Đảm bảo an toàn công trình thủy lợi
Những ngày qua, tình hình thời tiết diễn biến hết sức phức tạp. Liên tục các cơn bão và áp thấp nhiệt đới xảy ra khắp cả nước, nhất là các tỉnh miền Trung, gây mưa lớn, ngập lụt trên diện rộng. Đáng lo nhất là việc đảm bảo an toàn các hồ chứa nước thủy lợi, khiến hàng loạt hồ chứa phải xả lũ…
Đảm bảo an toàn công trình thủy
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, hiện nay diễn biến thời tiết phức tạp, mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của cơn bão số 6,7 và áp thấp nhiệt đới, nên mực nước các hồ chứa hầu hết đã đầy nước, nguy cơ cao xảy ra mất an toàn công trình, phải xả lũ khẩn cấp, gây ngập lụt lớn cho vùng hạ du. Bình Thuận dù không ảnh hưởng trực tiếp của bão và áp thấp nhiệt đới, nhưng mưa lớn đổ về liên tục nhiều ngày qua, khiến 9 hồ chứa phải xả lũ, điều tiết nước
Trước tình hình đó, ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT vừa đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo thời tiết, mưa, lũ của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, lượng dòng chảy đến các hệ thống công trình thủy lợi do đơn vị quản lý khai thác trên địa bàn tỉnh. Khi có mưa, lũ lớn xảy ra phải kịp thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và chính quyền địa phương nơi có công trình triển khai thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho công trình. Bố trí lực lượng tổ chức trực ban 24/24h tại đầu mối các hệ thống công trình thủy lợi. Mặt khác, theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động của công trình, đặc biệt tại các hồ chứa nước tăng cường kiểm tra hiện trạng đập, các vị trí xung yếu dễ xảy ra hư hỏng đe dọa đến sự ổn định của công trình, cảnh báo các khu vực ở vùng hạ du hồ chứa thường xuyên bị ngập lụt khi xả lũ.
Hồ Lòng Sông
Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi theo dõi chặt chẽ lượng dòng chảy đến hồ chứa, lập kế hoạch điều nước qua tràn đối với các hồ chứa đã tích nước đạt cao trình mực nước dâng bình thường, kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương nơi có hồ chứa để phổ biến cho nhân dân vùng hạ du và các cơ quan liên quan về việc xả lũ. Đồng thời phối hợp triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhân dân vùng hạ du.
Về phía các địa phương, cần thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo thời tiết, mưa, lũ của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn để chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, UBND các xã, phường, thị trấn đóng trên địa bàn triển khai thực hiện phương án phòng, chống ngập lụt, úng cho cây trồng nhằm giảm thiểu thiệt hại khi có mưa, lũ lớn, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp tiêu úng cho các loại cây trồng lâu năm và cây trồng vụ mùa năm 2020 khi có mưa lớn kéo dài, gây ngập úng. Cảnh báo cho nhân dân biết các vùng, khu vực ở vùng hạ du hồ chứa thường xuyên bị ngập lụt khi xả lũ để chủ động phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng do ngập lụt.Thực hiện phương án di dời người, tài sản hai bên tuyến thoát lũ ở hạ du hồ chứa nhằm bảo đảm an toàn khi thực hiện kế hoạch điều tiết nước qua tràn…
Theo ông Nguyễn Hữu Huệ- Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 48 hồ chứa gồm 17 hồ lớn, 10 hồ vừa và 21 hồ nhỏ. Trong đó công ty quản lý 43 hồ, địa phương quản lý 5 hồ. Hiện có 21/48 hồ ổn định và hoạt động tốt, 9 công trình sử dụng dưới 10 năm còn ổn định hoạt động bình thường, trong đó có 1 hồ đang hoàn thiện để bàn giao đưa vào sử dụng, còn lại 27 hồ chưa được đầu tư nâng cấp
Kiều Hằng
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/dam-bao-an-toan-cong-trinh-thuy-loi-132140.html