Đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong chuyển đổi số ngành ngân hàng

Chuyển đổi số không chỉ giúp ngành ngân hàng tiết kiệm chi phí, hợp lý hóa các quy trình hoạt động mà còn mang lại rất nhiều lợi ích cho khách hàng, thúc đẩy sự phát triển KT-XH. Tuy nhiên, đi cùng với đó là không ít nguy cơ, thách thức về an ninh mạng, đòi hỏi ngành ngân hàng cần có những giải pháp mang tính đồng bộ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật dữ liệu...

Cán bộ Ngân hàng Agribank chi nhánh Vĩnh Phúc II tư vấn, hướng dẫn khách hàng sử dụng các ứng dụng ngân hàng số

Cán bộ Ngân hàng Agribank chi nhánh Vĩnh Phúc II tư vấn, hướng dẫn khách hàng sử dụng các ứng dụng ngân hàng số

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và rộng khắp trên phạm vi toàn cầu. Trong lĩnh vực ngân hàng, thời gian qua, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đã chủ động nâng cao chất lượng hoạt động, hiện đại hóa công nghệ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu dịch vụ ngân hàng; tăng cường đầu tư công nghệ thông tin (CNTT), phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, hiện đại, thân thiện, tiện lợi, mang lại nhiều trải nghiệm và lợi ích thiết thực cho khách hàng.

Đến nay, hầu hết các dịch vụ được tự động hóa, sử dụng công nghệ có tính an toàn, bảo mật cao để cung ứng đến khách hàng. Các quy trình giao dịch không ngừng được cải tiến, hoàn thiện, vừa đảm bảo tiết giảm chi phí cho cả khách hàng và TCTD, vừa rút ngắn thời gian giao dịch, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số tập trung, chuẩn hóa, tích hợp tạo hệ sinh thái số trải rộng nhiều ngành, lĩnh vực.

Tính đến ngày 30/6/2022, số lượng thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đạt 12,8 triệu món với tổng giá trị 840 tỷ đồng; số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt 5,3 triệu giao dịch với tổng giá trị 115 tỷ đồng; giao dịch qua điện thoại di động đạt 8,4 triệu giao dịch với tổng giá trị đạt 160 tỷ đồng; số lượng thẻ giao dịch đạt 2,1 triệu thẻ.

Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ được cải thiện chất lượng, tập trung phát triển với 234 máy ATM, 860 POS được lắp đặt tại các cơ sở, chuỗi phân phối, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học... trong toàn tỉnh, tạo thuận lợi cho người dân trong giao dịch và sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Tại Agribank chi nhánh Vĩnh Phúc II, thời gian qua, ngân hàng đã bám sát định hướng và triển khai thực hiện theo sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp từ Agribank về công tác chuyển đổi số trên các kênh giao tiếp với khách hàng như hệ thống ngân hàng điện tử, liên kết thẻ, ví điện tử và các nghiệp vụ nội bộ.

Đồng thời, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán nhằm tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng như xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt); thanh toán qua mã QR; giải pháp chấp nhận thanh toán linh hoạt trên thiết bị di động, mở tài khoản thanh toán trực tuyến và tiết kiệm trực tuyến trên thiết bị di động...

Cùng với hoạt động cung ứng dịch vụ ngân hàng trên môi trường số, Agribank chi nhánh Vĩnh Phúc II luôn chú trọng đến công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, cũng như đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt, tạo niềm tin cho khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ của Agribank.

Đến nay, Agribank chi nhánh Vĩnh Phúc II đã xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật chuẩn hóa và đồng bộ, gồm: 500 nút mạng; 23 đường truyền số liệu phục vụ giao dịch nội bộ; 14 đường truyền Internet phục vụ khách hàng; trang bị các thiết bị CNTT như máy chủ, máy trạm được cài đặt các phần mềm có bản quyền, các phần mềm trong danh mục Agribank cho phép cài đặt; hệ thống máy tính đầu cuối được quản lý qua hệ thống Domain và cài đặt phần mềm diệt virus Kaspersky.

Bên cạnh đó, Agribank chi nhánh Vĩnh Phúc II rất chú trọng đến công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo vận hành hệ thống hiệu quả, an toàn và thông suốt; thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo cho 100% cán bộ tại đơn vị về an toàn, bảo mật hệ thống CNTT, triển khai các ứng dụng CNTT mới. Thường xuyên cảnh bảo các hành vi, trang web lừa đảo trên Fanpage của chi nhánh và các phương tiện thông tin đại chúng; khuyến cáo khách hàng không cung cấp mật khẩu các dịch vụ, ứng dụng, mã OTP dưới mọi hình thức nhằm hạn chế tối đa rủi ro của khách hàng.

Chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng là xu hướng tất yếu và là một mục tiêu trong chiến lược phát triển, song cũng đặt ra nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi, phức tạp. Chính vì vậy, công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu khách hàng luôn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh cùng các TCTD coi là một trong những yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công.

Thời gian tới, NHNN chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế; nâng cao nhận thức của người dân trước những rủi ro an ninh mạng, hành vi tội phạm, lừa đảo trong hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra các TCTD trong công tác triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn trong thanh toán và bảo vệ khách hàng trước tình hình các hình thức, thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi; phổ biến, nâng cao sự hiểu biết và cảnh giác cho khách hàng; đào tạo, tập huấn kỹ năng nhận diện, xử lý rủi ro cho cán bộ, nhân viên.

Bài, ảnh Phùng Hải

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/80733/dam-bao-an-ninh-an-toan-thong-tin-trong-chuyen-doi-so-nganh-ngan-hang.html