Đắk Lắk: Nhiều sai phạm trong việc 'đổi đất' để làm dự án
Thanh tra tỉnh Đắk Lắk vừa có kết luận thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm tại UBND huyện Cư M'gar.
Ngày 26-5, nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho biết UBND huyện Cư M’gar vừa có cuộc họp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện kết luận của Thanh tra tỉnh Đắk Lắk.
Tại cuộc họp này, các cơ quan tham dự đều thống nhất quan điểm trước khi hủy bỏ giá trị pháp lý các quyết định phải xem xét bồi thường trước cho người dân (liên quan đến việc “đổi đất” để thực hiện dự án nghĩa trang nhân dân xã Cư Suê - PV), sau đó mới thu hồi đất. Lãnh đạo UBND huyện yêu cầu thực hiện nghiêm kết luận của Thanh tra tỉnh.
“Đổi đất” để làm dự án chưa đúng quy định
Cụ thể, theo kết luận thanh tra, để thực hiện dự án nghĩa trang nhân dân xã Cư Suê, ngày 30-10-2019, UBND huyện đã thu hồi 2,4 ha đất trồng cây lâu năm của ông VĐD và bà ĐTM (ngụ xã Cư Suê). Vị trí đất cách UBND xã khoảng 3 km. Thời điểm thu hồi, đất của ông D được định giá gần 3,8 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau đó UBND huyện Cư M’gar đã có quyết định giao cho ông D và bà M một thửa đất gần UBND xã Cư Suê với diện tích hơn 2,1 ha, đất trồng cây lâu năm và không thu tiền sử dụng đất (SDĐ). Cũng thời gian này, UBND huyện đã ra quyết định về việc công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ cho hai người này.
Thanh tra xác định việc bồi thường bằng đất cho ông D và bà M là không đúng quy định. Trong 2,1 ha đất đã cấp cho hai người này có 0,73 ha là đất thương mại dịch vụ, đất chưa sử dụng là 0,61 ha, đất giao thông là 0,51 ha và đất nghĩa trang nhân dân gần 0,25 ha (có 180 ngôi mộ).
Sau khi được bồi thường, ông D và bà M đã tự ý làm nhà lồng cột bê tông, khung bằng sắt… và xây ba dãy kiốt tường xây gạch… tổng diện tích bao chiếm khoảng 1.000 m2.
Thanh tra kết luận việc UBND huyện Cư M’gar thu hồi 2,4 ha đất nông nghiệp rồi bồi thường bằng 2,1 ha đất nói trên là vi phạm Luật Đất đai. Việc UBND huyện chuyển đổi diện tích bồi thường thành đất nông nghiệp làm thay đổi quy hoạch SDĐ của địa phương. Trách nhiệm trong việc này thuộc về lãnh đạo huyện Cư M’gar và phó chủ tịch huyện phụ trách đất đai, trưởng Phòng TN&MT huyện, giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất, chủ tịch UBND xã Cư Suê và một số cá nhân khác (giai đoạn 2019).
Từ việc cấp đất sai cho ông D và bà M, hai người này đã xây dựng một số công trình trên đất sai quy định. Trách nhiệm trong việc này cũng thuộc về chủ tịch UBND huyện Cư M’gar, chủ tịch UBND xã Cư Suê, cán bộ địa chính xã này, trưởng Phòng TN&MT huyện (giai đoạn 2019).
Từ những sai phạm trên, chánh Thanh tra tỉnh đã chuyển vụ việc sang công an tỉnh để điều tra theo quy định.
Xây trường học trên đất nông nghiệp
Kết luận thanh tra nêu ngày 31-7-2018, UBND xã Ea Tar ban hành quyết định về việc xây dựng công trình Trường Mẫu giáo xã Ea Tar với diện tích 3.218 m2 trên diện tích đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp sang đất giáo dục là chưa đúng quy định. Công trình này đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng.
Đối với việc chuyển đổi mục đích SDĐ, Thanh tra tỉnh chỉ ra nhiều sai phạm. Cụ thể, đoàn thanh tra kiểm tra ngẫu nhiên 150 bộ hồ sơ thì có 48 bộ hồ sơ thực hiện chưa đúng quy định. Trong đó, tính thừa tiền SDĐ (từ đất nông nghiệp sang đất ở) đối với 30 hộ dân với số tiền hơn 228 triệu đồng. Có 27 bộ hồ sơ, Chi cục Thuế khu vực Cư M’gar - Buôn Đôn xác định giá đất nông nghiệp được quy hoạch đất phi nông nghiệp không nhân hệ số 1,5 lần tương ứng với giá đất theo từng vị trí được quy định. Việc này dẫn đến tính thừa tiền SDĐ của các hộ này hơn 103 triệu đồng.
Có ba bộ hồ sơ, phiếu chuyển thông tin địa chính, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện không xác định vị trí tiếp giáp, khoảng cách chiều sâu của thửa đất nên khi xác định giá đất nông nghiệp được quy hoạch đất phi nông nghiệp không nhân hệ số, dẫn đến số tiền thừa của ba hộ này là hơn 124 triệu đồng.
Ngoài ra, UBND huyện đã ban hành quyết định chuyển mục đích SDĐ từ đất trồng cây hằng năm sang đất ở và cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ đối với 20 thửa đất tại các xã Quảng Phú, Quảng Hiệp và Cư Suê không có trong kế hoạch SDĐ năm 2019 của huyện được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Đối với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, công tác thiết kế bản vẽ thi công, dự toán một số công trình áp dụng định mức và công tác quản lý thi công chưa chặt chẽ, dẫn đến giá trị quyết toán cao hơn so với định mức và khối lượng thực tế thi công của tám công trình trên địa bàn…
Nguồn PLO: https://plo.vn/dak-lak-nhieu-sai-pham-trong-viec-doi-dat-de-lam-du-an-post681882.html