Đak Pơ: Chủ động phòng ngừa dịch cúm gia cầm
đã chỉ đạo các ngành và địa phương tăng cường triển khai các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, khu vực chợ, cơ sở giết mổ, kinh doanh gia cầm trên toàn địa bàn.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thao (thôn Hòa Phú, xã Phú An) nuôi gà đã hơn 10 năm, mỗi năm khoảng 1.500 con, chia thành 3 lứa. Nuôi nhốt gia cầm với số lượng lớn nên ông Thao rất chú trọng đến việc phòng ngừa dịch bệnh. Ông cho hay: Gia đình đang nuôi hơn 500 con gà, vịt. Mỗi tháng 1 lần, ông lấy lá cây rải đều trên nền chuồng rồi hun lửa để tiêu diệt các mầm bệnh, nhất là các loại vi rút kháng thuốc. Ngoài ra, gia đình thường xuyên vệ sinh chuồng trại, quét dọn 2 ngày/lần; phun thuốc sát trùng 1 tuần/lần; rải trấu hoặc men sinh học trên nền để hạn chế phát sinh dịch bệnh.
“Khi mua con giống, tôi luôn lựa chọn những cơ sở có uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Sau đó, đàn gà được duy trì chế độ dinh dưỡng, bổ sung các loại thức ăn như tỏi, rau, côn trùng để tăng sức đề kháng; được tiêm vắc xin ngừa bệnh theo từng độ tuổi. Bên cạnh đó, chuồng trại nuôi nhốt đảm bảo thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông”-ông Thao chia sẻ kinh nghiệm.
Tương tự, đàn vịt 2.500 con của ông Nguyễn Văn Thương (thôn Tân Phong, xã Tân An) cũng được chăm sóc kỹ càng. Ông cho biết: “Gia đình tôi nuôi vịt sinh sản. Cứ 6 tháng, tôi tiêm vắc xin ngừa bệnh cho đàn vịt 1 lần. Mỗi sáng, tôi cho vịt ăn cám tổng hợp rồi lùa ra ao, sông tắm. Ngoài được bơi lội thoải mái, chúng còn bắt cua, ốc, tìm thêm rau, cỏ để ăn. Nhờ nguồn thức ăn đa dạng, đàn vịt khỏe mạnh, ít bệnh. Hàng tuần, gia đình tôi tự đi mua thuốc sát trùng về phun; 3 tháng/lần rắc vôi bột ở trong và ngoài khu vực chăn nuôi”.
Là một trong những địa phương có số lượng đàn gia cầm nhiều nhất của huyện Đak Pơ, xã Tân An đang quyết liệt triển khai công tác phòng ngừa dịch bệnh. Ông Nguyễn Văn Minh-Chủ tịch UBND xã-cho hay: Toàn xã có hơn 20.000 con gia cầm, chủ yếu là nuôi nhỏ lẻ, chỉ có 2 hộ nuôi tập trung với khoảng 4.000 con vịt. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, xã tăng cường tuyên truyền người dân chủ động phòng ngừa bằng cách phun thuốc sát trùng và rắc vôi bột; thường xuyên quét dọn, vệ sinh chuồng trại, thu gom phân, rác để đốt hoặc chôn lấp. Khi đàn gia cầm có biểu hiện bệnh, chết, người dân nên báo ngay cho xã để có biện pháp phòng ngừa, tránh lây lan; không ăn thịt gia cầm bị bệnh, chết. Xã cũng chỉ đạo cán bộ thú y bám sát cơ sở, kịp thời nắm bắt tình hình chăn nuôi, dịch bệnh để đề ra biện pháp phòng-chống hiệu quả. Hiện nay, xã đang tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại khu vực chợ, khu chăn nuôi lớn, các giao lộ có đông người và xe cộ qua lại.
Toàn huyện Đak Pơ hiện có trên 62.000 con gia cầm, trong đó, đàn gà trên 54.000 con, đàn vịt trên 6.400 con, còn lại là ngan và ngỗng. Bà Trương Thị Thiên Lý-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho biết: Để chủ động phòng-chống dịch bệnh trên đàn gia cầm, huyện đã triển khai nhiều biện pháp có trọng tâm, trọng điểm trên từng địa bàn, khu vực chợ, khu vực chăn nuôi; đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân, đặc biệt là chủ hộ chăn nuôi nâng cao ý thức phòng-chống dịch bệnh. Trung tâm cũng đã cấp 245/300 lít hóa chất Benkocid cho 8 xã, thị trấn và 2 đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn để phun tiêu độc, khử trùng đợt 1 từ ngày 14 đến 29-2. Ngoài ra, huyện cũng xuất kinh phí 60 triệu đồng để mua bình phun động cơ, trang bị quần áo bảo hộ và thành lập đội phun hóa chất.
“Thời điểm này, trên địa bàn huyện Đak Pơ chưa phát hiện dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Các cơ sở chăn nuôi, giết mổ và khu vực chợ đều thực hiện tốt công tác phòng ngừa dịch bệnh. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đang tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan, đảm bảo cho đàn gia súc, gia cầm sinh trưởng, phát triển tốt. Công tác phối hợp, thông tin giữa Trung tâm và các xã, thị trấn được thực hiện thường xuyên để kịp thời xử lý các tình huống nếu có”-bà Lý thông tin thêm.