Đắk Lắk nỗ lực phòng, chống hạn cho cây trồng thời điểm cuối mùa khô
Trong những ngày cuối tháng 4, Đắk Lắk đang bước vào giai đoạn cuối của mùa khô năm 2024-2025, thời tiết nắng nóng gay gắt khiến mực nước các hồ, đập trên địa bàn tỉnh giảm nhanh, trong đó có nhiều hồ, đập, công trình thủy lợi đã khô cạn nguồn nước.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk sử dụng bơm nước chống hạn ở huyện Lắk.
Để chống hạn cho cây trồng, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk đã chủ động điều tiết nguồn nước từ những nơi còn nước đến vùng khô hạn và sử dụng hệ thống bơm tát để tận dụng nguồn nước còn lại dưới các hồ, đập phục vụ chống hạn cho cây trồng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do khô hạn gây ra.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk hiện đang quản lý 252 hồ chứa nước trên địa bàn toàn tỉnh. Qua theo dõi và đánh giá trữ lượng nước của công ty cho thấy, năm nay do mùa khô kéo dài nên đến nay trong tổng số hồ chứa do công ty đang quản lý có khoảng 15 hồ ở mực nước dâng bình thường, 81 hồ mực nước ở mức 70 đến 90%, 62 hồ mực nước ở mức 50 đến 70%, 62 hồ dưới 50% và 32 hồ đã cạn nước.

Một hồ chứa nước trên địa bàn huyện Buôn Đôn mực nước đã xuống thấp.
Trong khi đó, tính đến ngày 21/4, cơ bản các công trình do công ty quản lý đã phục vụ tưới xong vụ Đông Xuân 2024-2025, chỉ có một số khu vực do người dân gieo cấy muộn nên thời gian phục vụ tưới còn khoảng 15-20 ngày nữa mới xong như: Hồ Ea Súp Thượng, huyện Ea Súp còn một đợt tưới; Hồ Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột; Hồ Buôn Joong, huyện Cư M’gar; Hồ Buôn Triết, Hồ Buôn tría, huyện Lắk; Hồ Krông Búk Hạ, huyện Krông Pắc; Hồ Ea Rớt, huyện Ea Kar,….
Ông Trịnh Quốc Bảo, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, cho biết: Trên cơ sở dự báo tình hình thời tiết, ngay từ đầu vụ tưới, công ty đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc công ty, căn cứ vào tình hình nguồn nước, nhu cầu dùng nước tại các công trình để lập phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước cho tất cả các công trình công ty đang quản lý.
Đặc biệt là các công trình có nguy cơ hạn về cuối vụ còn nguồn để chống hạn, trong đó có 44 công trình, gồm 34 hồ chứa và 10 đập dâng có nguy cơ hạn với tổng diện tích phải chống hạn vào khoảng 3.330ha cây trồng, gồm 2.500ha lúa, 811ha cây công nghiệp và 18ha hoa màu.

Người dân sử dụng máy bơm để tận dụng nguồn nước còn lại dưới các hồ, đập, kênh thủy lợi để chống hạn cho lúa nước.
Do đã chủ động tích nước, điều tiết nước tưới khoa học và thực hiện tưới tiết kiệm ngay từ đầu vụ nên tính đến thời điểm ngày 21/4, vụ Đông Xuân 2024-2025 chỉ có 7/44 công trình, gồm ba hồ chứa và bốn đập dâng tập trung chủ yếu tại huyện Buôn Đôn, thị xã Buôn Hồ, huyện Lắk, huyện Krông Năng đã và đang thực hiện biện pháp chống hạn với tổng diện tích vào khoảng 1.058ha, gồm 864ha lúa, 191ha cây công nghiệp và 3,45ha hoa màu.
Trong đó, có hai công trình trên địa bàn huyện Buôn Đôn, chi nhánh công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, huyện Buôn Đôn đã thực hiện xong công tác chống hạn từ ngày 1 đến 31/3/2025. Biện pháp chống hạn là điều tiết nước từ hồ chứa nước Buôn Joong, huyện Cư M’gar về khu tưới của các công trình đập dâng Ea Né, đập dâng Cây Sung huyện Buôn Đôn. Đến nay, công tác chống hạn đã hoàn thành với tổng diện tích đã được chống hạn là 600ha và không có diện tích nào bị khô cháy.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk sử dụng máy bơm nước phục vụ nhân dân chống hạn.
Một công trình trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, chi nhánh của công ty đã thực hiện xong công tác chống hạn từ ngày 8/4 đến 14/4/2025. Biện pháp chống hạn là điều tiết nước từ hồ chứa nước Phú Khánh, huyện Krông Búk về đập dâng Buôn Trinh, thị xã Buôn Hồ. Đến nay, công tác chống hạn đã hoàn thành với tổng diện tích được chống hạn là 191ha.
Một công trình trên địa bàn huyện Krông Năng, chi nhánh đã thực hiện xong công tác chống hạn. Biện pháp chống hạn là nạo vét đất bồi lắng trong kênh dẫn và bể hút trạm bơm Bảy Thiện (hồ Bảy Thiện) để phục vụ tưới cho 108,8ha lúa. Hiện công trình vẫn đang phục vụ tưới, dự kiến còn 10-15 ngày nữa mới phục vụ xong.
Hiện nay, có ba công trình đang triển khai công tác chống hạn với tổng diện tích khoảng 158,94 ha tại huyện Lắk, gồm: đập dâng La Tăng Pô xã Yang Tao, diện tích chống hạn là 114 ha lúa. Chi nhánh công ty điều tiết nước từ trạm bơm Buôn Cuôr về bổ trợ cho suối La Tăng Pô và thực hiện bơm tát vào cống bằng hai máy bơm, công suất 20 CV để phục vụ chống hạn.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cùng nhân dân huyện Lắk bơm nước chống hạn cho cây trồng.
Hồ Buôn Tung 3 xã Buôn Triết, diện tích chống hạn là 29,94 ha lúa. Chi nhánh công ty sử dụng hai máy bơm dầu công suất 20 CV bơm tát từ dung tích còn lại của hồ lên hệ thống kênh mương của cánh đồng phục vụ nhân dân chống hạn.
Hồ Buôn Duh Mah xã Đắk Phơi, diện tích chống hạn là 14,6 ha lúa. Biện pháp chống hạn là bơm tát từ dung tích còn lại của hồ bằng hai máy bơm dầu công suất 20 CV.
Các máy bơm thực hiện công tác chống hạn trên địa bàn huyện Lắk, chi nhánh Lắk mượn của bà con nhân dân để thực hiện việc bơm tát.
Hiện nay, Đắk Lắk đang bước vào giai đoạn cuối mùa khô năm 2024-2025, thời tiết nắng nóng gay gắt khiến nguồn nước nhiều hồ, đập trên địa bàn khô cạn nhanh. Trong đó có Hồ Ea Súp Thượng, huyện Ea Súp, đây là hồ thủy lợi có dung tích lớn nhất tỉnh Đắk Lắk cũng bị khô cạn nguồn nước.

Lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống hạn cho cây trồng trên địa bàn huyện Ea Súp.
Ông Phạm Quốc Tuấn, Giám đốc chi nhánh Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý công trình thủy lợi tỉnh Đắk Lắk huyện Ea Súp cho biết, đơn vị đang quản lý bảy hồ chứa nước trên địa bàn huyện Ea Súp với tổng diện tích tưới gần 8.500 ha, trong đó Hồ Ea Súp Thượng có diện tích mặt nước rộng 1.400 ha với lượng nước chứa trên 146 triệu m3, trong đó dung tích tưới khoảng 136 triệu m3, bảo đảm nước tưới cho khoảng 8.300 ha cây trồng các loại trên địa bàn các xã Cư Mlan, Ea Bung, Ya Tờ Mốt, Ea Lê và Thị trấn Ea Súp.
Kể từ khi hệ thống thủy lợi Hồ Ea Súp Thượng được xây dựng năm 2001 và đi vào hoạt động từ năm 2005 đến nay đã biến vùng bình nguyên Ea Súp thành một trong những vựa lúa lớn nhất tỉnh Đắk Lắk. Chất lượng lúa gạo cũng được khẳng định thông qua việc liên kết sản xuất lúa có chứng nhận. Tính đến năm 2024, huyện Ea Súp có diện tích quy hoạch đất trồng lúa trên 10.783 ha, trong đó đất chuyên trồng lúa nước là 7.200 ha; các xã có diện tích trồng lúa hai vụ lớn nhất là: Ya Tờ Mốt, Ea Rốk, Ea Lê, Ea Bung và Cư Mlan.
Nhờ nguồn nước ổn định của Hồ Ea Súp Thượng mà năng suất lúa nước trên địa bàn huyện Ea Súp bình quân đạt 6,7-7 tấn/ha, có nơi đạt 10 tấn/ha.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk chỉ đạo chi nhánh huyện Ea Súp tận dụng nguồn nước còn lại của Hồ Ea Súp Thượng để tưới đợt cuối cho những diện tích lúa gieo sạ muộn trên địa bàn.
Ông Nguyễn Tấn Tuấn ở xã Cư Mlan, huyện Ea Súp vừa gặt xong 1,8 ha lúa nước với năng suất đạt 10 tấn/ha. Hiện nay, ông đang nuôi đàn vịt thả đồng trên những thửa ruộng vừa gặt xong để nâng cao thu nhập. Ông Tuấn phấn khởi cho biết: Trước đây khi chưa có Hồ Ea Súp Thượng, người dân địa phương chỉ sản xuất lúa một vụ nên đời sống khó khăn. Còn kể từ khi Hồ Ea Súp Thượng đưa vào sử dụng đến nay, người dân đã sản xuất lúa hai vụ, thậm chí nhiều gia đình còn sản xuất ba vụ lúa một năm với năng suất bình quân đạt 7-8 tấn/ha/vụ, nhiều gia đình chăm sóc tốt năng suất đạt 10 tấn/ha/vụ.
Bên cạnh đó, Ea Súp là huyện biên giới, thời tiết khắc nghiệt hơn nhiều địa phương khác trong tỉnh nhưng nhờ có công trình Hồ Ea Súp, vào mùa khô hàng năm trên cánh đồng lúa nước của huyện Ea Súp chưa bao giờ thiếu nước. Nhờ đó, đời sống của gia đình tôi cũng như nhân dân trên địa bàn huyện không ngừng được cải thiện và nâng cao về mọi mặt.

Nhờ nguồn nước ổn định của Hồ Ea Súp Thượng mà năng suất lúa nước trên địa bàn huyện Ea Súp bình quân đạt 6,7-7 tấn/ha, có nơi đạt 10 tấn/ha.
Tuy nhiên, do công trình được xây dựng và đưa vào sử dụng hơn 20 năm nay nên một phần lòng hồ bị bồi lấp, một phần thời tiết năm nay nắng nóng gay gắt kéo dài khiến mực nước Hồ Ea Súp Thượng đã xuống dưới mực nước chết 1,7m. Rất may, hầu hết diện tích lúa nước vùng tưới của Hồ Ea Súp Thượng trên địa bàn huyện Ea Súp lúa đã chín và đang bước vào mùa gặt nên không ảnh hưởng, chỉ còn một ít diện tích gieo sạ muộn trên địa bàn xã Ia Rvê cần thêm một đợt tưới nữa nên chi nhánh công ty đang tính đến phương án sử dụng nguồn nước dự trữ còn lại của Hồ Ea Súp Thượng để tưới cho toàn bộ diện tích này, không để xảy ra khô cháy gây thiệt hại cho người nông dân.

Kể từ khi hệ thống thủy lợi Hồ Ea Súp Thượng được xây dựng năm 2001 và đi vào hoạt động từ năm 2005 đến nay đã biến vùng bình nguyên Ea Súp thành một trong những vựa lúa lớn nhất tỉnh Đắk Lắk.
Trực tiếp đi kiểm tra tình hình khô hạn và chỉ đạo công tác phòng, chống hạn trên địa bàn huyện Ea Súp, ông Trịnh Quốc Bảo, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, hiện nay ngoài việc tận dụng nguồn nước còn lại của Hồ Ea Súp Thượng để phục vụ tưới đợt cuối cho diện tích lúa nước tại xã Ia Rvê, công ty cũng đang thực hiện chống hạn tại bảy công trình với tổng diện tích trên 1.000 ha trên địa bàn huyện Krông Năng, Lắk, thị xã Buôn Hồ…
Hiện nay đang bước vào giai đoạn cuối mùa khô hạn năm 2024-2025 nên thời tiết khá nóng bức, tình hình khô hạn vẫn tiếp tục xảy ra. Vì vậy, công ty tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết và nguồn nước tại các công trình để có phương án chống hạn kịp thời với phương châm “còn nước còn tát” nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do hạn hán gây ra.

Nông dân tỉnh Đắk Lắk tưới cà-phê đợt cuối trong mùa khô 2024-2025 trước khi mùa mưa đến.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh hiện có 69.360 ha cây trồng ngắn ngày vụ Đông Xuân 2024-2025 và 373.772 ha cây trồng lâu năm. Trên cơ sở dự báo tình hình thời tiết trong mùa khô năm 2024-2025 nên Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk và chính quyền các địa phương chủ động triển khai các biện pháp chống hạn.
Để bảo đảm nguồn nước chống hạn, ngay từ đầu mùa khô, các đơn vị tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, nâng cao ngưỡng tràn bằng bao tải cát; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến như tưới tiết kiệm, tưới nhỏ giọt; đồng thời, nông dân một số địa phương trong tỉnh cũng đã chủ động đào ao, khoan giếng để tìm nguồn nước tưới cho cây trồng. Nhờ đó, đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chưa ghi nhận thiệt hại do hạn hán gây ra.