Đắk Nông công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai
Trước những diễn biến phức tạp về tình hình sụt lún, sạt lở đất, nguy cơ vỡ hồ chứa nước thủy lợi, UBND tỉnh Đắk Nông đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó.
Chiều tối 8/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên đã ký Quyết định về công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục đối với công trình hồ chứa nước Đắk N’Ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong), công trình đường Hồ Chí Minh tại Km 900+350 (phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa), sạt trượt khu vực bon Bu Rắk và bon Bu Prăng 1A (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) do thiên tai gây ra.
Theo quyết định công bố, đối với hồ chứa nước Đắk N’Ting, từ ngày 28/7 đến 6/8, trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa vừa, mưa to, mưa rất to và kéo dài. Tổng lượng mưa đo được tại Trạm Đắk Ha (gần khu vực thiên tai) 396mm. Riêng ngày 30/7, lượng mưa rất lớn đạt 134mm.
Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, ngày 1/8, phía đồi bên phải đập đất hồ chứa nước Đắk N’Ting xuất hiện cung trượt kéo dài khoảng 400m từ hạ lưu tràn đến cống thoát nước số 1 đường tránh ngập, chiều cao cung trượt khoảng 30m. Với ảnh hưởng của cung trượt này, áp lực đất bên phía đồi vai phải công trình bị tác động lớn gây dịch chuyển bề mặt cầu qua tràn theo phương ngang, gây nứt vỡ bê tông mặt cầu, đường đỉnh đập và 2 bên mái gia cố thượng hạ đập.
Phạm vi ảnh hưởng của thiên tai đã gây đe dọa trực tiếp đến an toàn công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông, tính mạng, tài sản của nhiều hộ dân xung quanh và phía hạ du công trình.
Đối với công trình đường Hồ Chí Minh đoạn qua phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa, từ ngày 28/7 đến 6/8, trên địa bàn có lượng mưa rất to, kéo dài, tổng lượng mưa đo được là 472mm. Riêng ngày 30/7, lượng mưa đo được đạt 200,2mm. Do mưa lớn kéo dài, ngày 2/8, trên tuyến đường Hồ Chí Minh tại Km 900+350 đã xuất hiện vết nứt rộng từ 1cm đến 10cm, có chiều dài ảnh hưởng khoảng 200m.
Những ngày tiếp theo, vết nứt này tiếp tục mở rộng, kéo dài. Đến ngày 7/9, diễn biến các vết nứt sạt trượt hết sức phức tạp, chiều dài lớn khoảng 40cm, chiều sâu khoảng 4,5m. Việc sạt trượt nghiêm trọng này đã gây mất ổn định kết cấu hạ tầng giao thông, ảnh hưởng lớn đến hoạt động tham gia giao thông trong khu vực, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản của các hộ dân xung quanh.
Đối với khu vực sạt trượt bon Bu Rắk và bon Bu Prăng 1, từ ngày 28/7 đến 6/8, trên địa bàn có lượng mưa rất to, kéo dài, tổng lượng mưa đo được là 759,2mm. Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, từ ngày 1/8, trên địa bàn bon Bu Krắk đã phát hiện vết nứt gãy, chiều dài toàn đoạn nứt khoảng 200m.
Những ngày tiếp theo đó, vết nứt này tiếp tục mở rộng, kéo dài và xuất hiện thêm nhiều vết nứt khác trong khu vực. Đến ngày 7/8, diễn biến vết nứt lan rộng, phức tạp, kéo dài khoảng 450m, kéo dài đến tận bon Bu Prăng 1A, cách chân đập thủy lợi Đắk Ké khoảng 300m. Vụ nứt gãy đất đã gây mất ổn định kết cấu hạ tầng giao thông, nhà cửa, ảnh hưởng lớn đến hoạt động tham gia giao thông tại khu vực, an toàn tính mạng và tài sản các hộ dân xung quanh.
Về biện pháp ứng phó khẩn cấp và khắc phục hậu quả, tại các khu vực ảnh hưởng thiên tai phải thực hiện cắm các biển cảnh báo nguy hiểm, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân không có phận sự vào khu vực cảnh báo nguy hiểm; di dời các hộ dân bị ảnh hưởng; tổ chức trực ban tại công trình 24/24; quan trắc, theo dõi và đánh giá diễn biến thiên tai; theo dõi sự dịch chuyển, nứt gãy hạng mục công trình; theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến thiên tai báo cáo kịp thời về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh biết để chỉ đạo.
Đối với công trình hồ chứa nước Đắk N’Ting, thực hiện phương án ứng phó tình huống khẩn cấp đã được phê duyệt, đồng thời phải tính toán lại kịch bản vỡ đập, đường đi dòng nước ảnh hưởng đến hạ du tại thời điểm hiện tại; khảo sát, đưa ra các phương án thoát nước khối trượt, giảm thiểu tối đa sạt trượt đất tại khu vực vai phải công trình; tính toán, có phương án hạ thấp mực nước hồ để giảm thiểu tối đa thiệt hại khi có sự cố công trình xảy ra; khảo sát, tính toán thiết kế sửa chữa, khắc phục đảm bảo ổn định, an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Đối với điểm sạt trượt, sụt lún trên đường Hồ Chí Minh, tổ chức phân luồng, phân làn giao thông, đảm bảo lưu thông và an toàn khi tham gia giao thông; xử lý dòng tụ thủy hình thành bên trái đường; có giải pháp phù hợp xử lý, hạn chế tối đa nguồn nước mặt đổ về vị trí các vết nứt, sạt trượt; khảo sát xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp xử lý sữa chữa, khắc phục tuyến đường mang tính ổn định, lâu dài để đảm bảo lưu thông, không ách tắc.
Đối với khu vực sạt trượt bon Bu Rắk và bon Bu Prăng 1A, có giải pháp phù hợp xử lý hạn chế tối đa nguồn nước đổ về vị trí các vết nứt, sạt trượt; xác định nguyên nhân gây sạt trượt, có giải pháp xử lý phù hợp; về lâu dài, nghiên cứu, xem xét đề xuất bố trí tái định cư cho các hộ dân đã được di dời.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/dak-nong-cong-bo-tinh-huong-khan-cap-ve-thien-tai-i703121/