Đắk Nông phát triển hồ tiêu bền vững, chất lượng cao

Tỉnh Đắk Nông định hướng người dân phát triển hồ tiêu đến năm 2030 theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng bằng việc duy trì diện tích thay đổi lối canh tác để hồ tiêu đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ông Vũ Văn Thủy, ở thôn 3, xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song có 5ha hồ tiêu sản xuất theo chuẩn hữu cơ. Hiện nay, ông Thủy duy trì quy trình sản xuất đạt chuẩn hữu cơ để bảo đảm điều kiện xuất khẩu.

Ông Thủy cho biết, sản xuất hữu cơ đòi hỏi người nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sử dụng phân, thuốc và các chất cấm để tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu về thông số chất lượng của bên mua.

Nông dân phải là người có kiến thức, hiểu biết về hàm lượng các chất trong các loại phân, thuốc để lựa chọn, sử dụng phù hợp.

Với cách canh tác bền vững, trung bình mỗi vụ ông Thủy thu hoạch 2,5 tấn/ha. Giá bán của sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ cao hơn giá hồ tiêu trên thị trường từ 40% trở lên tùy theo thời điểm.

Đắk Nông định hướng phát triển hồ tiêu bền vững, hình thành vùng sản xuất chất lượng phục vụ xuất khẩu

Đắk Nông định hướng phát triển hồ tiêu bền vững, hình thành vùng sản xuất chất lượng phục vụ xuất khẩu

Theo Đề án phát triển cây chủ lực, tỉnh Đắk Nông sẽ duy trì diện tích trồng hồ tiêu năm 2030 diện tích đạt khoảng 33.600ha, sản lượng đạt khoảng 60.000 tấn.

Việc duy trì diện tích nhằm thực hiện chuyển từ trồng tiêu với mục đích đạt năng suất cao sang đạt chất lượng cao và bền vững.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế, ngành Nông nghiệp khuyến cáo và hướng dẫn người dân thực hiện việc chuyển đổi diện tích hồ tiêu già cỗi, kém chất lượng, không thích nghi sang các cây trồng khác có tiềm năng thích nghi.

Theo dự kiến đến năm 2030 khoảng 950ha hồ tiêu sẽ được chuyển đổi sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, phù hợp với quy hoạch, điều kiện tự nhiên từng địa phương.

Tỉnh tiếp tục hình thành và phát triển thêm 1 vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất tại xã Đắk R’moan, TP. Gia Nghĩa với diện tích 300ha, nâng tổng số vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh lên thành 3 vùng với diện tích đạt khoảng 1.849ha.

Đắk Nông tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ dự kiến đạt khoảng 950ha, tập trung tại các huyện trọng điểm của tỉnh: Đắk Song, Đắk R’lấp, Tuy Đức.

Địa phương tăng tỉ lệ diện tích trồng hồ tiêu áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt hoặc tương đương; đa dạng hóa các sản phẩm sơ chế biến sau thu hoạch như tiêu trắng, tiêu muối…; mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị gia tăng.

Đắk Nông hiện có 547ha hồ tiêu được chứng nhận hữu cơ, khoảng 332ha áp dụng quy trình GAP. Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đen 6 tháng đầu năm 2024, đạt 32 triệu USD.

Ngành Nông nghiệp định hướng người dân nên đưa các giống hồ tiêu sạch bệnh, năng suất cao, ổn định đã được Bộ NN - PTNN công nhận, lưu hành như tiêu Vĩnh Linh, tiêu Lộc Ninh; tiêu Tiên Phước, tiêu Tùng Linh... phù hợp với điều kiện sinh thái tại địa phương.

Tỉnh Đắk Nông định hướng người dân phát triển hồ tiêu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Người dân tăng cường áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch, tưới tiết kiệm; đầu tư thâm canh tăng năng suất; áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp.

Các ngành chức năng đồng hành, hỗ trợ người dân bón phân cân đối, hợp lý nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái.

Để nâng cao hiệu quả canh tác, người dân cần tiến hành cơ giới hóa các khâu làm đất, đào hố, tưới nước tự động kết hợp dinh dưỡng, phun thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng thiết bị bay không người lái trong bảo vệ thực vật và đầu tư công nghệ chế biến.

Hưng Nguyên

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dak-nong-phat-trien-ho-tieu-ben-vung-chat-luong-cao-221447.html