Đăk Tô chuyển mình đi lên từ quá khứ hào hùng
Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh năm 1972 đã đập tan cụm phòng ngự then chốt, vững chắc nhất trong hệ thống phòng thủ của quân đội Sài Gòn ở bắc Tây Nguyên, tiến tới giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên. Sau 50 năm, phát huy tinh thần Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đăk Tô đã xây dựng quê hương mình ngày càng phát triển, trở thành một trong những trung tâm kinh tế-chính trị lớn của tỉnh Kon Tum.
Đến với Đăk Tô trung tuần tháng 4 lịch sử này, dễ dàng cảm nhận được không khí phấn khởi, đường phố được sửa sang, trang hoàng lộng lẫy, rợp cờ hoa hân hoan chào đón Ngày kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh (24/4/1972-24/4/2022).
Chúng tôi may mắn gặp được các chứng nhân lịch sử trận đánh Đăk Tô-Tân Cảnh. Đó là chú A Tủi, người trực tiếp tham gia trận đánh; cô Hồ Thị Lục, người cầm loa kêu gọi binh lính ngụy ra hàng; chú Võ Văn Mẹo, tham gia đơn vị giải giáp vũ khí và tiếp quản, bảo vệ nơi vừa giải phóng. Trải qua nửa thế kỷ nhưng ký ức về trận đánh Đăk Tô-Tân Cảnh vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của những chiến sĩ cách mạng.
Vượt khó trong ác liệt của chiến tranh
Cô Hồ Thị Lục (sinh năm 1947), ở xã Quế Long, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Năm 1966, trước yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng và chiến trường, khi mới 19 tuổi, cô xung phong rời quê, xa gia đình lên Kon Tum đi học y tá để phục vụ chiến đấu. Năm 1969, cô Lục được điều động đến Đăk Tô làm nhiệm vụ dẫn đường bộ đội đến nơi tập kết, vào các đồn để tấn công địch, giành quyền kiểm soát chiến trường; xây dựng cơ sở cách mạng. Năm 1972, Cô Lục là Đội phó Đội công tác gồm 5 người: 1 đội trưởng, 1 đội phó và 3 thành viên.
“Mưa như trút nước liên tục trước trận đánh Đăk Tô-Tân Cảnh khoảng 1 tuần khiến cho quân ta gặp đôi chút khó khăn. Thế nhưng vì sống tại địa phương đã lâu, thông thuộc địa hình nên cô vẫn dẫn được 1 tiểu đoàn vạch rừng, vượt đường dốc, tránh khỏi sự quan sát của địch để đến vị trí chiến đấu.
Ngoài việc dẫn đường cho bộ đội thì đêm xuống cô còn thực hiện nhiệm vụ cầm loa kêu gọi: Quân Giải phóng đã tấn công, yêu cầu anh em binh sĩ đầu hàng, về với nhân dân, về với Mặt trận giải phóng để được hưởng sự khoan hồng.
Nhờ sự tuyên truyền, vận động, nhiều lính địch đã ra hàng, nhất là trong đêm 23 rạng sáng ngày 24/4. Sau khi ta giành chiến thắng, toàn huyện chỉ còn lèo tèo vài ngôi nhà với chi chít những vết đạn bom”, cô Lục nhớ lại.
Năm 1972, khi đang là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Đại đội C180 thuộc Huyện đội Đăk Tô, Trung sĩ A Tủi và đồng đội được giao nhiệm vụ kết hợp với Trung đoàn 66 thuộc Sư đoàn 304 tham gia trận đánh Đăk Tô-Tân Cảnh.
Trong trí nhớ của chú A Tủi thì trận đánh Đăk Tô-Tân Cảnh năm 1972 là trận đánh ác liệt nhất. Từ tháng 1/1972 cho đến lúc giải phóng, đơn vị của chú không một ai ở trên mặt đất, toàn bộ đều sống dưới hầm vì xe tăng của ngụy xếp hàng ngang, bắn pháo 12 li 7 quét mặt đất, kèm theo đó là cả máy bay trực thăng.
Bên cạnh đó, ta còn gặp khó khăn trong vấn đề lương thực nên sức khỏe giảm sút, thế nhưng anh em ai cũng động viên nhau giữ vững trận địa, quyết chiến quyết thắng. Giọng chú Tủi bỗng chùng xuống, đôi mắt ươn ướt khi nhắc về trận Đăk Chu, nơi có 8 đồng đội của chú đã ngã xuống ngay khi chiến thắng đang đến gần.
Khi bộ đội chủ lực của ta vào, bắn rơi 3 chiếc trực thăng thì địch bị vỡ trận, bỏ chạy toán loạn như ong vỡ tổ, ta hoàn toàn chiếm lĩnh được trận địa. Giải phóng xong, không còn một nóc nhà nào còn nguyên vẹn, đa số bị đạn bom san phẳng; 70% dân số của huyện Đăk Tô là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp nên đời sống rất khó khăn.
Là người nằm trong lực lượng an ninh vũ trang của tỉnh, có nhiệm vụ giải giáp vũ khí và binh lính phe địch đầu hàng, chú Võ Văn Mẹo cho biết, sau chiến tranh, Đăk Tô-Tân Cảnh bị tàn phá nặng nề, không còn công trình nào được nguyên vẹn, cây cối bị tan hoang, cháy xém do bom, đạn. Cuối năm 1989, thị trấn Đăk Tô được thành lập, xã Tân Cảnh tách ra trở thành xã độc lập. Chú Mẹo được phân công về làm công an xã, rồi được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân đầu tiên của xã Tân Cảnh ngay sau đó.
“Thời điểm đó, xã vẫn chưa có người ở. Chú cùng các đồng chí trong Ủy ban nhân dân xã phải đi vận động bà con ở các vùng lân cận về; đồng thời vận động Nông trường Quang Trung cho bà con nhân dân đất để sản xuất ở những nơi nông trường không sử dụng. Dần dà, bà con bắt đầu về định canh, định cư, sản xuất nông nghiệp. Đến năm 1995, chính sách thu hút bà con ngoài bắc vào làm kinh tế mới được thực hiện, xã mới bắt đầu phát triển”, chú Võ Văn Mẹo nhớ lại.
Hướng đến tương lai giàu mạnh
“Không thể có con số chính xác được, phải gấp trăm nghìn lần”, đó là câu trả lời chung của các nhân chứng lịch sử khi nhận được câu hỏi so sánh huyện Đăk Tô ngày nay với lúc vừa được giải phóng.
Sau khi được giải phóng vào tháng 4/1972, Đăk Tô là một huyện nghèo, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, tự cung, tự cấp; kết cấu hạ tầng yếu kém và bị tàn phá do chiến tranh, trình độ dân trí thấp, phong tục, tập quán sản xuất lạc hậu, tình trạng thiếu đói còn phổ biến, tỷ lệ hộ đói, nghèo chiếm khoảng 70%.
Đứng trước muôn vàn khó khăn đó, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đăk Tô đã phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng bất diệt của Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đẩy mạnh các phòng trào thi đua lập nên nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển huyện nhà.
Năm 2021, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của huyện Đăk Tô đã đạt 850 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội đạt 900 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước hơn 151 tỷ đồng, đạt hơn 140% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 38 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo của huyện theo chuẩn 2016-2020 là 4,68%, giảm 2,54% so với năm 2020; hộ nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2021-2025 là 15,04%. Huyện đã có 3/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ngoài ra, môi trường đầu tư được cải thiện; huy động và sử dụng ngày càng tốt hơn nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Những công trình sản xuất, chế biến có quy mô vừa và lớn được hình thành và phát triển, hoạt động trên địa bàn như Nhà máy cồn và tinh bột sắn Đăk Tô, Nhà máy thủy điện Đăk Rơ Sa 1, Đăk Rơ Sa 2, Đăk Pô Kô, Cụm công nghiệp 24/4 đã được lấp đầy và đang triển khai xây dựng cụm công nghiệp phía tây thị trấn Đăk Tô… đã và đang tạo diện mạo mới cho huyện Đăk Tô.
Trước sự phát triển mạnh mẽ, Đại hội Đảng bộ huyện Đăk Tô lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu bứt phá, với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân trên 10%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 57 triệu đồng/người/năm vào năm 2025; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm bình quân 2,5%/năm; ít nhất 7/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thị trấn Đăk Tô đạt các tiêu chí đô thị loại IV.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đăk Tô Sa Phương cho biết: "Để đạt được mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ 17 đề ra, chúng tôi triển khai rất nhiều giải pháp trong đó phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương.
Với tiềm năng về đất đai và khu công nghiệp, ngoài Cụm công nghiệp 24/4 của huyện đã lấp đầy, chúng tôi đang triển khai xây dựng cụm công nghiệp phía tây của thị trấn; kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển khu chế biến dược liệu.
Đăk Tô nằm trên trục đường Hồ Chí Minh nối liền giữa tỉnh Kon Tum và Gia Lai sang nước bạn Lào và trục đường Quốc lộ 40B nối liền giữa Đăk Tô-Tu Mơ Rông-Quảng Nam là một lợi thế để phát triển du lịch trong tương lai gần với các cảnh quan thiên nhiên như thác Đăk Lung, suối nước nóng Kon Đào…"
Phấn khởi về những thành tựu huyện nhà đạt được, chú A Tủi chia sẻ: Tôi rất tự hào về sự phát triển của huyện Đăk Tô. Nếu cho tôi về ngày xưa thì tôi không tin sẽ có ngày huyện Đăk Tô phát triển như thế này. Cơ sở hạ tầng phát triển, nhà cửa khang trang, hàng hóa không thiếu thứ gì... Cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm, đào tạo biết bao nhiêu lớp cán bộ làm mũi nhọn để xây dựng một huyện nhà như thế này, càng ngày càng phát triển.
Cô Hồ Thị Lục bồi hồi tâm sự: “Đăk Tô là quê hương thứ hai của tôi. Gắn bó với huyện, với dân từ ngày giải phóng đến bây giờ, tôi đã chứng kiến sự thay da đổi thịt từng ngày của Đăk Tô. Từ việc chỉ có duy nhất một con đường đất độc đạo của đường 14 lên Kon Đào, còn lại toàn bộ là đường mòn, thì đến nay có rất nhiều con đường được trải nhựa rộng rãi, kinh tế-xã hội phát triển, đời sống người dân ngày càng cao…
Tôi mong rằng, huyện Đăk Tô sẽ ngày càng phát triển hơn nữa, hướng đến một tương lai giàu mạnh xứng đáng với truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần bất diệt của Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh”.