Đảm bảo an toàn đập, hồ chứa mùa mưa, lũ

Theo dự báo của cơ quan khí tượng - thủy văn, mùa mưa, lũ năm nay tiềm ẩn nhiều yếu tố bất thường. Để chủ động ứng phó thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại, các chủ đầu tư nhà máy thủy điện, cơ sở sản xuất công nghiệp đã xây dựng phương án phòng, chống thiên tai.

Thủy điện Suối Chăn 2 nằm trên lưu vực suối Chăn thuộc địa phận 4 xã (Sơn Thủy, Võ Lao, Khánh Yên Thượng, Nậm Dạng) của huyện Văn Bàn. Đây là lưu vực có độ dốc lớn, nhiều bậc thang thủy điện, vì vậy chủ đầu tư nhà máy đã sớm xây dựng các phương án vận hành hồ chứa, bảo vệ đập, phương án ứng phó thiên tai, ứng phó với tình huống khẩn cấp.

Ông Nguyễn Huy Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư năng lượng VIDIFI (chủ đầu tư nhà máy) cho biết: Đơn vị tổ chức ghi chép các yếu tố khí tượng, thủy văn trên lưu vực, kiểm tra, phân tích, đánh giá, theo dõi diễn biến các hiện tượng thấm, rò rỉ qua thân đập, theo dõi và đối chiếu các yếu tố dòng chảy lũ, thủy văn so với giá trị lúc thiết kế để có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa, bảo dưỡng đập. Khu vực đập đầu mối luôn duy trì công nhân trực vận hành 24/24 giờ.

Việc vận hành an toàn công trình góp phần tận dụng, khai thác tối đa nguồn thủy năng mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp.

Hằng năm, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thủy điện miền Bắc 2 - chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Ngòi Phát đều chỉ đạo bộ phận chuyên môn tham mưu lập kế hoạch triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị.

Ngoài ra, công ty thực hiện kiểm tra, bảo dưỡng đảm bảo hệ thống quan trắc, giám sát mực nước thượng, hạ du hồ chứa. Hệ thống camera giám sát vận hành hồ chứa và xả lũ được sửa chữa, truyền tín hiệu hình ảnh về các cơ quan chức năng theo đúng quy định.

Nhà máy đã ký quy chế phối hợp trong quá trình vận hành với các địa phương trong khu vực. Khi mưa, lũ xảy ra, đơn vị chủ động cung cấp thông tin, thông báo tới chính quyền địa phương, người dân.

Cùng với các đập, hồ thủy điện thì việc đảm bảo an toàn hồ, đập tại các đơn vị khai thác, chế biến sâu khoáng sản cũng được quan tâm. Tại dự án mỏ sắt Làng Vinh - Làng Cọ, chủ đầu tư đơn vị này là Công ty Cổ phần Khoáng sản 3 - VIMICO đang hoàn thiện việc thi công gia cố lại thân đập.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Khoáng sản 3 - VIMICO cho biết: Mùa mưa, lũ năm 2022, thân đập mái phía hạ lưu xuất hiện hiện tượng thẩm thấu, rò rỉ nước, nguy cơ mất an toàn.

Đơn vị báo cáo UBND tỉnh xin hạ thấp mực nước và gia cố thân đập hồ thải quặng đuôi. Đến nay, các hạng mục đã cơ bản hoàn thiện, không ảnh hưởng đến đất các công trình, đất canh tác, hoa màu của các hộ vùng hạ lưu vào mùa mưa, lũ.

Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành các sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra tình hình thực hiện phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; kiểm tra an toàn đập, việc vận hành xả lũ của các công trình thủy điện, các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Qua đánh giá bước đầu, các đơn vị đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh về phòng, chống thiên tai như xây dựng phương án ứng phó, kiểm tra bổ sung thiết bị giám sát, quan trắc, ứng dụng công nghệ để dự báo, tổ chức diễn tập theo tình huống; báo cáo thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân; chuẩn bị vật tư thiết bị, phương tiện, nhân lực sẵn sàng ứng phó với sự cố xảy ra.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số đơn vị có điểm bờ đập bị xói mòn, nứt, chưa đảm bảo an toàn khi mưa lũ. Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở, yêu cầu đơn vị khắc phục ngay, cam kết chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố ảnh hưởng đến khu dân cư hạ lưu.

Để chủ động ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh, vừa qua, Sở Công Thương có văn bản gửi các đơn vị sản xuất công nghiệp triển khai một số biện pháp cấp bách.

Trong đó yêu cầu các dự án thủy điện đang thi công tập trung nguồn vốn, nhân lực, thiết bị đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình đảm bảo chất lượng và vượt qua cao trình chống lũ. Lập phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập trong quá trình thi công xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức diễn tập.

Đối với các dự án thủy điện đã hoàn thành, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu; tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa thủy điện và quy trình liên hồ chứa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kiểm tra, đánh giá tình trạng đập, các thiết bị, công trình xả lũ, nhận nước… khắc phục kịp thời các khiếm khuyết (nếu có); có phương án xả lũ đảm bảo tuyệt đối an toàn đối với hạ du.

Chuẩn bị mọi điều kiện để triển khai phương án đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du, đặc biệt là hệ thống thông tin liên lạc, quan trắc, cảnh giới tại khu vực nguy hiểm.

Đối với các đơn vị khai thác, chế biến sâu khoáng sản, các đơn vị thi công các công trình, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, rà soát các công trình chống sạt lở bãi thải, các công trình chống thấm, chống tràn, ngập lụt tại các mỏ.

Rà soát, kiểm tra các hồ thải quặng đuôi, các khai trường, hầm lò khai thác với độ sâu lớn. Đặc biệt, cần lưu ý và có biện pháp phòng ngừa, ứng phó với sự cố sạt lở, nước tràn qua mặt đập bãi thải, hồ điều hòa khi các đợt mưa lũ xảy ra…

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/dam-bao-an-toan-dap-ho-chua-mua-mua-lu-post371111.html