Đắk Nông: Nhiều chính sách phát triển hạ tầng thương mại
Tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều chính sách phát triển hạ tầng thương mại với kỳ vọng thay đổi bộ mặt hạ tầng địa phương.
Cơ sở hạ tầng dần đổi mới
Tỉnh Đắk Nông nằm ở phía Tây Nam của vùng Tây Nguyên, đoạn cuối dãy Trường Sơn, là tỉnh mới được chia tách và thành lập sau cùng tại khu vực Tây Nguyên. Dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, trong thời gian qua, việc đầu tư hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm.
Ngoài các chính sách trung ương, Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để phát triển hạ tầng thương mại như Nghị Quyết số 06/2018/NQ- HĐND ngày 02/8/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông về ban hành quy định về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Đắk Nông; Nghị Quyết số 42/2019/NQ- HĐND ngày 11/12/2019 của Hội đồng nhân dân sửa đổi bổ sung một số điều của quy định về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Đắk Nông ban hành kèm theo Nghị Quyết số 06/2018/NQ-HĐND ngày 02/8/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông.
Đối với khu vực biên giới, miền núi, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 47 ngày 25/1/2021 triển khai biên bản ghi nhớ về phát triển kết nối hạ tầng biên giới giữa Việt Nam và Campuchia của tỉnh Đắk Nông. Những nghị quyết này đã quy định cụ thể những danh mục, những mức hỗ trợ đối với các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào hạ tầng khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới…
Các chính sách trên đã góp phần thu hút doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng thương mại tỉnh Đắk Nông. Chỉ tính riêng trong năm 2022, Chủ đầu tư (Công ty Cổ phẩn Xuất nhập khẩu Rau quả) đang tiếp tục triển khai xây dựng 01 Dự án Trung tâm thương mại Đắk Mil tại huyện Đắk Mil với tổng vốn đầu tư 645 tỷ đồng, diện tích 7.526,5 m2; Dự án chợ Gia Nghĩa đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng khu kinh doanh ngành hàng tươi sống thuộc (giai đoạn 1) và được UBND tỉnh đồng ý cho Công ty cổ phần xây dựng GIQ đưa vào hoạt động; đang hoàn thiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư Dự án chợ phường Nghĩa Trung.
Theo Sở Công Thương Đắk Nông, đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có 46 chợ được phân bố trên 42 xã, phường và thị trấn; 01 Trung tâm thương mại Kiến Đức, huyện Đắk R’Lấp hoàn thiện giai đoạn 1, đang thực hiện giai đoạn 2; 01 Siêu thị hạng II tại thành phố Gia Nghĩa; 01 trung tâm phức hợp, huyện Cư Jút; trên 10.000 cơ sở kinh doanh thương mại (tạp hóa, cửa hàng tiện lợi...).
Nhờ hệ thống phân phối này, tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, đáp ứng nhu cầu mua sắm người dân; lượng hàng hóa phục vụ các ngày Lễ, Tết phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã và đảm bảo chất lượng; các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, các dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch đã trở lại hoạt động bình thường.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hạ tầng
Tuy nhiên, cũng như các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, việc đầu tư phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh Đắk Nông còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa. Bà Dương Thị Quỳnh Mai - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh luôn đặc biệt quan quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư và thu hút nguồn lực xã hội hóa để cho hạ tầng thương mại vùng sâu vùng xa. Song ở đó, dân cư còn thưa thớt và lạc hậu nên việc đầu tư này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Để khắc phục khó khăn, bà Dương Thị Quỳnh Mai chia sẻ, vừa qua, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 384 ngày 31/5/2021 về phát triển hạ tầng thương mại biên giới đến năm 2025 và tầm nhìn 2030. Trong đó tập trung 8 nội dung là hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển hạ tầng, rà soát tích hợp quy hoạch liên quan đến hạ tầng biên giới và quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia. Bên cạnh đó, thu hút nguồn lực phát triển hạ tầng thương mại biên giới, kết nối hợp tác phát triển biên giới, phát triển thương nhân kinh doanh trong các loại hình hạ tầng biên giới, nâng cao chất lượng nhân lực làm công tác quản lý hạ tầng, tuyên truyền quảng bá phát triển xây dựng cơ sở dữ liệu về phát phát triển hạ tầng thương mại...
Năm 2023, Sở Công Thương cũng xác định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh, để đảm bảo cung ứng hàng hóa, phục vụ nhân dân trên địa bàn. Thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, kết nối giao thương, đẩy mạnh xúc tiến thị trường nội địa, phát triển mở rộng và ổn định thị trường tiêu thụ, ổn định phát triển sản xuất kinh doanh hướng tới xuất khẩu.