Đảm bảo an sinh cho người lao động và doanh nghiệp trong mùa dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, ngày 1/7/2021 Chính phủ đã có Nghị quyết 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do COVID-19 với gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng.

Thực hiện Nghị quyết 68, các cấp, các ngành nhanh chóng triển khai để NLĐ và NSDLĐ kịp thời tiếp cận các chính sách hỗ trợ của gói 26.000 tỉ đồng.

(baophutho.vn) - Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, ngày 1/7/2021 Chính phủ đã có Nghị quyết 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do COVID-19 với gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng. Ngay sau khi có chủ trương, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã nhanh chóng vào cuộc nhằm hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến cuộc sống của người lao động (NLĐ).

Rà soát kịp thời, đúng đối tượng
Nghị quyết 68/NQ-CP được Chính phủ ban hành ngày 1/7/2021 với mục tiêu hạn chế những tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định lao động, việc làm, bảo đảm đời sống cho NLĐ, duy trì mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Thực hiện gói hỗ trợ an sinh của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện. Căn cứ vào điều kiện cụ thể, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã linh hoạt triển khai, đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc và kịp thời các chính sách hỗ trợ.Sở LĐ-TB&XH với vai trò là cơ quan tham mưu, chủ trì đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện nhằm triển khai gói hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, đáp ứng mục tiêu là hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời cho NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ).Đồng chí Phạm Thị Thu Hương- TUV, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chia sẻ: Gói hỗ trợ lần hai về chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó do đại dịch COVID-19 là một chủ trương hợp lòng dân. Nghị quyết 68 không chỉ bám sát thực tiễn để đưa ra gói hỗ trợ đồng bộ của Chính phủ mà còn thể hiện tính nhân văn của chính sách, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch. Vấn đề cấp thiết hiện nay là phải đưa Nghị quyết đi nhanh vào cuộc sống, khẩn trương, kịp thời chi trả cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch. Với tinh thần chủ động, kịp thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để NLĐ, NSDLĐ được nhận hỗ trợ một cách nhanh chóng, đúng quy định, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, tỉnh đã chỉ đạo triển khai theo nguyên tắc hỗ trợ phải bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện. Trên tinh thần khẩn trương hoàn thiện các quy định, hướng dẫn, đồng thời triển khai tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và doanh nghiệp, bước đầu các chính sách hỗ trợ đã được tỉnh thực thi hiệu quả.Các đơn vị chức năng đã tích cực phối hợp xác định đối tượng, xem xét các điều kiện, hướng dẫn trình tự thủ tục cho người dân và doanh nghiệp trong diện được thụ hưởng. Theo đó, ngành BHXH đã có những chỉ đạo quyết liệt trong toàn hệ thống, nêu cao vai trò của người đứng đầu; sự chủ động, trách nhiệm của cán bộ, viên chức để chính sách hỗ trợ đến được với NLĐ, NSDLĐ một cách sớm nhất. Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến trong toàn hệ thống để triển khai, tập huấn nghiệp vụ cho vay; đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền rộng rãi chính sách đến các đối tượng thụ hưởng, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải, xuất nhập khẩu... nắm bắt thông tin, tiếp cận, hướng dẫn NSDLĐ hoàn thiện hồ sơ vay vốn, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh.UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các đơn vị liên quan và UBND cấp xã theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH huyện tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ trên diện rộng để người dân và doanh nghiệp được biết. Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội các cấp đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền, công tác giám sát để việc thực hiện chủ trương, chính sách hỗ trợ đến với người dân kịp thời, đúng đối tượng.

Các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch, kinh doanh khách sạn thuộc đối tượng được vay vốn ưu đãi trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất.
Nhanh chóng tiếp cận gói hỗ trợ
Qua thời gian ngắn triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 cho thấy gói hỗ trợ này được mở rộng cả phạm vi, hình thức và đối tượng hỗ trợ. Các đối tượng được tiếp cận chính sách một cách thông thoáng, dễ dàng hơn. Có những chính sách thậm chí không yêu cầu NLĐ, NSDLĐ cung cấp hồ sơ khi cơ quan chức năng đã có dữ liệu quản lý. Theo báo cáo nhanh của Sở LĐ-TB&XH, liên quan đến nhóm chính sách BHXH, BHXH tỉnh đã phối hợp với các đơn vị SDLĐ rà soát để lập danh sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với 3.037 đơn vị, số lao động được giảm mức đóng gần 120 nghìn người, số tiền được giảm mức đóng 12 tháng gần 35 tỉ đồng. Đồng thời đã xác nhận danh sách lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, NLĐ ngừng việc, NSDLĐ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất… cho một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.Liên quan đến chính sách vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, ông Trương Việt Phương - Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cho biết: Chính phủ đã ban hành chính sách cho vay trả lương ngừng việc và cho vay trả lương phục hồi sản xuất. Đây là biện pháp góp phần giúp doanh nghiệp được vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi để trả lương cho người phải ngừng việc và hỗ trợ vốn tín dụng khi quay lại sản xuất kinh doanh. Cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất, NSDLĐ được vay vốn tại Ngân hàng CSXH với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay.Theo ông Nguyễn Thanh Sơn- Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh, Tổng Giám đốc Khách sạn Sài Gòn - Phú Thọ, mặc dù dịch bệnh trên địa bàn tỉnh không nặng nề so với các địa phương khác trong cả nước song trong bối cảnh hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng. Với ngành “công nghiệp không khói”, dịch COVID-19 đã khiến cho các hoạt động du lịch gần như tê liệt. Đợt dịch bùng phát lần thứ tư vào đầu mùa hè, mùa cao điểm du lịch nhất của năm khiến cho ngành du lịch như đang “ngủ Đông”, tác động trực diện tới tất cả các công ty du lịch. Gói hỗ trợ doanh nghiệp trả lương ngừng việc là cứu cánh giúp ngành “công nghiệp không khói” có thể vượt qua giai đoạn dịch bệnh đầy khó khăn này.Được biết, trên địa bàn tỉnh, nhiều đơn vị, doanh nghiệp thuộc diện thụ hưởng cũng đang được ngân hàng hướng dẫn làm các thủ tục hồ sơ để được giải ngân cho vay trong dịp này.Nghị quyết 68 như một “cánh cửa” mở ra đúng lúc, đúng thời điểm để NLĐ và NSDLĐ có được những cơ hội trong lúc khó khăn, thể hiện một quyết sách đầy tính nhân văn, tạo dựng niềm tin trong nhân dân. Các chính sách thiết thực và phù hợp này không chỉ giúp NLĐ và NSDLĐ có thêm nguồn lực chống đỡ dịch bệnh mà quan trọng hơn thực sự trở thành điểm tựa để họ tiếp tục sản xuất kinh doanh, đủ sức trụ vững, vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch.

Phương Thảo

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202108/dam-bao-an-sinh-cho-nguoi-lao-dong-va-doanh-nghiep-trong-mua-dich-178926