Đảm bảo an toàn cây xanh mùa mưa, bão: Cần giải pháp căn cơ
Tình trạng cây xanh bị ngã đổ, bật gốc sau mưa to, gió lớn, dông lốc trong thời gian qua đặc biệt là sau bão số 3 Yagi đã gây lo lắng cho người dân nhất là tại các đô thị có mật độ dân cư đông đúc, trong đó có thành phố Biên Hòa.
Hiện các địa phương đang khắc phục và triển khai giải pháp phòng chống tình trạng này. Đảm bảo an toàn cây xanh, nhất là trong mùa mưa bão, cần các giải pháp căn cơ để hạn chế tối đa các rủi ra có thể xảy ra.
Nỗi lo còn đó
Bão số 3 Yagi “càn quét” một số tỉnh miền Bắc gây ra nhiều thiệt hại nặng nề. Một trong những thiệt hại từ trận bão lịch sử tại Hà Nội là có hơn 17 ngàn cây xanh lớn, nhỏ bị gãy cành, bật gốc. Việc hàng loạt cây xanh ở khu vực nội đô dễ dàng bị gãy, đổ, bật gốc trong bão khiến dư luận không khỏi băn khoăn.
Thông tin từ Phòng Quản lý đô thị thành phố Biên Hòa, chỉ tính riêng cây trồng ở đường phố, đường ven suối, đường nội bộ khu dân cư toàn thành phố có khoảng 16 ngàn cây xanh các loại (dáng hương, dầu, viết, lim xẹt, bàng…).
Bà Nguyễn Thị Bích Huyền (ngụ phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa) bộc bạch, từ sự cố nhiều cây xanh bật gốc ở Hà Nội sau cơn bão Yagi đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm trong việc đảm bảo an toàn và bảo vệ cây xanh trước mưa bão. Trong đó, có kỹ thuật trồng cây; cách chọn loại cây phù hợp thổ nhưỡng, môi trường; vấn đề hạ tầng đô thị; cách chăm sóc… Nên xem xét lại toàn bộ quy trình của dự án phát triển cây xanh và có hướng giải quyết kịp thời, triệt để.
“May mắn bão Yagi không ảnh hưởng trực tiếp đến Đồng Nai. Tuy nhiên, theo tôi không vì thế mà chủ quan, do biến đổi khí hậu, thời tiết rất khó lường. Sự cố cây xanh bật gốc sau mưa to, gió lớn cũng đã từng xảy ra trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, tỉnh Đồng Nai nói chung và thành phố Biên Hòa nói riêng cũng cần có giải pháp căn cơ để đảm bảo an toàn cây xanh, chủ động ứng phó các sự cố liên quan đến cây xanh” - bà Huyền nói.
Để có một cây xanh sinh trưởng tươi tốt, che bóng mát trong đô thị đòi hỏi cả một quá trình chăm sóc lâu dài, việc này không phải dễ. Đặc biệt là bảo vệ cây trước các tình huống khẩn cấp là việc càng khó hơn nhiều.
“Thiên tai là rất khó lường, vậy nên việc chọn loại cây trồng thích hợp, xây dựng chiến lược phát triển cây xanh gắn với quy hoạch tổng thể đô thị là một trong những giải pháp để đảm bảo hệ thống cây xanh trong thành phố Biên Hòa phát triển bền vững, phù hợp, an toàn” - ông Nguyễn Thanh Liêm (ngụ thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất) nêu ý tưởng.
Sinh sống và làm việc tại Biên Hòa trong thời gian dài, ông Trần Thanh Toàn (ngụ phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa) cho biết, ông thấy có nhiều cây xanh ở một số tuyến đường trong thành phố Biên Hòa chưa phù hợp. Đơn cử như ở đường Huỳnh Văn Nghệ (phường Bửu Long) có hàng cây xanh trồng dưới đường dây điện nên cây lúc nào cũng bị đơn vị chức năng tỉa cành lá đến trơ trọi nhìn rất mất thẩm mỹ. Hay như cây dầu trồng trong khu dân cư Tân Thuận (phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa) có rễ trồi lên phá nát nhiều đoạn vỉa hè…”.
“Đường Võ Thị Sáu, phường Thống Nhất hiện có hàng cây dầu cao lớn rất đẹp. Tuy nhiên độ an toàn cây xanh tại đây theo tôi cần được quan tâm bởi trước đây tôi thấy khi mở rộng vỉa hè các đơn vị chức năng có đào đường sát mép cây để đặt hệ thống công trình phụ nên ít nhều ảnh hưởng đến rễ cây. Giữa năm 2023 sau cơn mưa lớn đã có một cây dầu trên tuyến đường này bật gốc để lộ phần rễ rất nông” - ông Toàn chia sẻ.
Tăng cường công tác quản lý, chăm sóc cây xanh
Theo Phòng Quản lý đô thị thành phố Biên Hòa, để đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa các sự cố liên quan đến cây xanh trong mùa mưa bão, từ tháng 2-2024, Phòng Quản lý đô thị thành phố đã có văn bản gửi Ban Quản lý dịch vụ công ích, Phòng Giáo dục và đào tạo, UBND 30 phường, xã và các đơn vị thuê bao dịch vụ công ích trên địa bàn thành phố tăng cường công tác quản lý, chăm sóc cây xanh đô thị đảm bảo an toàn trước và trong mùa mưa bão.
Trong đó, phòng yêu cầu Ban Quản lý dịch vụ công ích thực hiện công tác kiểm tra giám sát và báo cáo kết quả thực hiện chăm sóc, cắt tỉa cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố; đồng thời, phối hợp cùng các đơn vị thuê bao dịch vụ công ích, đơn vị đường sắt, điện lực, viễn thông và UBND các phường xã thực hiện công tác kiểm tra, chăm sóc cắt tỉa cây xanh đô thị đảm bảo sinh trưởng phát triển của cây xanh, mỹ quan đô thị.
Đồng thời, Phòng Quản lý đô thị chủ trì, phối hợp đơn vị thuê bao cung cấp dịch vụ công ích thực hiện kiểm tra thực tế cây xanh, công tác chăm sóc cắt tỉa cây xanh đô thị, đảm bảo sinh trưởng phát triển của cây xanh, an toàn trước mùa mưa bão, an toàn giao thông và an toàn tài sản của tổ chức/cá nhân trong khu vực… Việc cắt tỉa cây phải đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo sinh trưởng của cây, tạo mỹ quan đô thị. Có cán bộ kỹ thuật giám sát chỉ đạo, công nhân chăm sóc, cắt tỉa cây xanh phải được đào tạo và có chứng chỉ chuyên môn phù hợp…
Ngoài ra, UBND thành phố Biên Hòa còn giao Phòng Giáo dục và đào tạo, UBND các phường, xã thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống cây xanh trồng trong khuôn viên tổ chức, cá nhân và cây xanh phân tán trên các tuyến đường do địa phương quản lý; trong khuôn viên trường học;…chủ động tổ chức hợp đồng với đơn vị có chức năng về chăm sóc cây xanh đô thị để thực hiện việc chăm sóc, cắt tỉa và chống dựng các cây xanh trong khuôn viên đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và các công trình trong mùa mưa bão…
Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Biên Hòa Nguyễn Thanh Phú cho biết, hạn chế hiện nay là hệ thống hạ tầng kỹ thuật một số tuyến đường trên địa bàn thành phố được đầu tư từ lâu, đã xuống cấp, có vỉa hè nhỏ hẹp, vướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm (cống thoát nước, đường ống cấp nước, viễn thông, điện trung thế trên cao (đường Huỳnh Văn Nghệ, Bùi Hữu Nghĩa, đường 30 tháng 4, đường Phạm Văn Thuận, đường Đoàn Văn Cự,...) làm hưởng đến sinh trưởng của cây. Một số tuyến đường cũ còn cây xanh hiện hữu do người dân tự trồng thuộc danh mục cây cấm trồng, cây hạn chế trồng có khả năng làm ảnh hưởng đến công tác duy trì, chăm sóc cây xanh của thành phố.
Mặc khác, trường hợp tự ý xâm hại cây xanh đô thị vẫn còn diễn ra làm ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây xanh và cảnh quan đô thị (như treo dán quảng cáo trái phép, giăng đèn trang trí, neo buộc, đóng đinh vào thân cây xanh, tự ý cắt tỉa mé nhánh cây xanh không đúng quy trình kỹ thuật...). Cây xanh tại một số tuyến đường, dự án khu dân cư hiện hữu trồng cây xanh (loại cây đại mộc) trong khi ở đây tuyến đường có vỉa hè nhỏ, vướng các công trình hạ tầng ngầm nên ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển cây xanh, không đảm bảo không gian sinh trưởng phát triển của bộ rễ dẫn đến rễ cây ăn nổi làm hư hỏng vỉa hè và các công trình xây dựng của người dân trong khu vực (cây dầu trên vỉa hè khu dân cư Tân Thuận và khu dân cư Tân Biên; cây Bàng Đài Loan trên vỉa hè khu dân cư Tân Biên 2...).
“Để khắc phục tình trạng trên, đảm bảo an toàn cây xanh mỹ quan đô thị, trong kế hoạch Đầu tư, phát triển cây xanh sử dụng công cộng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Biên Hòa, thành phố đã có sự tính toán chi tiết cụ thể về chiến lược phát triển cây xanh trên địa bàn. Trong đó có việc quản lý, chăm sóc, trồng mới, thay thế dần các loại cây không phù hợp” - Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Biên Hòa Nguyễn Thanh Phú cho biết.
Kim Liễu
Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy:
Chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa bão
Mặc dù Đồng Nai là địa phương có vị trí địa lý ít có khả năng chịu ảnh hưởng bão và áp thấp nhiệt đới nhưng chúng ta không nên chủ quan, mà phải chủ động, lưu ý đến đặc điểm này để phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại nếu có bão và áp thấp nhiệt đới xảy ra.
Dự báo trong tháng 9 và tháng 10-2024, khả năng có những đợt mưa diện rộng với một vài nơi có mưa vừa, mưa to đến rất to kéo dài 5-10 ngày. Mưa thường đi kèm dông, lốc, sét…
Để hạn chế các sự cố về cây xanh, các đơn vị quản lý cây xanh cần rà soát, kiểm tra tình trạng sinh trưởng, phát triển của cây xanh, khả năng đảm bảo an toàn của cây xanh (rễ, thân, cành, tán, lá) để phát hiện, xử lý kịp thời tránh các trường hợp cây xanh ngã đổ gây nguy hiểm.
Mùa mưa bão năm 2024 khả năng kết thúc vào khoảng xấp xỉ đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm từ 5-10 ngày, phổ biến trong khoảng từ ngày 25-11 đến 5-12. Cần chủ động phòng những cơn bão, áp thấp nhiệt đới cuối mùa ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh.
Gia An (ghi)