ĐẮK LẮK: PHÁT HUY VAI TRÒ NGƯỜI CÓ UY TÍN LÀM CẦU NỐI TUYÊN TRUYỀN VỀ BẦU CỬ

Công tác tuyên truyền, vận động về cuộc bầu cử đang được tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh triển khai, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Trong đó, địa phương tiếp tục nâng cao vai trò các già làng, trưởng bản, người có uy tín, các vị chức sắc, trong đồng bào dân tộc thiểu số với vị trí là 'cầu nối' tuyên truyền giữa Đảng, Nhà nước, chính quyền với người dân.

Tuyên truyền về công tác bầu cử cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn.

Tuyên truyền về công tác bầu cử cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn.

15 năm làm trưởng buôn cũng là 15 năm anh Y Bhiết Aroh tích cực tuyên truyền đến người dân trong buôn Tul A, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến ngày toàn dân đi bầu cử, anh Y Bhiết Aroh cũng thường xuyên phổ biến lồng ghép về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng, các thông tin liên quan về cuộc bầu cử trong các cuộc họp tại buôn để bà con nắm rõ.

Ông Hoàng Văn Pèng, tại thôn Tam Điền, xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, với vai trò là người uy tín, am hiểu phong tục, tập quán, tâm tư nguyện vọng của người dân trong thôn, ông Pèng cho biết, bản thân cũng thường xuyên vận động bà con đồng bào dân tộc miền núi phía bắc tại đây từng bước phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, luôn phổ biến cập nhật cho bà con các chính sách, quy định của pháp luật. Đặc biệt là ý thức về quyền và trách nhiệm của mình trong ngày toàn dân đi bầu cử vào ngày 23/05 sắp tới.

Tại huyện Krông Ana, ông Nguyễn Năng Lưu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngoài việc tuyên truyền bằng các hình thức tuyên truyền cổ động trực quan, lắp đặt các hệ thống pa nô, khẩu hiệu, … huyện đã và đang tập trung tuyên truyền đến các già làng, trưởng bản, người có chức sắc, chức việc tại các buôn làng để người dân nắm rõ các quy định của pháp luật về bầu cử và quyền lợi của mình trong việc bầu cử.

Tuyên truyền về bầu cử qua loa truyền thanh tại vùng sâu, vùng xa ở Đắk Lắk.

Tuyên truyền về bầu cử qua loa truyền thanh tại vùng sâu, vùng xa ở Đắk Lắk.

Đắk Lắk có 49 dân tộc anh em cùng sinh sống với hơn 667.000 người đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm trên 35% dân số toàn tỉnh. Trong đó, có hàng nghìn người là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Để cuộc bầu cử đạt kết quả cao, tỉnh Đắk Lắk đang tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử, nhất là đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, tập trung phát huy vai trò tuyên truyền của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín, chức sắc, tôn giáo, nhân sĩ, trí, thức người dân tộc thiểu số… để người dân nêu cao tinh thần làm chủ, trách nhiệm, lựa chọn và bầu ra những đại biểu tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, uy tín, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIV, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Đắk Lắk Y Biêr Niê, công tác công tác thông tin tuyên truyền về cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn đã và đang thực hiện theo đúng chỉ đạo, định hướng, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tạo không khí phấn khởi trong nhân dân; gắn với triển khai thực hiện nhiệm vụ của đất nước và tỉnh. Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác tuyên truyền được triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong đó, chú trọng tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở bằng nhiều thứ tiếng đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức lồng ghép vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; qua hệ thống tờ rơi, pa nô, áp phích; và nhất là đẩy mạnh vai trò của đội ngũ cán bộ, người tiêu biểu, có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số./.

Kim Liên

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=54889