Đảm bảo an sinh, nâng cao phúc lợi cho người lao động

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song phần lớn các doanh nghiệp đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của doanh nghiệp, nhất là các nội dung về tiền lương, tiền thưởng và các chế độ phúc lợi đối với người lao động, nhờ đó quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định.

Công nhân Công ty TNHH JaSan Việt Nam, xã Định Liên (Yên Định) trong ca sản xuất.

Công nhân Công ty TNHH JaSan Việt Nam, xã Định Liên (Yên Định) trong ca sản xuất.

Năm 2023, trong bối cảnh các doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, giày da... vẫn bị ảnh hưởng do thiếu đơn hàng dẫn đến phải cắt, giảm lao động, việc làm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đồng thời, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch về triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới”; “Thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả lao động nước ngoài tại Việt Nam”; “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”...; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng các chế độ, chính sách cho người lao động.

Bằng những giải pháp triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tình hình lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh cơ bản đã ổn định; thị trường lao động được phục hồi hơn so với năm 2021 và năm 2022; công tác giải quyết việc làm gắn với nâng cao thu nhập cho người lao động luôn được chính quyền các địa phương quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh ghi nhận không còn tình trạng doanh nghiệp giảm giờ làm, cho người lao động nghỉ luân phiên, nhiều doanh nghiệp đã tuyển dụng lao động với số lượng lớn; các doanh nghiệp đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về chế độ tiền lương đối với người lao động. Theo đó, mức tiền lương bình quân hằng tháng của công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 7,8 triệu đồng/người (tăng 200.000 đồng so với năm 2022); công ty cổ phần vốn góp chi phối của Nhà nước là 8,3 triệu đồng/người; doanh nghiệp dân doanh là 7 triệu đồng/người (tăng 700.000 đồng); doanh nghiệp FDI là 7,1 triệu đồng/người. Mức tiền lương cao nhất là 359,3 triệu đồng/người, thấp nhất là 3,25 triệu đồng/người.

Đặc biệt, với mục tiêu tất cả người lao động đều được vui tết, bảo đảm mức hỗ trợ bằng và cao hơn tết năm trước, các doanh nghiệp đã cân đối thu chi để thưởng tiền tết cho người lao động, mức thưởng phổ biến của các doanh nghiệp là thưởng thêm một tháng lương không đóng BHXH (tháng lương 13). Mức thưởng Tết Dương lịch năm 2024 cao nhất là 114,4 triệu đồng/người và thấp nhất là 40.000 đồng/người. Mức thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn tại công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bình quân là 6 triệu đồng/người (tăng 3,2 triệu đồng so với năm 2023); công ty cổ phần vốn góp chi phối của Nhà nước là 7,1 triệu đồng/người (tăng 900.000 đồng); doanh nghiệp dân doanh là 5,2 triệu đồng/người (tăng 1,2 triệu đồng); doanh nghiệp FDI là 3,7 triệu đồng/người. Mức thưởng cao nhất là 371,5 triệu đồng/người và thấp nhất là 136.000 đồng/người.

Cùng với các doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh, công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, các doanh nghiệp và các đối tác trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ 7.030 suất quà, trị giá 4,04 tỷ đồng cho đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp của tỉnh... Ngoài ra, các ngành, đoàn thể địa phương trong tỉnh đã huy động từ nguồn xã hội hóa (ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước) với tổng giá trị 227 tỷ đồng, để tặng (bằng quà và tiền mặt) cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, công nhân lao động...

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa Vũ Thị Hương cho biết: Để đạt được kết quả trên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh được tập trung xuyên suốt, thống nhất và nhất quán từ tỉnh đến cơ sở; trong đó chú trọng việc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể trong công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội, luôn coi trọng người dân và chăm lo cho người dân trong mọi hoàn cảnh.

Bước sang năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025) từ 1,5% trở lên; giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống còn 2,65%; nâng tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đào tạo lên 74% (trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 29,5%)...

Để hoàn thành mục tiêu trên, ngành lao động - thương binh và xã hội Thanh Hóa phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các giải pháp duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng kịp thời lao động cho doanh nghiệp trước và sau Tết Nguyên đán. Theo dõi, giám sát việc thực hiện chế độ tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động trong các loại hình doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; bảo đảm công chức, viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng và bố trí nghỉ tết đúng chế độ theo quy định; quan tâm hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, thiếu việc làm. Chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giải quyết kịp thời các tranh chấp, mâu thuẫn, không để xảy ra đình công, lãn công trái pháp luật, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/dam-bao-an-sinh-nang-cao-phuc-loi-cho-nguoi-lao-dong/30282.htm