'Đắk Nông cần tính đến phương án xấu nhất là vỡ đập'
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Đắk Nông tính toán lại kịch bản vỡ đập để có giải pháp phù hợp nếu tính huống xảy ra.
Tiếp tục chuyến công tác tại Tây Nguyên, hôm nay (7/8), Đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban dẫn đầu đã đi kiểm tra tình hình mưa lũ, sạt lở tại tỉnh Đắk Nông.
Từ ngày 28/7- 6/8, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông liên tục xuất hiện mưa vừa, mưa to, mưa rất to và kéo dài. Tổng lượng mưa trong những ngày qua tại nhiều nơi đạt hơn 300mm, đặc biệt có nơi trên 556mm.
Mưa lũ trong những ngày qua tại Đắk Nông đã làm 2 người thiệt mạng, gần 200 căn nhà và hơn 650ha cây trồng bị ngập lụt, nhiều công trình hạ tầng như đường giao thông, thủy lợi bị hư hỏng nặng, ước tổng thiệt hại hơn 250 tỷ đồng.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, với tình hình mưa lũ còn kéo dài sẽ dẫn đến 2 mối nguy cơ lớn là ngập lụt và sạt lở, đặc biệt là tại các công trình thủy lợi. Một số công trình như thủy lợi Đắk N’ting, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong đang có nguy cơ vỡ đập, đe dọa tính mạng, tài sản người dân.
“Qua kiểm tra đánh giá, hiện tỉnh Đắk Nông có 15 hồ hư hỏng xuống cấp, trong đó đặc biệt lo ngại là hồ thủy lợi Đắk N’ting huyện Đắk Glong và công trình đập Đắk Ké xã Quảng Trực bị ảnh hưởng, bởi vết nứt gãy đất ở bon Bu Krắk”, ông Phạm Tuấn Anh cho hay.
Qua kiểm tra tình hình thực tế mưa lũ cũng như kiểm tra tại một số điểm sạt lở và công trình thủy lợi đang bị sạt trượt, sụt lún tại Đắk Nông, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai nhận định, tình thiên tại Đắk Nông đang diễn ra nghiêm trọng, phức tạp.
Qua đó, tỉnh cần sớm công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để có giải pháp ứng xử trong trường hợp khẩn cấp đối với các công trình. Những công trình hư hỏng vì thiên tai như thủy lợi, giao thông, có thể bỏ qua một số bước về tư vấn đấu thầu mới có thể xử lý kịp thời để tiếp tục đưa vào sử dụng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đề nghị tỉnh Đắk Nông cần áp dụng nguyên tắc xử lý chung đối với các sự số, các công trình hạ tầng, thủy lợi bị hư hỏng là phải tìm được nguyên nhân rõ ràng rồi mới tiến hành xử lý.
Ông Hiệp dẫn chứng, từ 2 công trình đoàn đã đi kiểm tra là đường Hồ Chí Minh qua Gia Nghĩa bị sụt lún nguyên nhân là do nước ngầm, còn công trình thủy lợi Đắk N’ting nứt gãy là do sạt trượt. Xác định rõ nguyên nhân như vậy mới có giải pháp phù hợp và hiệu quả.
Đối với các công trình thủy lợi đang bị hư hỏng, sạt trượt, nứt gãy đất, tỉnh Đắk Nông cần tính đến phương án xấu nhất là vỡ đập sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hạ du. Qua đó, sớm có giải pháp đảm bảo an toàn về tài sản, tính mạng cho người dân.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đặc biệt nhấn mạnh đến công trình thủy lợi Đắk N’ting đang xảy ra hiện tượng sạt trượt, nứt gãy, dung tích thiết kế chỉ 1,2 triệu m3 nhưng hiện trong hồ có hơn 2 triệu m3, cần phải tính toán phương án vỡ đập để ứng phó ngay thời điểm này.
“Yêu cầu tiên quyết trong các tình huống này là đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trước. Ví dụ như hôm nay đến hồ Đắk N’ting, chúng ta phải di dân toàn bộ thượng, hạ lưu rồi. Tôi đề nghị tỉnh tính toán lại kịch bản vỡ đập, đương nhiên chúng ta không mong muốn và tôi hy vọng không xảy ra, nhưng đối với Đắk N’ting, với điều kiện hiện trạng như hiện nay thì tình huống này phải tính tới. Trong trường hợp vỡ đập, 2 triệu m3 đổ xuống hạ du thế nào thì phải tính toàn bộ đường đi của dòng nước này về hạ du. Trong kịch bản ấy, chúng ta phải di dân đi đâu, thông báo đến những hộ nào phải chi tiết cụ thể”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dak-nong-can-tinh-den-phuong-an-xau-nhat-la-vo-dap-post1037803.vov