Đắk Lắk: những cây cầu trăm tỷ xây xong nhưng không sử dụng được
Nhiều cây cầu ở Đắk Lắk được xây dựng xong nhưng không thể đưa vào sử dụng vì thiếu đường dẫn hoặc các vướng mắc giải phóng mặt bằng, gây lãng phí lớn nguồn vốn đầu tư công.
Cầu xây xong nhưng thiếu đường đi
Cầu xây xong người dân vẫn phải qua sông bằng đò hoặc lưu thông trên những cây cầu cũ kỹ chật hẹp, xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Cầu vượt sông Krông Bông hoàn thành vào cuối năm 2023 nhưng người dân vẫn phải qua sông bằng đò.
Một trong những ví dụ điển hình là cầu vượt sông Krông Bông, nối liền 2 xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) và Vụ Bổn (huyện Krông Pắc). Cầu này được hoàn thành vào cuối năm 2023 với tổng mức đầu tư 36,5 tỷ đồng, nhưng đã gần một năm trôi qua, cây cầu vẫn chưa thể sử dụng do chưa có đường dẫn lên cầu phía xã Hòa Phong. Người dân 2 xã trên vẫn phải di chuyển qua sông bằng đò với chi phí 10.000 đồng/lượt.
Ông Nguyễn Ngọc Pháp, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, cho biết, nguyên nhân chậm trễ nằm ở việc giải phóng mặt bằng tại khu vực Trạm kiểm lâm số 2 thuộc Vườn quốc gia Chư Yang Sin. Địa phương vẫn đang khảo sát và lựa chọn vị trí mới để di dời trạm, tuy nhiên tiến độ giải quyết vẫn còn chậm.
Cầu Trắng trên tỉnh lộ 1, bắc qua sông Ea H'Leo, nối xã Ea Rốk và xã Ia Jlơi (huyện Ea Súp), cũng rơi vào tình trạng tương tự. Công trình này được khởi công vào năm 2020 với kinh phí khoảng 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù cầu đã thi công xong gần 86% khối lượng công trình, việc thiếu đường dẫn và giải phóng mặt bằng khiến cây cầu vẫn không thể thông xe.
Người dân phải tiếp tục di chuyển qua cây cầu cũ kỹ, chật hẹp, nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Điều này không chỉ nguy hiểm cho người và phương tiện khi mà còn cản trở lưu thông hàng hóa, làm chậm phát triển kinh tế địa phương.
Lãng phí vì khác biệt địa phương
Cầu 110, nối tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai, dù đã được hoàn thành phần cầu và đường dẫn phía Gia Lai, nhưng phía Đắk Lắk lại bị bỏ ngỏ do vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân chính là sự chênh lệch mức bồi thường giữa hai tỉnh, khiến người dân không đồng ý bàn giao mặt bằng. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, biến cây cầu thành nơi phơi nông sản và gây ra sự lãng phí rất lớn.
Ngày 26/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 2795/VPCP-QHĐP giao Bộ GTVT và các cơ quan liên quan tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có nguồn vốn và chủ trương cụ thể để triển khai.
Một trường hợp đáng tiếc khác là cầu Quảng Phú, bắc qua sông Krông Nô, nối xã Quảng Phú (Đắk Nông) với các xã Ea R’bin, Nam Ka (Đắk Lắk). Cây cầu này được khởi công từ năm 1998, nhưng sau khi tỉnh Đắk Nông được tái lập vào năm 2004, dự án đã bị bỏ dở. Hơn 20 năm trôi qua, người dân nơi đây vẫn phải di chuyển qua sông bằng thuyền tự chế, đối mặt với nhiều nguy hiểm, đặc biệt là trong mùa mưa lũ.
Theo thiết kế, cầu Quảng Phú có tiêu chuẩn kỹ thuật cầu treo dây văng nông thôn, chiều rộng mặt cầu 4,4m, chiều dài 147m, tổng mức đầu tư khoảng 35 tỷ đồng. Công trình do Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk lúc bấy giờ làm chủ đầu tư. Trong quá trình triển khai, từ năm 1998 đến 2004, công trình bị tạm dừng thi công 3 lần do liên quan đến quy hoạch, xây dựng các công trình thủy điện trên sông Krông Nô. Đến năm 2004, UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định dừng xây dựng cầu Quảng Phú. Lý do dừng thi công xuất phát từ việc tái lập tỉnh Đắk Nông, các xã Ea R’bin, Nam Ka của huyện Krông Nô được điều chỉnh địa giới hành chính về huyện Lắk của tỉnh Đắk Lắk. Tính đến thời điểm dừng thi công, cầu Quảng Phú đã xây dựng được các hạng mục, gồm: 2 mố cầu, 4 trụ cầu, 4 dầm bê tông cốt thép.
Sau hơn 20 năm xây dựng dang dở, cầu Quảng Phú hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng, các hạng mục đã thi công bị rêu phong, hoen gỉ. Người dân hai bên sông Krông Nô vẫn mòn mỏi chờ đợi cây cầu hoàn thiện để giảm bớt khó khăn trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa.
Tình trạng các cây cầu xây xong nhưng không thể đưa vào sử dụng đang gây ra lãng phí lớn về nguồn vốn đầu tư công. Việc giải phóng mặt bằng chậm trễ, sự khác biệt trong mức bồi thường giữa các địa phương và sự thiếu đồng bộ trong việc triển khai dự án là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Người dân Đắk Lắk hi vọng có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và các cơ quan liên quan để sớm hoàn thiện các cây cầu, giúp cải thiện giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của khu vực.