Đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi
Thời tiết diễn biến phức tạp, các loại dịch bệnh đang tiềm ẩn, việc vận chuyển gia súc, gia cầm tăng cao trong khi Tết Nguyên đán đang cận kề. Thời điểm này, nếu dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi thì sẽ gây thiệt hại rất lớn do người chăn nuôi đang tập trung nuôi với số lượng lớn để phục vụ nhu cầu thực phẩm cho các dịp lễ hội và Tết sắp tới.
Những ngày này, anh Vũ Văn Bắc ở tại thôn Thiết Xá, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ đứng ngồi không yên khi mưa rét kéo dài, nhiệt độ xuống thấp. Cùng với việc che chắn chuồng trại, anh còn tăng cường tiêu độc khử trùng, bổ sung thêm các loại vitamin, men tiêu hóa vào thức ăn để tăng thêm sức đề kháng cho đàn gà hơn 2.000 con của mình. Theo anh Bắc, thời tiết diễn biến phức tạp như thế này rất dễ bùng phát các loại dịch bệnh. Do vậy, cùng với tăng cường sức đề kháng cho gà, anh còn bổ sung thêm một số bóng đèn hồng ngoại để giữ nhiệt độ trong chuồng nuôi ổn định. Không thả gà ra vườn trong những ngày mưa rét, nhiệt độ xuống thấp. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo phác đồ; trộn thêm tỏi, gừng vào thức ăn cho gà để phòng bệnh.
Đồng thời, tuyệt đối không cho người lạ vào khu vực nuôi. “Hiện đàn gà đã đạt trọng lượng khoảng 0,7 - 0,8 kg/con. Nếu thuận lợi sẽ xuất bán kịp vào dịp Tết Nguyên đán”, anh Bắc khẳng định. Còn tại xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, những ngày này, ông Đinh Ngọc Hoàng hầu như túc trực 24/24 giờ để chăm sóc cho đàn lợn gần 70 con của mình. Ông Hoàng cho biết, ngay từ khi thời tiết bắt đầu chuyển rét, ông đã dùng bạt che phù toàn bộ chuồng trại. Sử dụng thực ăn công nghiệp có độ đạm cao; bổ sung thêm vitamin tổng hợp, Bcomplex và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn. Tăng cường vệ sinh, phun hóa chất tiêu độc khử trùng toàn bộ chuồng trại. “Đến nay đàn lợn đã đạt gần 60kg/con. Nếu thuận lợi sẽ xuất bán vào dịp Tết. Tuy nhiên, thời tiết khắc nghiệt cộng với các loại dịch bệnh như dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn xuất hiện rải rác ở một số địa phương. Do vậy, để đảm bảo an toàn, ngoài chế độ dinh dưỡng, các quy định phòng dịch phải được tuân thủ tuyệt đối. Hiện giờ chỉ có tôi được phép vào khu vực chuồng trại. Xung quanh khu vực nuôi được phun thuốc khử trùng thường xuyên”, ông Hoàng nói.
Tại huyện Hải Lăng, trao đổi với chúng tôi, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) Trần Quốc Lượng cho biết, địa phương có số lượng vật nuôi khá lớn với trên 675.000 con gia súc, gia cầm các loại. Do đó, để chủ động phòng, chống dịch bệnh, xử lý tốt môi trường chăn nuôi, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết bất lợi như hiện nay, Trạm CN&TY đã cử cán bộ trực tiếp về từng địa phương hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp chống rét, chăm sóc, vệ sinh phòng dịch. Trong đó, tập trung vào các gia trại, nông hộ là nơi dịch bệnh dễ bùng phát và lây lan nhanh do quy mô nhỏ, người dân thường chủ quan, lơ là các biện pháp phòng bệnh. Cấp hơn 2.000 lít hóa chất cho các địa phương để tổ chức tiêu độc khử trùng chuồng trại.
Theo ông Lượng, thời gian gần đây, người chăn nuôi liên tục gặp khó khăn bởi dịch bệnh, thiên tai khiến nghề chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề. Mới đây nhất là bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò đã xuất hiện tại huyện Vĩnh Linh. Tại huyện Hải Lăng mặc dù đến nay chưa có dịch bệnh nhưng dự báo trong thời gian tới nguy cơ dịch bệnh xảy ra là rất cao do huyện có tuyến Quốc lộ 1 đi qua; lưu lượng vận chuyển trâu bò tăng mạnh vào dịp cuối năm; ve, mòng, muỗi, ruồi mang mầm bệnh phát triển; thời tiết rét đậm, đồng cỏ khan hiếm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi. “Bò, lợn và gà, vịt là các loại vật nuôi chủ yếu được người dân trên địa bàn huyện lựa chọn để phục hồi sản xuất, nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần. Tuy nhiên, do đặc thù chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô gia trại, hộ gia đình là chủ yếu nên nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát luôn tiềm ẩn do người dân thường chủ quan. Đó chính là những nơi mà lực lượng thú y cần phải kiểm tra chặt chẽ. Bởi thời điểm này, nếu bùng phát dịch, nông dân sẽ thiệt hại rất lớn”, ông Lượng nhấn mạnh.
Theo thống kê của Chi cục CN&TY, toàn tỉnh hiện có hơn 3,3 triệu con gia súc, gia cầm các loại. Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa rét kéo dài; các loại mầm bệnh tiềm ẩn; nhiều loại bệnh vẫn chưa có vắc xin đặc hiệu; tập quán chăn nuôi thả rông cùng với tình trạng vận chuyển gia súc, gia cầm tăng cao để phục vụ nhu cầu thực phẩm cho các dịp lễ hội, Tết Nguyên đán sắp tới thì nguy cơ dịch bệnh bùng phát, lây lan trong thời gian tới rất cao. Do vậy, để phòng dịch, ngay sau khi lũ lụt xảy ra, từ nguồn hỗ trợ của trung ương, Chi cục CN&TY đã tiếp nhận và phân bổ 30.000 lít hóa chất Vetvaco Iodine và Bencocid, 105 tấn Chlorin 65% cho các địa phương để tổ chức tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi và thủy sản.
Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY Đào Văn An cho biết, ngoài dịch tả lợn Châu Phi thì hiện nay trên địa bàn tỉnh dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò đã xuất hiện tại 2 xã Vĩnh Tú và Trung Nam, huyện Vĩnh Linh. Dự báo trong thời gian tới dịch bệnh có thể tiếp tục phát sinh ở các địa phương khác, nhất là ở các nơi có hoạt động mua bán trâu bò nhiều. Nguyên nhân là do tình trạng buôn bán, vận chuyển trâu bò vẫn diễn ra và không được kiểm soát; hóa chất tiêu diệt các véc tơ truyền bệnh như ruồi, muỗi, ve, mòng… chưa có; ý thức của người dân còn hạn chế… Do vậy, cùng với việc hướng dẫn các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, Chi cục CN&TY đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát lâm sàng các bệnh lở mồm long móng (LMLM), cúm gia cầm (CGC), lợn tai xanh… ở các khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ; chỉ đạo lực lượng thú y cơ sở thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi nhằm phát hiện nhanh các trường hợp vật nuôi mắc bệnh, chết nghi do bệnh LMLM, CGC, lợn tại xanh… để lấy mẫu gửi xét nghiệm và xử lý kịp thời.
Tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại; thực hiện nghiêm túc chăn nuôi an toàn sinh học; hạn chế tối đa người ra vào khu vực chăn nuôi, đặc biệt là các thương tái. Tập trung thực hiện tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi theo đúng phác đồ nhằm tạo miễn dịch chủ động. “Đối với bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại huyện Vĩnh Linh, cùng với việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, Chi cục CN&TY đã tập trung tuyên truyền để người chăn nuôi tự giác khai báo dịch, không bán chạy trâu, bò bị bệnh. Chỉ đạo các trạm CN&TY địa phương, lực lượng thú y cơ sở tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện dịch để triển khai các biện pháp khoanh vùng, bao vây không để dịch lây lan ra diện rộng. Nghiêm cấm nhân viên thú y ở các thôn, xã không có dịch vào nơi có dịch để điều trị trâu, bò bị bệnh. Đồng thời, có văn bản đề nghị Cục Thú y hỗ trợ 3.000 liều vắc xin bệnh viêm da nổi cục để tiêm phòng bao vây, khống chế dịch bệnh”, ông An cho biết thêm.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154560