đang tái cơ cấu từ làm nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm OCOP không dừng lại trong phạm vi của huyện, của tỉnh mà mong muốn vươn tầm thế giới.
Lãnh đạo UBND huyện Cư M’gar cho biết, các sản phẩm OCOP cũng giúp cho nông dân từng bước áp dụng công nghệ thông tin, kể cả chuyển đổi số trong nông nghiệp. Trước đây người dân chỉ biết bán hàng ở chợ, mua bán nhỏ lẻ, nhưng bây giờ có thể live trực tiếp để bán hàng.
Khi được công nhận OCOP là sản phẩm kiểm định thì chất lượng sẽ được nâng lên, từ đó nâng tầm được các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Tăng cường kết nối giao thương
Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Đắk Lắk, lũy kế 10 tháng của năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 1,2 tỷ USD. Tuy có giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng đây vẫn là nguồn thu chủ lực cho ngân sách địa phương.
Theo ông Lưu Văn Khôi - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk, đối với những mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng…, thị trường trong nước và quốc tế đang những gặp khó khăn trong công tác tiêu thụ sản phẩm nông sản, nhất là trong những tháng cuối năm 2023.
Do vậy, để thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, ngành Công thương đang tiếp tục tăng cường đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Cùng với đó, cơ quan này tổ chức tập huấn kiến thức cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về cam kết của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP... Qua đó, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hiểu rõ hơn về việc tận dụng những cơ hội mà những hiệp định này mang lại để khai thác, tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu.
Đối với thị trường trong nước, Sở Công thương Đắk Lắk đã và đang tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có không gian gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm đối tác, mở rộng hợp tác trong tiêu thụ nông sản.
Mới đây nhất, để kết nối giao thương thị trường tiêu thụ hàng nông sản trong nước, Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp các sản phẩm nông sản với doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ xuất khẩu năm 2023. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo sở công thương, trung tâm xúc tiến thương mại các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Long An, An Giang, Hậu Giang, Quảng Ngãi và hơn 200 nhà phân phối, doanh nghiệp thu mua xuất nhập khẩu; hợp tác xã sản xuất, chế biến, cung ứng nông sản, thực phẩm trong và ngoài địa phương.
Cùng với đó, đã có hàng chục biên bản hợp tác ghi nhớ, hàng chục hợp đồng liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông sản hàng hóa giữa các địa phương, doanh nghiệp được ký kết với kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích kinh tế cao cho các doanh nghiệp, địa phương trong thời gian tới.
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết, để giúp người nông dân yên tâm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao, đơn vị cũng đang tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá các sản phẩm nông sản hàng hóa; xây dựng thương hiệu, mã vùng trồng… theo hướng chuyên canh, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk thời gian qua cũng thường xuyên khuyến cáo người dân, không nên ồ ạt mở rộng diện tích đối với một số loại cây trồng đặc sản, không nên chạy theo lợi nhuận trước mắt của thị trường khi giá bán cao mà nên chú trọng tuân thủ quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng, đặc biệt là tăng cường liên kết sản xuất - tiêu thụ khép kín./.
Đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã có 114 chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hàng chục cơ sở được cấp giấy chứng nhận sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên các loại sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi; khoảng 150 HTX nông nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; khoảng 34 doanh nghiệp và 276 trang trại, gia trại tham gia liên kết với doanh nghiệp; số nông dân tham gia liên kết gần 16.000 hộ…