Đảm bảo an toàn cho Nhân dân vùng nguy cơ sạt lở

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực miền núi phía Bắc, trong 2 ngày 16 và 17/9, trên địa bàn tỉnh nhiều nơi có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to, tiềm ẩn nguy cơ bị sạt lở đất ở nhiều địa phương trong đó có hai huyện Thanh Sơn và Tân Sơn. Với tinh thần không chủ quan, lơ là, chính quyền hai huyện đã có nhiều biện pháp khẩn trương, quyết liệt để đảm bảo an toàn cho Nhân dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao.

Xóm Nhàng, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn là một trong những khu vực có nguy cơ sạt lở sao.

Xóm Nhàng, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn là một trong những khu vực có nguy cơ sạt lở sao.

Thường trực nỗi lo

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trời mưa liên tục khiến tâm lý của 65 hộ dân với trên 200 nhân khẩu ở xóm Nhàng, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn trở nên bất an hơn bao giờ hết. Sau lưng họ, ngọn đồi dựng đứng, cao sừng sững đã xuất hiện những dấu hiệu cảnh bảo nguy cơ sạt lở cao. Năm 2018, người dân đi rừng phát hiện một vết nứt đường kính khoảng 1m và kéo dài hơn 200m. Đã 6 năm, mỗi mùa mưa bắt đầu, gia đình ông Hà Văn Hòa cùng với 64 hộ khác của xóm Nhàng lại khăn gói đi tránh, trú tại các lán tạm hoặc nhà ở của lực lượng kiểm lâm.

Anh Hà Văn Thản - Trưởng khu Nhàng cho biết: “Ban ngày, bà con về nhà chăn nuôi, sản xuất kinh tế. Tối đến, khi tiếng kẻng vang lên thì cả nhà bố mẹ con cái lên ngủ nhờ tại các lán tạm, lều tránh trú hoặc nhà ở của lực lượng kiểm lâm”. Nguyện vọng khẩn thiết của bà con là được di chuyển đến nơi ở mới để không còn phải lo lắng, sợ hãi mỗi khi mùa mưa đến.

Trạm kiểm lâm là nơi ngủ đêm tạm của 5 hộ dân xóm Nhàng, xã Kim Thượng

Trạm kiểm lâm là nơi ngủ đêm tạm của 5 hộ dân xóm Nhàng, xã Kim Thượng

Hoàn lưu của cơn bão số 3 gây mưa lớn, kéo dài khiến địa bàn huyện Tân Sơn bị lũ quét, ngập úng, sạt lở đất, thiệt hại về hạ tầng, sản xuất, gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống Nhân dân. Cũng giống như Tân Sơn, Thanh Sơn là huyện miền núi với địa hình có độ dốc lớn. Vì vậy, nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại và đời sống sinh hoạt của Nhân dân.

Những ngày qua, gia đình ông Nguyễn Văn Khanh, xóm Liệm, xã Lương Nha không bỏ sót một bản tin dự báo thời tiết nào, ông thường xuyên theo dõi để nắm bắt tình hình chủ động trong mọi tình huống. Ông Khanh chia sẻ: “Sau nhà là đồi, trước cổng nhà là con đường liên xã đang bị sạt lở nghiêm trọng, có nguy cơ sập đường bê tông xuống ngòi Lạt bất cứ lúc nào nên gia đình tôi không thể chủ quan được”.

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, tuyến đường liên xã từ Quốc lộ 70B từ xã Yên Sơn đi xã Lương Nha bị sạt lở làm gãy sập bê tông, sạt trượt xuống phía Ngòi Lạt với chiều dài khoảng 50m và đang có diễn biến phức tạp, nếu còn tiếp tục có mưa lớn kéo dài và nước dâng cao. Con đường này không chỉ là đường “độc đạo” dẫn vào nơi sinh sống của hàng trăm hộ dân mà còn là tuyến đường chính nối với xã Yên Sơn. Hiện nay, chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm và cấm ô tô lưu thông qua khu vực này tránh những trường hợp đáng tiếc không may xảy ra.

Đồng chí Đinh Công Hường – Chủ tịch UBND xã Lương Nha cho biết: “Trên địa bàn xã còn 4 khu dân cư nằm rải rác trên đồi cao có nguy cơ sạt lở, hằng năm chính quyền xã tổ chức tuyên truyền đến người dân trong khu dân cư đặc biệt với những trận mưa lớn kéo dài chính quyền xã có chỉ dẫn cho người dân để có phòng tránh tốt nhất và sẵn sàng di dời người dân tới vị trí an toàn”.

Hạ tầng khu tái định cư của 65 hộ dân xóm Nhàng đã cơ bản được hoàn thành

Hạ tầng khu tái định cư của 65 hộ dân xóm Nhàng đã cơ bản được hoàn thành

Không chủ quan, lơ là

Dự án bố trí, ổn định dân cư vùng thiên tai xóm Nhàng, xã Kim Thượng với quy mô 65 hộ, tổng mức đầu tư 34,5 tỷ đồng đang được huyện Tân Sơn khẩn trương thực hiện. Gò Khố Ngôn thuộc khu Nhàng, cách địa điểm nguy cơ sạt lở khoảng 1km, sẽ là nơi để bố trí chỗ ở mới cho 65 hộ dân với trên 200 nhân khẩu ở xóm Nhàng.

Đến nay, cơ sở hạ tầng đã cơ bản được hoàn thành. UBND huyện Tân Sơn chỉ đạo Phòng TNMT nhanh chóng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân để họ yên tâm xây dựng nhà ở, ổn định đời sống. Ông Hà Văn Hòa, người dân xóm Nhàng, xã Kim Thượng phấn khởi cho biết: “Người dân rất đồng tình, ủng hộ với chủ trương di dời bà con đến nơi ở mới an toàn để yên tâm sinh hoạt và làm kinh tế”.

Đồng chí Hoàng Xuân Việt - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Sơn cho biết: “Trong đợt mưa lũ vừa qua, huyện Tân Sơn đã đặc biệt quan tâm đến việc cảnh báo, di dời người dân khỏi nơi không an toàn, bao gồm các điểm xung yếu về sạt lở; hộ ven sông, suối; hộ sống trong nhà tạm, các lán, trại trên núi; hộ gần công trình điện, cây cao... Huyện đã tổ chức vận động 171 hộ dân trong khu vực nguy cơ sạt lở, lũ quét di chuyển đến nơi tránh trú; ngoài ra có 44 hộ di dời từ các lán, trại tạm trên núi về nơi an toàn”.

Ban Chỉ huy quân sự xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn tuyên truyền, cảnh báo cho người dân sống gần khu vực có nguy cơ sạt lở.

Ban Chỉ huy quân sự xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn tuyên truyền, cảnh báo cho người dân sống gần khu vực có nguy cơ sạt lở.

Hiện trên địa bàn huyện Thanh Sơn gồm các xã: Cự Thắng, Đông Cửu, Lương Nha, Tân Minh, Tất Thắng, Yên Lương, Hương Cần là những địa phương có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét. Tại xã Hương Cần, con đường dẫn vào khu Đá Cạn, cũng là con đường gần nhất dẫn vào xã Tân Lập những ngày qua do mưa lớn khiến 2km đường bị sạt lở, có những đoạn phải đến 2/3 phần mặt đường bị sạt xuống khiến việc đi lại của người dân trong vùng gặp nhiều khó khăn.

Tuyến đường nối xã Yên Sơn đi Lương Nha bị sạt lở nghiêm trọng.

Tuyến đường nối xã Yên Sơn đi Lương Nha bị sạt lở nghiêm trọng.

Ô tô dường như không thể di chuyển trên tuyến đường này do đất đá gồ ghề, người đi xe máy cũng di chuyển “ì ạch”, nhất là vào buổi tối, nếu không quan sát kỹ và không chắc tay lái sẽ rất dễ xảy ra tại nạn. Để chọn phương án an toàn, nhiều người dân bắt buộc phải di chuyển qua tuyến đường khác cách xa hơn chục km và nhanh chóng trở về nhà trước khi trời tối.

Để đảm bảo an toàn toàn cho các phương tiện trong quá trình lưu thông và người dân sinh sống gần khu vực bị sạt lở, chính quyền địa phương đã căng dây, cắm biển cảnh báo, khuyến cáo người dân hạn chế qua lại và chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, bám nắm tình hình để báo cáo UBND huyện và có phương án xử lý, khắc phục kịp thời.

Bản đồ cảnh bảo một số khu vực có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn tỉnh.

Bản đồ cảnh bảo một số khu vực có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Phùng Minh Dũng – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thanh Sơn cho biết: “Để chủ động phòng chống sạt lở đất nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Thanh Sơn đã chủ động các phương án từ sớm, từ xa với phương châm “3 sẵn sàng“,”4 tại chỗ" trong đó, lấy công tác phòng là chính, từ ứng phó đến hành động sớm. Chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương rà soát lại các nguồn lực thực hiện công tác ứng phó thiên tai, thường xuyên kiểm tra phân vùng nguy cơ, dấu hiệu sạt lở đất đá, dự kiến tình huống thiên tai có thể xảy ra và biện pháp ứng phó”.

Cùng với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, người dân cần nâng cao ý thức tự phòng tránh, không bị động trước thiên tai, đặc biệt là sạt lở. Sự cộng hưởng sẽ giúp công tác phòng chống thiên tai của địa phương được hiệu quả, vì mục tiêu cao nhất đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân.

Hương Trang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/dam-bao-an-toan-cho-nhan-dan-vung-nguy-co-sat-lo-219195.htm