Đắk Lắk: Tăng cường bảo vệ, tránh xung đột với đàn voi rừng
Trong quá trình di trú theo mùa, một đàn voi rừng khoảng 4 con vừa xung đột với voi nhà đang được chăm sóc tại khu rừng thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.
Thông tin từ Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk), cho biết, đàn voi rừng đã vào khu vực chăm sóc voi nhà của đơn vị tại tiểu khu 462 để tranh thức ăn, trong quá trình xung đột đàn voi rừng đã gây hư hỏng một số tài sản.
Theo nhận định từ phía chuyên gia, đàn voi rừng hiện đang di chuyển ở khu vực rừng thuộc địa bàn xã Krông Na và đang di chuyển về hướng xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk). Trên hành lang di chuyển của voi sẽ đi qua một số nương rẫy của bà con trên khu vực, do vậy Trung tâm sẽ phối hợp với chính quyền xã Ea H’leo và Krông Na để lập phương án phòng tránh, hạn chế xung đột giữa người và voi. Để phòng tránh việc voi phá hoại nương rẫy, người dân không ở lại rẫy vào ban đêm, tổ chức các tổ bảo vệ có biện pháp xua đuổi voi phù hợp để hạn chế thiệt hại về tài sản cũng như xung đột giữa người và voi.
Liên quan đến đàn voi nhà đang được nuôi thả tự nhiên tại huyện Buôn Đôn, trong năm 2022, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của dự án nhằm triển khai mô hình hoạt động du lịch thân thiện với voi, chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi và nâng cao phúc lợi cho các cá thể voi nhà và duy trì, bảo tồn quần thể voi nhà trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Thời gian thực hiện dự án từ tháng 11.2022 đến tháng 12.2026. Địa điểm thực hiện trên địa bàn huyện Buôn Đôn gồm: Vườn quốc gia Yok Đôn; Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng; các công ty du lịch đang hoạt động trên địa bàn huyện; trên địa bàn huyện Lắk gồm: Ban Quản lý rừng lịch sử-văn hóa-môi trường Hồ Lắk.
Kinh phí do tổ chức Animals Asia Foundation (AAF, Hồng Công-Trung Quốc) tài trợ với tổng trị giá 55 tỷ 452 triệu đồng, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại là 50 tỷ 888 triệu đồng, vốn đối ứng từ nguồn ngân sách sự nghiệp được bố trí cho Trung tâm Bảo tồn voi, cứu trợ động vật và quản lý bảo vệ rừng hằng năm là 4 tỷ 564 triệu đồng.