Đắk Nông: Mở lại phiên tòa xét xử đường dây sản xuất 192 triệu lít xăng giả

Điều tra bổ sung cho số liệu lớn hơn

Ngày 20/12, TAND tỉnh Đắk Nông mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả” với 39 bị cáo cư ngụ tại nhiều tỉnh thành, như: Đắk Nông, TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Nai…

Trước đó vào ngày 12/1, phiên tòa đã được mở nhưng phải hoãn vì vắng mặt 3 bị cáo, đồng thời gia đình bị cáo Lê Châu Phước Hưng (SN 1984, ngụ TP Hồ Chí Minh) được người thân nộp giấy chứng nhận bị cáo bệnh tâm thần. Do đó, các luật sư và đại diện Viện KSND đã đề nghị hoãn tòa và được HĐXX chấp nhận để làm rõ giấy chứng nhận tâm thần nhằm không ảnh hưởng đến các bị cáo khác.

 Bị cáo Trịnh Sướng (bìa trái) tại phiên tòa sơ thẩm ngày 20/12. Ảnh: Báo Đắk Nông.

Bị cáo Trịnh Sướng (bìa trái) tại phiên tòa sơ thẩm ngày 20/12. Ảnh: Báo Đắk Nông.

Đến ngày 8/4, phiên tòa được mở lại. Tuy nhiên, sau nhiều ngày xét xử đến ngày 20/4, HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung những vấn đề mà HĐXX không thể làm rõ tại phiên tòa, như: Khối lượng xăng giả các bị cáo phải chịu trách nhiệm, số tiền thu lợi bất chính của các bị cáo trong vụ án.

Sau thời gian điều tra bổ sung, đến tháng 7/2021 cáo trạng của Viện KSND tỉnh Đắk Nông xác định cầm đầu đường dây sản xuất, tiêu thụ xăng dầu giả là bị cáo Trịnh Sướng. Số xăng giả mà Trịnh Sướng phải chịu trách nhiệm là 192 triệu lít, nhiều hơn 55 triệu lít so với cáo trạng tháng 4/2021 (137,1 triệu lít). Số tiền Trịnh Sướng hưởng lợi bất chính cũng tăng gần 50 tỷ đồng so với cáo trạng tháng 4/2021 (102 tỷ đồng), số lượng xăng giả đường dây này bán ra được xác định 188 triệu lít, tương đương số tiền thu lợi bất chính 151 tỷ đồng, và Trịnh Sướng chịu trách nhiệm về số tiền này.

Ngoài 39 bị cáo trong vụ án, HĐXX cũng triệu tập nhiều tổ chức, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Trong đó đa phần là các ngân hàng đã nhận thế chấp tài sản của các bị cáo.

Phát hiện xăng giả từ các vụ xe đang chạy, bỗng bốc cháy

Trong năm 2018 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và một số tỉnh lân cận xảy ra nhiều vụ xe máy đang lưu thông bị bốc cháy. Qua điều tra, cơ quan công an xác định có đường dây sản xuất mua bán xăng giả nên lập chuyên án triệt phá, bắt giữ.

Đến tối 22/1/2019, trong lúc Lê Văn Tĩnh (lái xe bồn) và Nguyễn Văn Sơn (chồng của bị cáo Mạc Thu Trang, chủ Doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Thu Trang ở xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) đang giao dung môi cho cửa hàng xăng dầu Lam Duyên ở xã Đắk N’Rung, huyện Đắk Song do vợ chồng bị cáo Nguyễn Văn Lam và Bùi Thị Duyên làm chủ thì lực lượng trinh sát Công an tỉnh Đắk Nông bắt quả tang.

Qua điều tra, nguồn dung môi để pha chế làm xăng dầu giả trên địa bàn tỉnh Đắk Nông do Nguyễn Văn Hướng (SN 1970, chủ DNTT thương mại Tâm Anh Đắk Nông, trụ sở tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp) và Hồ Thị Nhẫn (SN 1993, ngụ TP Gia Nghĩa) cũng cấp. Nhẫn mua dung môi của vợ chồng Hoàng Thụy Minh Việt (SN 1976), Nguyễn Thị Kim Loan (SN 1985, ngụ tỉnh Đồng Nai) cũng hành nghề kinh doanh xăng dầu. Còn Hướng, Việt, Loan mua dung môi của Công ty TNHH MTV Phạm Sơn do Nguyễn Thị Thu Hòa (SN 1981, ngụ TP Cần Thơ) quản lý, điều hành.

Từ đường dây này, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông mở rộng điều tra, phối hợp với Bộ Công an và đến ngày 28, 29 và 30/5/2019 lần lượt bắt giữ tổng cộng 39 đối tượng thuộc 3 nhóm mua bán dung môi để sản xuất và mua bán xăng dầu giả tại các tỉnh, thành: TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang.

Sau khi triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả, cơ quan chức năng thu giữ 3.264.281 lít dung dịch các loại, gồm: 2.183.604 lít hỗn hợp đã pha chế tạo thành xăng giả; 432.474 lít dung môi chưa pha; 250.000 lít dung dịch; 138.203 lít dầu DO, 260.000 lít xăng A95; 3 tàu thủy; 6 xe bồn; 5 máy bơm; 50kg chất tạo màu cùng nhiều vật dụng, tài liệu liên quan hành vi làm xăng giả. Những mẫu xăng được thu giữ trong quá trình điều tra, sau khi giám định đều ra kết quả “chất lượng không phù hợp quy định tại QCVN 01 2015/BKHCN.

Thu giữ nhiều bất động sản của Trịnh Sướng

Trong vụ án này, cơ quan điều tra thu giữ nhiều giấy tờ sở hữu tài sản là bất động sản của các bị cáo. Chỉ riêng Trịnh Sướng có 74 bất động sản đã thế chấp ở các ngân hàng. Các bị cáo bị được chia thành 3 nhóm, bị truy tố theo khoản 2 và 3 điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 có mức án từ 5-15 năm tù.

Nhóm 1: Trịnh Sướng, Nguyễn Thị Thu Hòa, Nguyễn Văn Hường, Nguyễn Mạnh Tiến, Nguyễn Mạnh Sơn, Hồ Thị Nhẫn, Nguyễn Thị Kim Loan, Hoàng Thụy Minh Việt, Nguyễn Ngọc Quan, Nguyễn Ngọc Hà, Đinh Chí Dũng, Mai Xuân Hậu, Hồ Xuân Cường.

Nhóm 2: Lưu Văn Nguyện, Phạm Hồng Quang, Trương Như Tuyết, Lê Văn Tĩnh, Hồ Văn Hùng, Nguyễn Văn Thuận, Lê Phạm Quốc Anh, Lê Châu Quốc Hưng, Lê Văn Hùng, Nguyễn Quốc Thi, Lê Sướng Anh, Lê Văn Tâm, Nguyễn Thành Trung, Lê Ngọc Lý, Nguyễn Thị Hồng Thúy, Ngô Dương Anh Tuấn, Trần Văn Phước, Trương Văn Thuận.

Nhóm 3: Nguyễn Văn Lam, Hồ Thị Duyên, Nguyễn Công Thành, Nguyễn Lê Minh Hưng, Lê Đại Nam, Vũ Xuân Ngọc, Nguyễn Thành Tân, Nguyễn Minh Quân.

TÂN TIẾN

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dak-nong-mo-lai-phien-toa-xet-xu-duong-day-san-xuat-192-trieu-lit-xang-gia-444219.html