Đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông như thế nào?

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tham luận nhiều ý kiến về tình hình TNGT và tử vong do TNGT theo sổ tử vong; TNGT và các yếu tố liên quan đến bệnh viện; ghế an toàn cho trẻ em…

Ngày 29/10, Cục Pháp chế, Bộ Y tế đã phối hợp với Cục CSGT, Bộ Công an tổ chức Hội thảo “Những vấn đề về y tế cần quy định trong dự án Luật bảo đảm TTATGT đường bộ” nhằm xin ý kiến các chuyên gia để hoàn thiện các nội dung liên quan đến y tế quy định trong dự thảo Luật này.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, dự thảo Luật bảo đảm TTATGT gồm 8 chương, 62 điều, trong đó rất nhiều nội dung liên quan đến y tế được cụ thể hóa trong dự thảo như: Độ tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện; vấn đề hỗ trợ người khuyết tật trong đào tạo lái xe; vấn đề cấm sử dụng rượu, bia, điện thoại khi điều khiển phương tiện; vấn đề thống kê số liệu về tai nạn giao thông...

Đại biểu tham luận tại Hội thảo

Những vấn đề Bộ Công an xin ý kiến đại biểu đó là chính sách của nhà nước về hỗ trợ người khuyết tật trong đào tạo lái xe nhằm đảm bảo người khuyết tật có cơ hội tiếp cận trong việc thụ hưởng, sử dụng các dịch vụ xã hội so với người có thể trạng bình thường trong việc học lái xe; người lái xe sử dụng rượu, bia hoặc các chất có nồng độ cồn sẽ tác đông trực tiếp đến hệ thần kinh, khiến cho nhận thức và hành vi của người lái xe không ở trạng thái không bình thường, mất tập trung, gây buồn ngủ, ảo giác nguy cơ gây tai nạn rất cao; quy định về bảo vệ trẻ em dưới 12 tuổi hoặc 1,35 mét được chở trên ô tô…

Các đại biểu tại Hội thảo

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tham luận nhiều ý kiến về: tình hình TNGT và tử vong do TNGT theo sổ tử vong; TNGT và các yếu tố liên quan đến bệnh viện; ghế an toàn cho trẻ em…

Theo PGS, TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Đại học Y tế công cộng cho biết, mỗi năm có hàng trăm vụ tai nạn liên quan đến trẻ em nhưng việc đảm bảo ATGT cho đối tượng này chưa có quy định cụ thể. Theo thống kê thì chỉ có khoảng 4/10.000 xe ô tô cá nhân có ghế an toàn, những người trang bị ghế an toàn cho con đa số từng sống ở nước ngoài nên thấy cần thiết phải trang bị để đảm bảo an toàn cho trẻ. Ở Việt Nam hiện nay chưa có quy định, lái xe thường để con tự ngồi, thậm chí ôm, địu con khi điều khiển phương tiện. Chính vì vậy, cần có quy định phải trang bị ghế an toàn để giảm nguy cơ thương tích của trẻ.

Hệ thống camera giám sát của CSGT

“Nghiên cứu cho thấy, trẻ em chỉ có thể dùng dây an toàn khi cao khoảng 135cm hoặc khoảng 10 tuổi. Tổ chức y tế thế giới cũng đưa ra 3 tiêu chí của một quy định tốt về ghế an toàn cho trẻ em, gồm: Luật phải quy định trẻ em phải sử dụng ghế trẻ em ít nhất đến 10 tuổi hoặc đạt chiều cao 135cm; Luật cần đề cập tiêu chuẩn về ghế an toàn dành cho trẻ em; Luật hạn chế trẻ em theo tuổi hoặc chiều cao ngồi ghế trước”, PGS, TS Phạm Việt Cường nói và cho biết, dựa trên khuyến nghị của WHO và nghiên cứu sự phát triển của trẻ em Việt Nam, chúng ta cần sớm luật hóa quy định về ghế an toàn cho trẻ trên ô tô; đồng thời cho rằng, các quy định có thể nghiên cứu áp dụng là bắt buộc các đối tượng trẻ em dưới 10 tuổi, dưới 135cm; quy định trẻ em dưới 12 tuổi không được ngồi ghế trước; tiêu chuẩn kỹ thuật ghế, chất lượng ghế trên xe.

TS, Bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Ngọc, Cục khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, chi phí cho TNGT cấp cứu rất tốn kém, có thể lên đến 20-30 triệu đồng mỗi ngày. “Có nhiều trường hợp bệnh nhân TNGT lúc mới vào viện thì gia đình quỳ xuống xin bác sỹ cứu người thân của mình nhưng sau mấy ngày điều trị lại ký giấy xin về vì nếu kéo dài sự sống cho nạn nhân thì khả năng sống thực vật rất cao và gánh nặng kinh tế quá lớn”. TS, Bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Ngọc đề nghị cần đồng bộ hóa hệ thống cấp cứu, tăng cường năng lực của hệ thống này để có thể sơ cứu, cấp cứu bệnh nhân sớm nhất trong “giai đoạn vàng”, giảm tỷ lệ tử vong và hậu quả do TNGT.

Bà Trần Thị Xuân Hằng, chuyên viên vụ Pháp chế, Bộ Y tế quan tâm đến vấn đề mũ bảo hiểm cho trẻ em và cho biết, hiện nay, chưa có quy chuẩn về mũ bảo hiểm cho trẻ em, việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em chưa được thực hiện nghiêm; chưa có quy định trẻ em dưới 6 tuổi ngồi trên mô tô, xe máy phải đội mũ bảo hiểm và cũng chưa có nghiên cứu chứng minh độ tuổi nào có thể đội được mũ bảo hiểm và quy chuẩn mũ bảo hiểm cho trẻ em dưới 6 tuổi thế nào. “Đề nghị có nghiên cứu cụ thể để quy định trong Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, khắc phục được những vấn đề này” – bà Hằng cho biết

Các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về quy định xử phạt đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn; tiêu chí thống kê số vụ, số người chết, số người bị thương trong các vụ TNGT để thống nhất số liệu giữa Bộ Y tế và Bộ Công an.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết, hiện nay, Bộ Công an sẵn sàng chia sẻ thông tin với các bộ, ngành. Sắp tới sẽ có Trung tâm chỉ huy CSGT, theo đó sẽ kết nối, truyền về trung tâm các dữ liệu của tất cả các xe TTKS của CSGT, tàu thuyền. “Chúng tôi có thể kết nối với các xe cứu thương của ngành Y tế để nếu xảy ra TNGT thì có thể biết, điều phương tiện cấp cứu ở khu vực gần nhất đến” - Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết, đồng thời chia sẻ những nội dung lực lượng CSGT đang triển khai như: Đề án đấu giá biển số, đào tạo tập huấn kỹ năng cứu nạn, sơ cứu ban đầu cho CSGT và công tác chuẩn bị các nội dung của Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ với mục đích cao nhất là đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/dam-bao-an-toan-cho-tre-em-khi-tham-gia-giao-thong-nhu-the-nao--i633114/