Đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ

Theo dõi, cập nhật thường xuyên tình hình khí tượng, thủy văn để kịp thời chỉ đạo vận hành an toàn hồ chứa và vùng hạ du; kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các đập, hồ chứa nước; sửa chữa, khắc phục các hạng mục công trình có nguy cơ mất an toàn… là những giải pháp đang được ngành Nông nghiệp chỉ đạo triển khai nhằm đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ.

Các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ các hạng mục sửa chữa hồ chứa nước Hang Trâu xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa, lũ

Các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ các hạng mục sửa chữa hồ chứa nước Hang Trâu xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa, lũ

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, cực đoan; mưa, lũ xảy ra với cường độ lớn, không theo quy luật. Xác định vai trò, tầm quan trọng của các công trình thủy lợi không chỉ cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, đời sống dân sinh, kinh tế của người dân mà còn có nhiệm vụ cắt lũ, giảm úng cục bộ cho vùng hạ lưu, góp phần cải thiện môi sinh, môi trường, UBND tỉnh luôn quan tâm dành kinh phí hỗ trợ cho công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình hư hỏng, xuống cấp.

Giai đoạn 2008-2020, toàn tỉnh đã xây dựng, nâng cấp sửa chữa trên 100 công trình thủy lợi theo tiêu chuẩn thiết kế mới, sử dụng đa mục tiêu tăng dung tích dự trữ nguồn nước của các hồ chứa lên hơn 100 triệu m3; kiên cố hóa 100% kênh loại I, II và 98% kênh loại III; đầu tư cải tạo, nâng cấp 380 công trình đầu mối, trạm bơm và 441 hồ đập đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống dân sinh và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Năm 2021, tỉnh đã đầu tư xây dựng 2 công trình kè chống sạt lở bờ sông chiều dài 500 m; sửa chữa các điếm canh đê, các cống dưới đê, hành lang chân đê; sửa chữa, khắc phục khẩn cấp các hồ đập với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng.

Hiện nay, nhiều công trình thủy lợi đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành trước 31/5/2022, nhất là các hạng mục đảm bảo vượt lũ, an toàn hồ chứa, đê điều.

Tại hồ chứa nước Hang Trâu, xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch, đơn vị thi công đang tập trung huy động phương tiện, nhân lực cải tạo, sửa chữa hồ trước mùa mưa lũ.

Hồ Hang Trâu có dung tích 75.000 m3 nước, cung cấp nước tưới cho 30 ha sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã. Qua kiểm tra, đánh giá thực trạng an toàn hồ chứa cho thấy: Mái đập thượng lưu bị sạt, mặt đập hư hỏng, thân đập bị thấm, cống hư hỏng gây mất an toàn.

Trước tình hình đó, Chi cục Thủy lợi tỉnh đã báo cáo lãnh đạo Sở NN&PTNT, đề xuất các hạng mục có nguy cơ mất an toàn cần sửa chữa, khắc phục; phấn đấu thi công hoàn thành trước mùa mưa, lũ đảm bảo an toàn công trình cũng như tài sản, tính mạng của nhân dân trong vùng.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nửa cuối tháng 5 đến tháng 7/2022 có khả năng xuất hiện bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông và ảnh hưởng đến các tỉnh phía Bắc.

Để chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2022, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục thủy lợi theo dõi cập nhật thường xuyên tình hình khí tượng, thủy văn để kịp thời cảnh báo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện phương án đảm bảo an toàn công trình thủy lợi.

Phối hợp với các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi, tính toán phương án vận hành an toàn công trình và vùng hạ du; thành lập đoàn công tác, phối hợp với địa phương, các công ty khai thác công trình thủy lợi rà soát phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đập.

Kiểm tra, đánh giá thực trạng an toàn các công trình đập, hồ chứa, bố trí kinh phí sửa chữa, khắc phục ngay các công trình, hạng mục có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa, lũ; đẩy nhanh tiến độ thi công, nhất là các hạng mục đảm bảo vượt lũ, an toàn hồ chứa, đê điều; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó của người dân ở vùng hạ du đập.

Các Công ty TNHH MTV Thủy lợi tổ chức vận hành thử các trạm bơm tiêu, cống tiêu, cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa nước; bố trí đầy đủ vật tư thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế trong trường hợp có sự cố vận hành; bố trí hệ thống thông tin cảnh báo cho người dân ở hạ du trước khi xả lũ các hồ chứa.

Nạo vét, khơi thông kênh hạ lưu các tràn xả lũ, hệ thống kênh tiêu để chủ động tiêu úng, thoát lũ khi có mưa lớn xảy ra; bố trí lực lượng đảm bảo đủ năng lực chuyên môn để quản lý, vận hành công trình thủy lợi; thường xuyên theo dõi, kiểm tra công trình trước, trong và sau mùa mưa, lũ nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình.

Với tinh thần chủ động, sẵn sàng ứng phó diễn biến bất thường của thời tiết, mùa mưa bão năm 2022, các đơn vị chức năng, địa phương sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối các công trình hồ đập, đê điều và hệ thống kênh mương…, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa bão, lũ gây ra.

Bài, ảnh: Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/76348/dam-bao-an-toan-cong-trinh-thuy-loi-trong-mua-mua-lu.html