Đắk Lắk tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Tại Đắk Lắk, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, nhất là sự xuất hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi, bệnh viêm da nổi cục ở nhiều địa phương. Công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh triển khai quyết liệt.

Đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 66 hộ thuộc 17 xã của 10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Đắk Lắk, làm chết và tiêu hủy hơn 510 con với tổng khối lượng hơn 24 tấn. Hiện còn 6 huyện dịch bệnh chưa qua 21 ngày.

Đối với bệnh viêm da nổi cục trâu bò, trong tuần, dịch bệnh phát sinh tại 2 hộ ở thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar và xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, tổng khối lượng tiêu hủy hơn 300kg.

Các hộ chăn nuôi chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi

Các hộ chăn nuôi chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi

Lũy kế từ đầu năm đến nay, ở Đắk Lắk xuất hiện 4 ổ dịch viêm da nổi cục trâu bò tại huyện Ea Súp, huyện Cư M'gar và thành phố Buôn Ma Thuột, làm mắc bệnh 9 con, tiêu hủy 4 con, tổng khối lượng tiêu hủy hơn 450 kg. Hiện nay, vẫn còn 2 xã, dịch bệnh viêm da nổi cục chưa qua 21 ngày.

Theo Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, tỉnh chi gần 29 tỷ đồng ngân sách Nhà nước để các địa phương tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong năm nay. Trong đó, một nửa kinh phí dành để mua các loại vaccine phòng bệnh, còn lại là dành cho các hoạt động: tập huấn, tuyên truyền, mua hóa chất khử trùng tiêu độc, hỗ trợ công tiêm phòng, xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch, mua vật tư, mua sắm dụng cụ, trang thiết bị tiêm phòng, chống dịch.

Cán bộ thú y các địa phương hỗ trợ phun hóa chất để tiêu độc khử trùng ở các chuồng trại

Cán bộ thú y các địa phương hỗ trợ phun hóa chất để tiêu độc khử trùng ở các chuồng trại

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc sở cho biết, công tác phòng chống dịch bệnh vật nuôi ở tỉnh đang được đẩy mạnh:“Vấn đề thứ nhất làm tốt công tác tuyên truyền, tuyên trình từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cấp thôn. Giải pháp thứ 2 là giải pháp tiêm phòng, đề nghị các địa phương, các trạm thú y tham mưu có một cơ chế dự phòng khi xảy ra là dập ngay. Thứ 3 là công tác kiểm dịch và kiểm soát giết mổ, ngành thú ý phối hợp với công an giao thông và công an khu vực xử lý vấn đề này”.

Hương Lý/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dak-lak-tang-cuong-phong-chong-dich-benh-tren-dan-vat-nuoi-post1119060.vov