Đắk Nông công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với 3 địa điểm
Do tình trạng sạt trượt, nứt đất trên địa bàn ngày càng nghiêm trọng, UBND tỉnh Đắk Nông vừa công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với 3 địa điểm nghiêm trọng nhất.
Ngày 9/8/2023, UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành văn bản hỏa tốc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xảy ra trên địa bàn.
Theo đó, hiện nay tình trạng sạt trượt đất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Việc ban bố tình huống khẩn cấp này để cơ quan chức năng, địa phương chuẩn bị tư thế sẵn sàng di dời dân, tài sản đến nơi an toàn, đồng thời nhanh chóng khắc phục hậu quả.
Khoảng 10 ngày trở lại đây trên địa bàn tỉnh Đắk Nông liên tục xảy ra tình trạng sạt trượt, nứt đất... ở nhiều địa phương. Trong đó, mức độ nghiêm trọng nhất là tại khu vực hồ chứa nước Đắk N'tinh (huyện Đắk G'long); Quốc lộ 14 (TP. Gia Nghĩa) và bon Bu Krắk, bon Bu Prăng 1A (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức).
Tại công trình Hồ chứa nước Đắk N'ting, do mưa liên tục trong nhiều ngày, công trình xuất hiện vết nứt lớn, độ sụt đất tại một số vị trí sâu khoảng 60cm. Vết nứt làm dịch chuyển cầu tràn về phía đập đất lên 63cm, gây mất ổn định công trình, an toàn đập và vùng hạ du. Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành lập phương án cho kịch bản vỡ đập thủy lợi này.
Trong khi đó tại đường Hồ Chí Minh đoạn Km1900+350, (qua TP.Gia Nghĩa) liên tuc xảy ra tình trạng sạt trượt, sạt lở từ ngày 02/8/2023 và liên tục mở rộng dù đơn vị thi công đã tiến hành khắc phục. Hiện nay, các vết nứt đã mở rộng, chiều dài lớn nhất khoảng 40m, chiều sâu khoảng 4,5m.
Tại điểm điểm sạt trượt ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, nơi xuất hiện các vết nứt sau nhiều tiếng nổ lớn trong lòng đất. Hiện nay, vết sạt trượt tiếp tục mở rộng, kéo dài, tổng chiều dài các vết nứt khoảng 540m.
Ngoài ra, tại đường tránh Gia Nghĩa cũng xảy ra tình trạng sạt lở, ảnh hưởng đến các hoạt động giao thông.
Sơ tán người dân khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn
Sau khi công bố tình huống thiên tai khẩn cấp tại các khu vực trên, lực lượng chức năng tiếp tục ứng trực liên tục để hướng dẫn người dân không đi vào các khu vực nguy hiểm. Chốt chặn, hướng dẫn các phương tiện giao thông tuyệt đối không được lưu thông đến những khu vực ảnh hưởng của thiên tai, sạt lở. Các hộ dân ở cạnh các công trình nguy hiểm, sụt lún, sạt lở đều được sơ tán đến nơi an toàn. Tại nơi sơ tán, mọi người được cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm.
Theo UBND huyện Tuy Đức, Đắk Nông, các hộ dân được sơ tán khỏi nơi nguy hiểm sẽ về ở tạm tại Trường THCS Bu Prăng. Tất cả các lực lượng tham gia hỗ trợ cho người dân đảm bảo đủ nguồn lương thực, các nhu yếu phẩm thiết yếu trong những ngày phải di dời.
Huyện Đắk Glong, có 34 hộ dân với 175 nhân khẩu ở vùng hạ du hồ chứa nước Đắk N'Ting đã được sơ tán đến nơi an toàn.
UBND TP.Gia Nghĩa cũng đang tính đến kế hoạch ứng phó tình huống thiên tai. Cụ thể, tất cả hộ dân khu vực nguy hiểm, sạt lở đều chấp hành theo hướng dẫn của các lực lượng chức năng. Về lâu dài, Gia Nghĩa sẽ xin cơ chế để thu hồi đất, giải phóng mặt bằng khu vực có nguy cơ sạt lở này.
Để làm rõ nguyên nhân xảy ra sạt lở, sụt lún, vừa qua đoàn công tác của Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam thuộc Cục Địa chất Việt Nam đã đến Đắk Nông để phối hợp cùng các cơ quan chức năng tỉnh này làm rõ nguyên nhân, đặc biệt là tại khu vực công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai.
Theo ông Võ Văn Minh - Phó Giám đốc Sở TN-MT Đắk Nông: Trên địa bàn chưa từng xảy ra tình trạng địa chất phức tạp như hiện tại. Tình trạng sạt trượt, sạt lở xảy ra ở khu dân cư, đường giao thông và cả công trình hồ đập thủy lợi. Qua khảo sát ban đầu, nguyên nhân chính gây nên sụt lún, sạt lở là do ảnh hưởng thiên tai, mưa lớn kéo dài. Nước thấm sâu khiến nền đất nặng hơn. Các khu vực có địa hình cao xuất hiện tình trạng trượt cục bộ xuống các thung lũng sâu.
Tại cuộc họp với UND tỉnh Đắk Nông, TS.Đỗ Văn Lĩnh - Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam cho biết, việc khảo sát của đoàn công tác nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ TN-MT. Ban đầu, Đoàn dự kiến chỉ khảo sát điểm sạt lở ở bon Bu Krắk. Tuy nhiên, đoàn sẽ khảo sát một số điểm sạt lở mạnh ở Đắk Nông, làm thật kỹ, thận trọng rồi mới có thể đưa ra nguyên nhân và đề đạt giải pháp.