Đắk Nông có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm bô xít quốc gia
Theo Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông năm 2024, Đắk Nông phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp bô xít - alumin - nhôm của quốc gia, năng lượng tái tạo của vùng...
Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông năm 2024. Quy hoạch được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển các quan điểm của tỉnh qua các thời kỳ.
Công nghiệp khai thác bô xít - chế biến alumin trở thành đột phá
Theo Quy hoạch, đến năm 2030, Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên; hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ; là cửa ngõ quan trọng kết nối giao thương giữa vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ; trung tâm công nghiệp bô xít - alumin - nhôm của quốc gia, năng lượng tái tạo của vùng... Đồng thời, tập trung phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị thị trường; phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc trưng và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, xã hội, môi trường, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Đến năm 2050, trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Phát triển bền vững, toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh; là trung tâm về công nghiệp nhôm và sau nhôm của quốc gia; nền nông nghiệp công nghệ cao, giá trị cao; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái của vùng. Trở thành “Tỉnh mạnh - Dân giàu - Thiên nhiên tươi đẹp - Xã hội nghĩa tình”.
Ông Lê Văn Chiến, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, sau nhiều lần tổ chức hội thảo, tham vấn ý kiến, quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Theo ông, quy hoạch đã đưa ra 6 quan điểm phát triển với mục tiêu đến năm 2050, xây dựng tỉnh Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tỉnh Đắk Nông sẽ là trung tâm về công nghiệp nhôm và sau nhôm của quốc gia; nền nông nghiệp công nghệ cao, giá trị cao; trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái của vùng.
Trong quy hoạch cũng đề ra 3 đột phá phát triển gồm: công nghiệp khai thác bô xít - chế biến alumin - luyện nhôm và năng lượng tái tạo; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, phát huy lợi thế khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc trưng và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Với mục tiêu tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021 - 2030 là 9,05%, Đắk Nông dự kiến huy động tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trên 345.000 tỉ đồng.
Sau khi công bố quy hoạch, Đắk Nông tổ chức giới thiệu 44 dự án tiềm năng thu hút đầu tư của Đắk Nông với gần 300.000 tỉ đồng.
Tập trung phát triển dựa trên lợi thế có sẵn
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà thời gian tới cần phải đoàn kết, gắn bó và chia sẻ; đặc biệt là sự nêu gương, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu; “tử tế” với đồng chí, anh em, với nhân dân và với pháp luật. Phải quan tâm đến đồng bào dân tộc về sinh kế, cán bộ người dân tộc, cán bộ làm công tác dân tộc. Trong khát khao phát triển vẫn phải giữ được tài nguyên, sự đa dạng sinh học và đặc biệt là giữ rừng với tư cách là lá phổi cho khu vực và đất nước. Quan tâm trao đổi kinh nghiệm với nhiều địa phương khác đang có cách làm hay. Có sự chọn lọc trong đầu tư và thu hút đầu tư.
Riêng đối với định hướng để thực hiện Quy hoạch tỉnh Đắk Nông tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị tỉnh ghi nhớ 8 chữ: “Tuân thủ”, “Linh hoạt”, “Đồng bộ”, “Thấu hiểu”.
Trong đó, “tuân thủ” để đảm bảo quá trình tổ chức triển khai không đi chệch khỏi định hướng quy hoạch, đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra. “Linh hoạt” trong cách thực hiện và triển khai, chủ động điều chỉnh những chỉ tiêu của quy hoạch để phù hợp với đặc thù của địa phương và mục tiêu đề ra. “Đồng bộ” với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, đặc biệt là quy hoạch khoáng sản, để đảm bảo các điều kiện pháp lý phát triển công nghiệp khai khoáng. Đảm bảo chính quyền, người dân và doanh nghiệp cùng “thấu hiểu” quy hoạch để thống nhất, đồng lòng thực thi và kịp thời phát hiện những bất cập trong quy hoạch để cùng điều chỉnh.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, mặc dù tỉnh Đắk Nông đang có nhiều khó khăn nhưng vẫn có những điểm sáng và lợi thế riêng có, hoàn toàn có thể tập trung vào phát triển công nghiệp dựa trên lợi thế về tài nguyên bô xít, phát triển du lịch gắn với các sản phẩm độc đáo, riêng có; khả năng phát triển kinh tế nông nghiệp; khả năng tiếp cận và phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; đặc biệt là khát khao cống hiến, xây dựng của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ tạo nên đã tạo nguồn lực giá trị tinh thần cho địa phương.
Ông Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và hiện thực hóa quy hoạch tỉnh Đắk Nông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Nông sẽ hết sức nỗ lực, nâng cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần trách nhiệm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; xây dựng Đắk Nông đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên…
Vào năm 2020, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) đã có văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ về những chiến lược và giải pháp khai thác khoáng sản bô xít, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Nhôm tại Tây Nguyên.
VIASEE nhận thấy đây là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược lớn, góp phần tạo ra nguồn thu lớn cho Ngân sách Nhà nước giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Trên cơ sở các thử nghiệm, phân tích và đánh giá nhiều lần, các nhà khoa học của VIASEE đã đưa ra phác thảo Quy trình khai thác và chế biến bền vững đối với quặng bô xít Tây Nguyên. Những chiến lược và giải pháp khai thác khoáng sản bô xít của các nhà khoa học VIASEE đã được hội đồng soạn thảo đánh giá rất cao, rất có ý nghĩa khi áp dụng vào thực tiễn.
Tuy nhiên, việc thực hiện quy hoạch đến triển khai trên thực tế tại Đắk Nông là một chặng đường dài, gian nan và còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết. Vì vậy, tháng 4/2024 tới đây, VIASEE sẽ phối hợp với tỉnh Đắk Nông triển khai chương trình Hội thảo với chủ đề: “Kinh tế tuần hoàn trong khai thác, chế biến quặng bô xít gắn với phát triển an sinh xã hội tại Đắk Nông”. Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, nhà chính sách, doanh nghiệp, người dân và cơ quan thông tấn báo chí hiểu rõ hơn về chủ trương của tỉnh Đắk Nông. Đó là tiếp tục được khai thác, chế biến bô xít gắn với phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội trên địa bản tỉnh nói riêng và ngành công nghiệp chế biến khoáng sản hiếm nói chung.