Đắk Nông: 3 năm chi sai cả tỷ đồng đền bù vẫn 'bình yên vô sự'
Vụ đền bù xây hồ thủy lợi nhiều khuất tất ở Đắk Nông, 'người lạ' nhận tiền tỷ, người có đất 'tay trắng' đến nay vẫn chưa có ai chịu trách nhiệm.
Nhanh chóng chi tạm ứng cho các đối tượng kê khống, liên tiếp phê duyệt không đúng đối tượng nhận tiền đền bù, đến nay việc đòi lại số tiền đã chi của huyện Krông Nô (Đắk Nông) rất khó khăn. Trong khi đó, việc xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm này vẫn đang bỏ ngỏ.
Huyện gian nan đi đòi... tiền chi “nhầm”
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Ban QLDA và Phát triển quỹ đất huyện Krông Nô cho biết: Việc đền bù, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng hạng mục mở rộng công trình hồ thủy lợi Đắk Drô theo Quyết định số 1410 (ngày 22/6/2017) của UBND huyện có “sai sót” đã được điều chỉnh.
Tuy nhiên, điều tra của PV, từ Quyết định 1410 và chủ trương tạm ứng “thần tốc” 50% tiền đền bù, hỗ trợ cho 19 hộ dân được phê duyệt đang kéo theo nhiều hệ lụy. Hiện, hàng tỷ đồng Nhà nước bị UBND huyện Krông Nô chi trả sai cho 13 trường hợp kê khống từ năm 2017, nay chưa thể thu hồi.
“
Cần khởi tố vụ án hình sự
Luật sư Dương Lê Sơn, Văn phòng Luật sư Lê Sơn (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Căn cứ vào hồ sơ vụ việc thì dấu hiệu vi phạm rất rõ. Đó là có 13 hộ dân được UBND huyện Krông Nô phê duyệt không đúng thực tế để nhận tiền đền bù. Vì vậy, Cơ quan công an cần khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ.
“Các đối tượng có dấu hiệu phạm tội quy định tại Điều 230, Bộ luật Hình sự: Tội vi phạm quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Đồng thời, do thiệt hại tài sản của Nhà nước nhiều tỷ đồng nêu tại Khoản 3, Điều 230 (BLHS) thì khung hình phạt tù từ 10 - 20 năm. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét đến tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với các cán bộ có liên quan đến việc thẩm định, ký phê duyệt dự án tại Điều 179 (BLHS). Ngoài ra, đối với những người dân không có đất nhưng vẫn ký khống hồ sơ để nhận tiền có dấu hiệu đồng phạm cần phải được điều tra, xử lý”, luật sư Sơn nói.
”
Cụ thể, theo Quyết định 1410, ông Nguyễn Duy Hiển được phê duyệt bồi thường 289 triệu đồng, đã nhận tạm ứng 144 triệu đồng, nhưng thực tế ông Hiển không có đất. Ông Nguyễn Ngọc Hoàng được phê duyệt hỗ trợ 315 triệu đồng; đã nhận tạm ứng 157 triệu đồng, nhưng đất đã thu hồi trước đó. Ông Nguyễn Văn Hùng được phê duyệt hỗ trợ 205 triệu đồng; đã nhận tạm ứng 103 triệu đồng nhưng không có đất. Ông Lê Văn Khánh, được phê duyệt 457 triệu đồng, đã tạm ứng 228 triệu đồng nhưng không có đất.
Ông Đặng Văn Loan đã được phê duyệt 293 triệu đồng; đã nhận tạm ứng 146 triệu đồng nhưng không có đất. Ông Trần Xuân Quang được phê duyệt hỗ trợ 496 triệu đồng; đã nhận tạm ứng 129 triệu đồng nhưng không có đất. Ông Hoàng Văn Thành được phê duyệt 325 triệu đồng; đã nhận tạm ứng 163 triệu đồng nhưng đất đã bị thu hồi trước đó. Ông Nguyễn Ngọc Đào đã phê duyệt 633 triệu đồng; đã nhận tạm ứng 211 triệu đồng nhưng đất không bị thiệt hại…
Theo các hộ dân, số tiền “trên trời rơi xuống” này được nhiều người dùng vào việc chi tiêu cá nhân, gia đình… và hiện không còn tiền để trả lại huyện(?!).
Thông tin đến PV, đại diện Ban QLDA và Phát triển quỹ đất huyện Krông Nô cho biết: Trong tổng số 1,8 tỷ đồng tạm ứng tiền đền bù cho các đối tượng kê khống theo Quyết định 1410, đến nay huyện mới thu hồi được 4 hộ với số tiền 769 triệu đồng. Hiện nay còn nhiều hộ chưa nộp trả tiền tạm ứng. UBND huyện chỉ đạo Ban QLDA và Phát triển quỹ đất ban hành thông báo lần 3 đến các hộ “chây ì” đề nghị trả tiền. Hết thông báo lần 3, nếu các hộ không trả sẽ chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.
“Né” báo chí, ngó lơ trách nhiệm?
Trao đổi với PV, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, dự án do Sở này làm chủ đầu tư nhưng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng được tỉnh giao cho UBND huyện Krông Nô thực hiện. Khi UBND huyện có quyết định phê duyệt phương án đền bù, Sở sẽ chi trả tiền. Do đó, nếu để xảy ra sai sót, khuất tất, trách nhiệm thuộc UBND huyện Krông Nô.
Trong khi đó, PV Báo Giao thông đã trực tiếp liên hệ lãnh đạo UBND huyện Krông Nô, Chánh văn phòng UBND huyện để đặt lịch làm việc rất nhiều lần nhưng đều bất thành. Vị Chánh văn phòng UBND huyện đề nghị PV gửi câu hỏi, nội dung làm việc nhưng sau hơn 1 tháng thực hiện yêu cầu, huyện không có thông tin phản hồi cho báo chí theo quy định.
Sau nhiều nỗ lực liên hệ lại, đến ngày 10/9, PV được vị Chánh văn phòng UBND huyện thông báo “từ chối phát ngôn” cho báo chí và đề nghị PV làm việc với Giám đốc Ban QLDA và Phát triển quỹ đất huyện để nhận câu trả lời. Nhưng tại đây, vị giám đốc này lại giới thiệu PV làm việc với phó giám đốc ban. Lúc này, PV lại nhận được câu trả lời là “từ chối phát ngôn” ngoài những vấn đề nêu tại văn bản trả lời.
Tại văn bản này, Ban QLDA và Phát triển quỹ đất huyện chỉ thừa nhận những “sai sót” theo cách viết chung chung và thông tin, hiện UBND huyện đã có Công văn số 1006/UBND-VP giao cho Phòng Nội vụ chủ trì phối hợp với Ban QLDA và Phát triển quỹ đất, UBND xã Đắk Drô và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan dẫn đến sai sót trong công tác triển khai phương án bồi thường, hỗ trợ trên. Đồng thời, tiến hành chi trả tiền bồi thường theo phương án điều chỉnh, bổ sung với các hộ dân thực tế có đất bị thiệt hại.