Đắk Nông dốc lực giải ngân hơn 2.400 tỷ đồng vốn đầu tư

Đến hết tháng 7/2024, Đắk Nông còn 2.426 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa giải ngân và tỉnh đang tập trung nhiều giải pháp để hoàn thành công việc này.

Nhiều địa phương tăng tốc

Đến ngày 25/7/2024, Đắk Nông giải ngân đầu tư được 924/3.350 tỷ đồng, đạt 27,6% kế hoạch. Trong đó, nguồn vốn kéo dài từ năm 2023 chuyển sang 61/400 tỷ đồng, đạt 13%; nguồn vốn năm 2024 giải ngân 863/2.950 tỷ đồng.

Dự án Nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông giải ngân 32/150 tỷ đồng kế hoạch vốn 2024

Dự án Nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông giải ngân 32/150 tỷ đồng kế hoạch vốn 2024

Theo Sở KH-ĐT, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp. Trong đó, giải phóng mặt bằng, vướng quy hoạch bô xít là những nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến tiến độ. Còn lại vẫn hoàn toàn là do yếu tố chủ quan.

Thực tế, thời gian qua, còn tình trạng chuẩn bị đầu tư, dự án chưa tốt, chưa rà soát kỹ vướng mắc liên quan đến quy hoạch, giải phóng mặt bằng. Việc phối hợp giữa chủ đầu tư, đơn vị, địa phương chưa chặt chẽ, chưa bám sát việc giải quyết khó khăn, vướng mắc.

Nhiều thời điểm, các đơn vị còn đùn đẩy công việc lên UBND tỉnh. Trong khi, thẩm quyền giải quyết thuộc trách nhiệm của các chủ đầu tư, đơn vị, địa phương. Nhiều chủ đầu tư chưa có giải pháp mạnh mẽ để xử lý kịp thời những nhà thầu chây ì, chậm đẩy nhanh tiến độ dự án.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch trong năm 2024. Hiện nay, nhiều địa phương đang tích cực tăng tốc để thực hiện nhiệm vụ này.

Các nhà thầu đẩy nhanh thi công Dự án nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông

Các nhà thầu đẩy nhanh thi công Dự án nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông

Tại huyện Tuy Đức, năm 2024, nguồn vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia hơn 650 tỷ đồng. Trong đó, riêng 3 chương trình mục tiêu quốc gia 593 tỷ đồng (kể cả vốn năm 2022 và 2023 chuyển sang). Đến nay, địa phương đã giải ngân đạt 56% kế hoạch.

Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức Đinh Ngọc Nhân cho biết, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh danh mục các dự án. Công tác đốc thúc nhà thầu đẩy mạnh thi công được chú trọng. Đến cuối 2024, huyện phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công trên 95% kế hoạch.

Tại huyện Đắk Mil tỷ lệ giải ngân của địa phương hiện đang đạt thấp. Nhiều công trình, dự án vướng quy hoạch chưa thể triển khai. “Chúng tôi đang đẩy mạnh triển khai quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị Đắk Mil tiến tới để đồng bộ với quy hoạch của tỉnh. Khi quy hoạch hoàn thiện sẽ tháo gỡ nhiều nút thắt trong thực hiện các dự án”, Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Hoàng cho biết.

Tập trung, quyết liệt

Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế trên địa bàn. Trong đó, phải kể đến là lĩnh vực công nghiệp, xây dựng trong tỷ trọng tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Chưa kể, đầu tư công đạt thấp, kéo theo các ngành nghề liên quan như: xây dựng, dịch vụ cũng giảm theo. Muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, yếu tố đầu tư công đóng vai trò rất lớn.

Nhiều dự án tại huyện Cư Jút (Đắk Nông) hoàn thành, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế

Nhiều dự án tại huyện Cư Jút (Đắk Nông) hoàn thành, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế

Tại Hội nghị thành viên UBND tỉnh tháng 7, diễn ra ngày 30/7/2024, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười cho rằng, với kết quả giải ngân như hiện tại, Đắk Nông chưa nằm trong danh sách các địa phương bị Chính phủ phê bình. Tuy nhiên, nếu cứ tiến độ chậm như thế này sẽ tạo rất nhiều áp lực vào thời điểm cuối năm.

Kế hoạch đề ra của cả năm 2024 là giải ngân 2.950 tỷ đồng. Hiện tại, toàn tỉnh mới giải ngân được gần 900 tỷ đồng. Như vậy, trong 4 tháng còn lại của năm 2024, Đắk Nông phải giải ngân trên 2.000 tỷ đồng nữa mới hoàn thành kế hoạch. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, chưa kể đến việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

“Chúng ta có tiền nhưng không giải ngân được. Tỉnh đã có rất nhiều cuộc họp về vấn đề này. Thậm chí, nhiều cuộc họp chuyên đề riêng về tiến độ giải ngân các dự án trọng điểm để tập trung làm rõ trách nhiệm. Ngoài nguyên nhân khách quan là liên quan đến bô xít, thời tiết, vẫn còn yếu tố chủ quan rất lớn. Bởi vì, có nhiều công trình không liên quan đến bô xít, vẫn nằm im không giải ngân được. Thực tế bất cập buộc chúng ta nhìn lại vấn đề”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười thực địa Dự án Nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười thực địa Dự án Nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông

Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, Giám đốc Sở KH-ĐT Trần Đình Ninh cho rằng, muốn đẩy nhanh tiến độ đầu tư công phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch tỉnh.

Nếu chậm chạp triển khai quy hoạch sẽ ảnh hưởng lớn đến các dự án. Hiện nay, Đắk Nông có khoảng 1.000 danh mục đầu tư công đang vướng mắc. Chưa kể, tất cả các dự án đầu tư ngoài ngân sách đều đang vướng quy hoạch.

“Thực tế, dư địa tăng trưởng thì có nhưng không triển khai được dự án cũng không làm được gì. Vì phải có đầu tư mới tạo ra giá trị thặng dư và có tăng trưởng”, ông Ninh khẳng định.

Theo ông Ninh, các cấp, ngành, địa phương cố gắng chịu khó ngồi lại với nhau để triển khai thực hiện hiệu quả. Các bên phải nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất để đồng bộ với Quy hoạch tỉnh Đắk Nông. Có như vậy, Đắk Nông mới tháo gỡ những nút thắt trong giải ngân vốn đầu tư công nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Năm 2024, Đắk Nông dự kiến điều chuyển giảm kế hoạch vốn ngân sách Trung ương 213 tỷ đồng. Trong số này, tỉnh được phép điều chuyển cho các dự án khác khoảng 77 tỷ đồng, còn lại hơn 31 tỷ đồng không có nhu cầu hấp thụ vốn.

Nguyễn Lương

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dak-nong-doc-luc-giai-ngan-hon-2-400-ty-dong-von-dau-tu-228139.html