Đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trong mùa mưa bão

Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 524 công trình thủy lợi, trong đó có 130 hồ chứa, 213 đập dâng, 142 trạm bơm và hệ thống kênh mương các loại với tổng chiều dài là 2.125km, cấp nước tưới cho hơn 32.000 ha đất sản xuất nông nghiệp.

 Các công trình thủy lợi cần được vận hành an toàn trong mùa mưa bão

Các công trình thủy lợi cần được vận hành an toàn trong mùa mưa bão

Riêng Công ty TNHH MTV QLKTCT Thủy lợi Quảng Trị được giao nhiệm vụ quản lí vận hành khai thác các công trình hồ, đập thủy lợi trọng điểm trên địa bàn tỉnh, trong đó có 2 đập dâng gồm Nam Thạch Hãn và Sa Lung có tổng lưu lượng hơn 33 m3 /s; 16 hồ chứa nước có tổng dung tích trên 188 triệu m3 . Hệ thống các công trình thủy lợi do công ty quản lí hầu hết được đầu tư xây dựng từ những thập niên 80-90 của thế kỉ XX. Qua gần 30 năm khai thác, sử dụng, các công trình thủy lợi đã phát huy hiệu quả trong phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng sản lượng lương thực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, do tác động của điều kiện môi trường tự nhiên nên một số hạng mục công trình đã xuống cấp. Mặc dù thời gian qua bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, nhiều hạng mục công trình đã được đầu tư nâng cấp nhưng hiện tại vẫn còn có một số bị hư hỏng. Hiện ở các hồ Trúc Kinh, Bảo Đài và Kinh Môn mái đá thượng lưu đập chính có hiện tượng lún không đều, không phẳng, một số vị trí cát sạn tầng lọc bị nước cuốn trôi gây sụt lún cục bộ mái đá. Khi mực nước thượng lưu hồ lớn hơn cao trình +17 m thì xuất hiện thấm qua thân đập, dòng thấm đổ ra mái hạ lưu ở một số vị trí. Hệ thống thoát nước ở hồ Kinh Môn phần mặt trên mái hạ lưu bằng dăm sạn lâu ngày bị xói trôi, hư hỏng không còn tác dụng tập trung tiêu nước, dẫn đến mái cỏ hạ lưu bị nước làm xói lở nham nhở. Rãnh thoát nước chân mái hạ lưu đập bằng đá xây lâu ngày mạch vữa bị phong hóa gây hư hỏng nặng…Ở huyện Vĩnh Linh có 22 hồ chứa đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy hiểm trong mùa mưa bão; huyện Cam Lộ có 12 hồ chứa đã xuống cấp cần được nâng cấp sửa chữa, đặc biệt là các hồ như Khe Lau, Khe Măng, Trọt Giếng…

Do vậy, đảm bảo nhiệm vụ tưới tiêu cũng như an toàn hồ đập trong mùa mưa bão là trách nhiệm không chỉ của riêng ngành nông nghiệp. Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trần Văn Quảng cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 2 công trình thủy lợi lớn của tỉnh là Kinh Môn và Trúc Kinh, ngoài ra còn có hồ chứa Hà Thượng cùng nhiều công trình thủy lợi nhỏ phục tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Mặc dù công tác duy tu sửa chữa được tiến hành nhưng do tuổi thọ công trình cao, quy mô công suất hoạt động của công trình lớn nên chất lượng hoạt động của các công trình thủy lợi bị giảm sút. Vì vậy, huyện luôn chủ động đề ra những phương án ứng phó với sự cố mất an toàn có thể xảy ra. Đặc biệt là trong mùa mưa bão, huyện luôn chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện vật tư thiết bị cùng với đơn vị quản lí tham gia xử lí các sự cố; thường xuyên tổ chức diễn tập phòng, chống lụt bão, đề ra các phương án di dân đến nơi an toàn trong tình huống khẩn cấp hồ đập xảy ra sự cố vỡ đập; tích cực phối hợp với đơn vị quản lí tổ chức phát quang trên thân mái thượng lưu các hồ đập; kiểm tra các cống, cửa tràn xả lũ nhằm bảo đảm vận hành an toàn.

Để chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại, Công ty TNHH MTV QLKT CTTL Quảng Trị xây dựng phương án phòng chống thiên tai (PCTT) năm 2019 theo ba giai đoạn “Phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả” và đề ra phương châm “4 tại chỗ” gồm lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Trước mùa mưa bão đơn vị đã tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng các hệ thống công trình thủy lợi do công ty quản lí, triển khai sửa chữa các hư hỏng, bảo dưỡng máy móc thiết bị, vận hành thử tất cả các cửa tràn xả lũ và các cống điều tiết. Ngay sau khi kết thúc tưới vụ hè thu 2019 đóng kín cống áp lực bao gồm cửa điều tiết, cửa sự cố và cửa van côn hạ lưu. Chuẩn bị đầy đủ vật tư và phương tiện tập kết tại các khu vực đầu mối, đồng thời có phương án dự trữ vật liệu dự phòng trong dân để ứng cứu khi cần thiết. Phát cây và làm vệ sinh tràn sự cố, nạo vét rãnh thoát nước trên mái đập đất và tràn xã lũ, đảm bảo thông thoáng để thoát nước. Đối với hồ, đập, đơn vị đã bám sát quy trình vận hành điều tiết để vận hành công trình. Các đập dâng phải tháo cửa, xả tràn để trả lại dòng chảy lũ theo thiết kế. Trong mùa mưa bão, công tác trực chỉ huy luôn được duy trì. Mạng lưới thông tin liên lạc đã kết nối thông suốt giữa công ty với các ban, ngành các cấp, giữa công ty với cơ sở để cập nhật diễn biến tình hình mưa lũ và xử lí nhanh chóng, chính xác, hiệu quả những sự cố có thể xảy ra đối với từng công trình thủy lợi.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết cũng như mùa mưa lũ đang diễn ra, vấn đề đảm bảo an toàn hồ đập và công trình thủy lợi luôn được xác định là cấp bách. Vì vậy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, rà soát đảm bảo an toàn hồ đập. Đồng thời giám sát, xây dựng hoàn thiện các công trình đê kè trọng điểm trước khi mùa mưa lũ đến. Yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương nhanh chóng triển khai các phương án phòng, chống lụt bão, trong đó quan tâm đến việc kiểm tra hệ thống đập đất, cống lấy nước, tràn xả lũ của các hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Gấp rút hoàn thành các công trình kè, cống, kênh mương thoát nước trước mùa mưa lũ. Đặc biệt đề cao vai trò chủ động của các địa phương và trách nhiệm của các ngành chủ quản, cơ quan chức năng nhằm hạn chế thấp nhất các thiệt hại cũng như sự cố hồ đập trong mùa mưa lũ. Tổ chức lực lượng thường trực kiểm tra tình trạng hồ đập trong mọi tình huống, kiên quyết không để xảy ra những sơ suất, thiếu sót, bởi những diễn biến bất ngờ của thiên tai không cho phép sự chủ quan, khinh suất nhằm đảm bảo an toàn cao nhất về tính mạng, tài sản của nhà nước và người dân trong mùa mưa bão.

Tân Nguyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=142333