Đảm bảo an ninh trật tự trên vịnh Vân Phong
Thời gian gần đây, trên vùng biển vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa xuất hiện hoạt động thu mua tôm chết, với hình thức dọa nạt, ép giá thấp hơn giá thị trường. Trước tình hình trên, Bộ Chỉ huy BĐBP Khánh Hòa đã phối hợp với chính quyền địa phương chấn chỉnh, lập lại trật tự an ninh trên biển.
Vân Phong là vịnh lớn, có độ sâu 20 - 40m, nhiều đảo che chắn, hơn 30 năm, người dân các xã, thị trấn thuộc huyện Vạn Ninh đã đầu tư hàng chục nghìn lồng nuôi tôm hùm. Trong quá trình nuôi, tôm thịt thường bị chết, nhiều người sắm tàu (ghe) làm dịch vụ vận chuyển thức ăn từ bờ ra các bè nuôi tôm, kết hợp thu mua tôm hùm chết. Khi giao dịch với nhau, một số người có hành vi tranh mua, chèn ép, hù dọa..., tạo nên tâm lý lo sợ với người nuôi trồng trên biển.
Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Khánh Hòa đã yêu cầu Đồn Biên phòng Đầm Môn, Đồn Biên phòng Vạn Hưng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tại địa phương tiến hành điều tra, xác minh từng nhóm đối tượng. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm. Thường xuyên tuần tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ người, phương tiện ra vào các bến đò, bãi ngang và lưu thông trên vịnh Vân Phong.
“Nếu phát hiện các hành vi gây rối, chèn ép, gây mất trật tự, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân phải kiên quyết xử lý. Cùng với đó, làm rõ trách nhiệm những trường hợp làm ngơ, bảo kê, tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật, nếu có” - Đại tá Phan Thăng Long, Chỉ huy trưởng BĐBP Khánh Hòa yêu cầu các đơn vị trong BĐBP tỉnh triển khai thực thi nhiệm vụ nghiêm túc.
Riêng địa bàn xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh có hơn 800 bè, trên 27.000 lồng nuôi tôm hùm, sử dụng khoảng 3.000 lao động đến từ nhiều tỉnh. Qua công tác nắm tình hình và phản ánh của người dân, Đồn Biên phòng Đầm Môn đã phát hiện, xử lý 1 phương tiện, tước quyền sử dụng 2 tháng giấy chứng nhận thuyền trưởng thủy nội địa về hành vi sử dụng phương tiện sai công dụng đã đăng kiểm, xử phạt vi phạm hành chính 6 triệu đồng.
Trung tá Trần Ngọc Huy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đầm Môn cho biết: “Đơn vị phụ trách 6 xã phía Bắc huyện Vạn Ninh, trong đó có nhiều thôn đảo thuộc xã Vạn Thạnh, địa bàn quản lý rộng, lực lượng phân tán nên công tác nắm tình hình đôi lúc thiếu kịp thời. Vùng nuôi trồng thủy sản của người dân nằm rải rác theo các đòn đảo, eo biển kín gió. Bè nuôi nằm “cô đơn” trên biển, chủ bè và lao động sợ trả thù, nên khi xảy ra chèn ép mua bán tôm hùm chết, người nuôi tôm không mạnh dạn khai báo cụ thể, dẫn đến hạn chế trong nắm bắt thông tin”.
Các đơn vị BĐBP Khánh Hòa đã phối hợp với Công an các xã và thị trấn Vạn Giã quản lý chặt các bến tập kết tàu thuyền chuyên chở thức ăn, hậu cần... cho các bè nuôi tôm hùm trên vịnh Vân Phong. Thượng úy Trần Ngọc Dương, Công an xã Vạn Thạnh cho biết: “Sau khi có nguồn tin nhóm đối tượng móc nối, ép giá mua tôm chết của bà con trên địa bàn xã Vạn Thạnh, Công an xã và Đồn Biên phòng Đầm Môn đã tiến hành tuần tra, kiểm tra, xử lý phương tiện không có chứng chỉ hành nghề, không có số hiệu. Mặt khác, chúng tôi cũng yêu cầu người địa phương khác đến phải đăng ký tạm trú với địa phương”.
Chỉ trong 1 tuần, các lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn huyện Vạn Ninh đã ra quân thực hiện đợt cao điểm lập lại trật tự trên vùng biển Vân Phong. Theo đó, đã phối hợp kiểm tra 10 phương tiện sử dụng mục đích nuôi trồng thủy sản, vi phạm an toàn giao thông thủy nội địa. Bên cạnh đó, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân thấy được trách nhiệm, nâng cao ý thức, hiểu rõ quy định của pháp luật, tạo sự đồng thuận và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển hoạt động nuôi trồng thủy sản theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, yêu cầu người dân tuân thủ theo quy hoạch được phê duyệt, không làm ảnh hưởng đến các công trình, dự án quốc gia và ngành kinh tế khác.