Đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường

Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, phụ huynh và học sinh phấn khởi, háo hức với thông tin sau Tết học sinh các cấp học sẽ từng bước đi học trực tiếp tại trường. Tuy nhiên, trong những ngày qua, đặc biệt là khi kỳ nghỉ Tết kết thúc, các trường học, doanh nghiệp tiến hành xét nghiệm sàng lọc COVID-19 diện rộng để đảm bảo an toàn phòng dịch khi trở lại hoạt động bình thường thì số ca F0 được phát hiện tăng vọt. Đáng chú ý số ca F0 mới phát hiện hầu như không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ khiến người nhiễm không để ý hoặc lơ là chủ quan. Hiện tại, trên toàn tỉnh, mới có học sinh các huyện và học sinh từ khối lớp 7 trở lên ở thành phố đi học tại trường (trừ trường hoặc học sinh ở địa bàn 'vùng đỏ'); học sinh lớp 6 và tiểu học ở thành phố Nam Định vẫn đang học trực tuyến. Theo thông báo đến ngày 14-2-2022 các khối này mới đi học trực tiếp trở lại.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong vệ sinh bàn ghế, lớp học để chuẩn bị học trực tiếp. Ảnh: Minh Thuận

Để chuẩn bị cho học sinh đến trường an toàn, các ngành Giáo dục và Y tế đã phối hợp, hướng dẫn các quy trình và đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, vật tư y tế,… tạo môi trường an toàn dịch bệnh cho thầy và trò. Đặc biệt công tác tuyên truyền phổ biến trang bị kiến thức cho phụ huynh và học sinh đã được ngành Giáo dục thực hiện chỉ đạo của tỉnh yêu cầu các nhà trường, cơ sở giáo dục quan tâm thực hiện nghiêm. Trong ngày 8-2, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã có ngay Công điện số 136/CĐ-BGDĐT gửi Giám đốc các Sở GD và ĐT nêu rõ: yêu cầu Giám đốc các Sở GD và ĐT tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức dạy học trực tiếp tại địa phương thống nhất, đầy đủ, tạo thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa đón, chăm sóc học sinh. Các nhà trường cần hướng dẫn học sinh kiến thức phòng dịch, những việc cần làm và nguyên tắc cần tuân thủ trong phòng dịch để bảo vệ bản thân và cộng đồng; tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh; tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học; tuyệt đối không được để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp không may bị F0.

Có thể nói với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của các nhà trường, sự phối kết hợp chặt chẽ của gia đình, phụ huynh và sự nghiêm túc tuân thủ quy định của học sinh, đặc biệt là việc các em từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm vắc-xin thì việc đảm bảo an toàn phòng dịch cho học sinh đến trường được yên tâm. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh có con học lớp 6 và tiểu học ở thành phố hiện nay đang hết sức băn khoăn về việc cho con đi học tại trường đúng lịch trong khi các con chưa được tiêm vắc-xin và những thông tin về tình hình lây nhiễm dịch trong những ngày qua. Nhiều phụ huynh đang khá hoang mang trước các thông tin truyền miệng trong các nhóm nhỏ về di chứng sức khỏe của người mắc COVID-19 sau khi đã được chữa khỏi…(?!).

Việc phụ huynh lo lắng về các nguy cơ lây nhiễm bệnh đối với học sinh nhỏ đến trường là chính đáng. Tuy nhiên việc trẻ không được đến trường, phải học trực tuyến cũng ảnh hưởng nhiều mặt đến trẻ và cả phụ huynh học sinh do đảo lộn công việc, phải sắp xếp bố trí thời gian, nhân lực để tham gia đôn đốc, quản lý việc học tập ở nhà của con. Do vậy, để phụ huynh có con lứa tuổi tiểu học yên tâm đưa con đến trường với tinh thần thích ứng an toàn, trước mắt, cùng với việc thăm dò lấy ý kiến phụ huynh về việc cho trẻ đi học trở lại, các ngành GD và ĐT, Y tế cần cung cấp thông tin chính xác, chính thống, đầy đủ về các mối nguy lây nhiễm bệnh, cách phòng tránh, những thông tin cần thiết liên quan đến việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cũng như việc chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân COVID-19 nói chung, trẻ em nhiễm bệnh nói riêng… Như vậy, phụ huynh có thể yên tâm, phối hợp đồng hành cùng nhà trường trong việc đảm bảo an toàn tuyệt đối khi cho trẻ đến trường./.

Vân Thi

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/202202/dam-bao-an-toan-cho-hoc-sinh-tro-lai-truong-2549119/