Đắk Lắk: Thực hiện tốt công tác xóa mù chữ toàn tỉnh
Trong năm học 2019-2020 và giai đoạn 2016-2020, ngành giáo dục Đắk Lắk đã đạt được nhiều thành tích, đột phá về giáo dục mũi nhọn. Đối với giáo dục đại trà có nhiều chuyển biến tích cực.
Nâng cao chất lượng giáo dục đại trà
Năm học 2019-2020, dù bị ảnh hưởng dịch Covid – 19. Tuy nhiên ngành giáo dục Đắk Lắk vẫn nỗ lực để đạt các mục tiêu đề ra. Sở GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các trường phòng chống dịch nhưng vẫn đảm bảo kiến thức cho các em học sinh.
Trong năm học này, tỉnh Đắk Lắk có 469.969 học sinh từ mầm non đến THPT (tăng 10.000 HS so với năm học 2018-2019). Từ bậc mầm non đến phổ thông có 16.793 phòng học, trong đó có 10.870 phòng học kiên cố. Việc đầu tư xây dựng trường, lớp học được thực hiện theo hướng kiên cố hóa, theo chuẩn quốc gia. Từ bậc mầm non đến THPT có 36.204 cán bộ, giáo viên và nhân viên với tỷ lệ giáo viên trên chuẩn đạt 67.57%.
Ngành giáo dục tỉnh cũng chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với CBQL và GV góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng chú trọng việc đổi mới phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học các môn học theo hướng phát huy năng lực của người học. Bên cạnh đó tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh DTTS cấp tiểu học..., đặc biệt là các nội dung liên quan đến triển khai CTGDPT 2018.
Trong năm học này, toàn tỉnh có 491/1.007 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 48,76%, so với năm 2019 tăng 45 trường. Tỉnh Đắk Lắk có 91.325/100.679 trẻ (tỷ lệ 90,7%) ăn bán trú. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi hàng năm dưới 5%. Kết quả, hàng năm 100% lớp mẫu giáo 5 tuổi đã thực hiện đánh giá sự phát triển của trẻ 5 tuổi theo đúng quy định.
Về chất lượng giáo dục đại trà đối với giáo dục tiểu học, tỷ lệ học sinh hoàn thành và hoàn thành tốt đạt 97,15% trở lên. Chất lượng giáo dục THCS tỷ lệ học sinh khá giỏi đạt 52,37% (tăng 8,23% so với năm học 2018-2019), tỷ lệ học sinh yếu kém 6,13% (giảm 8,3%). Còn chất lượng giáo dục THPT tỷ lệ học sinh khá giỏi đạt 55,05% (tăng 15,39 so với năm học trước), tỷ lệ học sinh yếu kém 7,71% (Giảm 10,9%).
Những năm qua, ngành giáo dục tỉnh cũng đã xóa mù chữ cho 40 xã phường đạt mức độ 1, 144 xã đạt mức độ 2; 7/15 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn mức độ 1; 8/15 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn mức độ 2. Toàn tỉnh đạt chuẩn mức độ 1.
Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2019-2020, tỉnh Đắk Lắk có 70 học sinh dự thi ở 10 môn, đã đoạt 39 giải (tăng 3 giải so với năm 2019). Qua đó, ngành giáo dục tỉnh tiếp tục dẫn đầu các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Trong năm học 2019-2020, một học sinh của tỉnh xuất sắc đạt giải Nhì trong cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia.
Chú trọng giáo dục kỹ năng sống
Trong năm học 2020-2021, ngành giáo dục tỉnh Đắk Lắk chú trọng tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh. Bên cạnh đó, phát huy tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề của mỗi cán bộ quản lý, giáo viên. Qua đó, xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện, lành mạnh trong nhà trường.
Ngoài ra, ngành giáo dục tỉnh tiếp tục tích cực tham mưu với các cấp, các ngành để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị trường học theo Đề án phát triển GD&ĐT giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2026. Trong đó tập trung đầu tư cho các cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất - thiết bị tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới.
Ngành giáo dục tỉnh cũng chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Bên cạnh đó, đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên, nâng cao hiệu quả giáo dục dân tộc. Không những vậy, đẩy mạnh phong trào thi đua “dạy tốt - học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” gắn với phong trào xây dựng trường học xanh – sạch – đẹp – an toàn.
Trong năm học mới, toàn ngành GD&ĐT tỉnh phấn đấu cuối năm 2020 đạt trên 50% trường học đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ thôn, buôn có trường, lớp mẫu giáo (tính cả học ghép các thôn, buôn) là 100%. Bên cạnh đó, tỷ lệ phòng học kiên cố phấn đấu đạt 68% vào cuối năm 2020, cuối năm 2021 đạt 70%. Ngoài ra, tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường, phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho các cấp học.