Đắk Nông tăng cường giám sát, phản biện tạo đồng thuận trong Nhân dân

Công tác giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) của mặt trận tổ quốc (MTTQ) các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Đắk Nông từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo đồng thuận trong Nhân dân.

Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân

Theo ông Nguyễn Kim Đức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cư Jút, thực hiện Quyết định số 217 và Quyết định số 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) các cuộc kiểm tra, GS, PBXH do MTTQ chủ trì, phối hợp ngày càng được nâng cao về chất lượng. Mặt trận các cấp thường xuyên đổi mới phương pháp, lựa chọn nội dung phù hợp, bám sát nhiệm vụ chính trị và thực tế của địa phương, nhất là vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi của người dân để GS, PBXH.

Để bảo đảm thuận lợi trong triển khai làm tuyến đường đi qua trung tâm xã, MTTQ xã Nam Dong, huyện Cư Jút đã tuyên truyền, vận động Nhân dân hai bên đường không chỉ hiến đất mở rộng lòng, lề đường mà còn tham gia giám sát quá trình thi công

Để bảo đảm thuận lợi trong triển khai làm tuyến đường đi qua trung tâm xã, MTTQ xã Nam Dong, huyện Cư Jút đã tuyên truyền, vận động Nhân dân hai bên đường không chỉ hiến đất mở rộng lòng, lề đường mà còn tham gia giám sát quá trình thi công

Từ 2019 đến nay, toàn huyện Cư Jút tổ chức 35 cuộc giám sát về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong huy động nội lực của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; nghị quyết HĐND các cấp, hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử; điều hành, quản lý, sử dụng Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Cứu trợ”... Huyện tiến hành 11 cuộc giám sát việc thực hiện Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Qua đó, làm chuyển biến nhận thức về vị trí, vai trò của việc thực hiện dân chủ cơ sở; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tạo đồng thuận xã hội, nhất là huy động nội lực Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

Từ năm 2021 đến nay, huyện Cư Jút đã huy động trên 304 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới; trong đó, Nhân dân, doanh nghiệp, đơn vị đóng góp 64,812 tỷ đồng. Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng chủ động phối hợp giám sát việc thi công một số tuyến đường giao thông nông thôn, công trình phúc lợi phục vụ dân sinh.

“Sau giám sát, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền xem xét, điều chỉnh để các chủ trương, chính sách triển khai thực hiện đúng quy định, phù hợp thực tiễn, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân”, ông Nguyễn Kim Đức cho biết.

Với sự đóng góp tích cực, kịp thời của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân, con đường trung tâm xã Nam Dong, huyện Cư Jút đã cơ bản hoàn thiện, phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển của bà con

Với sự đóng góp tích cực, kịp thời của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân, con đường trung tâm xã Nam Dong, huyện Cư Jút đã cơ bản hoàn thiện, phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển của bà con

Theo ông Vũ Văn Phú, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nam Dong, để việc giám sát hiệu quả, ngoài việc thành lập các ban giám sát đầu tư cộng đồng trực tiếp giám sát, theo dõi quá trình thi công, triển khai, MTTQ xã còn phát huy vai trò giám sát của Nhân dân.

“GS, PBXH không chỉ là trách nhiệm của một tổ chức, một đơn vị mà còn là quyền lợi, nghĩa vụ của Nhân dân. Vì vậy, chúng tôi luôn chú trọng tuyên truyền, vận động để phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong giám sát các vấn đề của địa phương”, ông Phú cho hay.

Ông Dương Thế, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn 1, xã Nam Dong chia sẻ kinh nghiệm: "Do cán bộ mặt trận mỏng nên các cuộc giám sát phải huy động Nhân dân cùng làm để phần nào chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm. Suy cho cùng, các công trình thi công hay các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội mục đích cuối cùng cũng là phục vụ dân sinh, vì Nhân dân”.

Tiếp tục nâng cao trách nhiệm, hiệu quả GS, PBXH

Không riêng Cư Jút, trên thực tế, công tác GS, PBXH luôn được MTTQ và các tổ chức thành viên trên địa bàn tỉnh xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền. Nội dung giám sát được thực hiện trên nhiều lĩnh vực như: quản lý tài nguyên đất, môi trường, an toàn thực phẩm; trách nhiệm công vụ; lĩnh vực đầu tư công; phòng, chống dịch Covid-19, chính sách an sinh xã hội...

Từ năm 2019 đến nay, MTTQ các cấp tỉnh Đắk Nông chủ trì gần 250 cuộc giám sát chuyên đề; nghiên cứu, xem xét 800 văn bản; phối hợp giám sát 200 cuộc. Ban thanh tra Nhân dân cấp xã phối hợp giám sát hơn 300 vụ việc. Ban giám sát đầu tư cộng đồng giám sát hơn 211 công trình.

Bên cạnh đó, các tổ chức thành viên tùy vào thực tế, chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện nhiều cuộc kiểm tra, giám sát nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho đoàn viên, hội viên, Nhân dân. Trong đó, toàn tỉnh đã tổ chức được 80 hội nghị PBXH về các dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh, các dự thảo luật...

Phát biểu tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Nông lần thứ V, nhiệm kỳ 2024 - 2029, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá, công tác GS, PBXH của MTTQ các cấp tỉnh Đắk Nông đã có những bước tiến mới, tăng về số lượng, chất lượng, hiệu quả. Kết quả GS, PBXH được các cơ quan chức năng tiếp nhận, giải quyết thỏa đáng, kịp thời. Đây là một trong những kết quả đáng ghi nhận của MTTQ các cấp góp phần tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.

Thời gian tới, MTTQ các cấp tiếp tục phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng, hiệu quả GS, PBXH; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Các cấp mặt trận, tổ chức thành viên thực hiện hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ”, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Nông lần thứ V cũng đặt ra chỉ tiêu, hàng năm, cấp tỉnh tổ chức ít nhất 3 chương trình, nội dung giám sát và 2 hội nghị phản biện. Cấp huyện, cấp xã căn cứ tình hình và điều kiện thực tế lựa chọn nội dung, hình thức giám sát, phản biện phù hợp.

Thực hiện mục tiêu này, MTTQ các cấp tiếp tục cụ thể hóa nội dung Chương trình số 56-CTr/TU ngày 13/1/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GS, PBXH của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Đắk Nông.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ V, nhiệm kỳ 2024 – 2029, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh yêu cầu, MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp nâng cao hơn nữa trách nhiệm, hiệu quả công tác GS, PBXH và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Trọng tâm là chú trọng thực hiện giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, việc nêu gương của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, nhằm xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Hoàng Hoài

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dak-nong-tang-cuong-giam-sat-phan-bien-tao-dong-thuan-trong-nhan-dan-229028.html