Theo số liệu của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có 1.995 công trình thủy lợi, gồm: 544 hồ chứa, 1.345 đập dâng, 80 trạm bơm, 26 trạm thủy luân. Tổng số kênh mương có 3.723 km, đến hết năm 2019 kiên cố hóa được 1.870 km. Hệ thống công trình thủy lợi hiện cấp nước tưới chủ động phục vụ sản xuất cho 53.000 ha, trong đó có 39.100 ha lúa, 12.700 ha màu, 2.300 ha cây ăn quả... Diện tích cây hàng năm được tưới chủ động đạt gần 46%.
Hiện tại, trong tỉnh mới có hồ Đầm Bài (TP Hòa Bình) được thực hiện kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước. Trong 544 hồ chứa thủy lợi các loại, có 474 hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 114/2018/NĐ-CP, ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập (Nghị định 114). Đánh giá tình hình hoạt động của hồ chứa trước mùa mưa bão năm 2020 cho thấy, hồ, đập được vận hành bình thường ở mức nước thiết kế có 352 công trình. Hồ, đập có hư hỏng, xuống cấp như thấm qua thân và nền đập, lún, nứt, sạt trượt mái dốc, xói lở thượng hạ lưu, hư hỏng, xói lở tràn, rò rỉ cống lấy nước… cần khắc phục, sửa chữa có 192 công trình. Thực hiện Nghị định 114, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 122, ngày 11/9/2018 về triển khai tăng cường thực hiện công tác quản lý đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước. Sở NN&PTNT tích cực đôn đốc UBND các huyện, thành phố, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi chú trọng thực hiện Nghị định. Đến nay, cả 474 hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh đã thực hiện kê khai đăng ký an toàn đập, hồ chứa nước. Tuy nhiên, phần lớn các hồ thông số kỹ thuật không đầy đủ; chỉ có những hồ mới được sửa chữa, nâng cấp mới đảm bảo được thông số kỹ thuật. Trong tỉnh có 34 hồ chứa đã xây dựng quy trình vận hành, trong đó 5 hồ chứa được UBND tỉnh phê duyệt là hồ Trọng, hồ Vưng (Tân Lạc); hồ Cạn Thượng (Cao Phong); hồ Tày Măng (Đà Bắc) và hồ Khả (Lạc Sơn). 30 hồ chứa được các chủ đầu tư xây dựng quy trình vận hành trước khi nghiệm thu đưa vào sử dụng. Các hồ chứa còn lại đã được Sở NN&PTNT đôn đốc xây dựng quy trình vận hành theo quy định tại Nghị định 114. Việc lắp đặt các thiết bị quan trắc còn hạn chế. Hiện, trên địa bàn tỉnh mới có 2 hồ, đập thủy lợi được lắp đặt thiết bị theo dõi quan trắc thấm qua thân đập là hồ Trọng và hồ Cạn Thượng. Còn lại việc quan trắc mực nước hồ chứa hàng ngày, cũng như theo dõi các diễn biến về thấm, rò rỉ nước trong thân đập chỉ thực hiện bằng mắt thường để phục vụ công tác quản lý nên gặp nhiều khó khăn. Qua tìm hiểu được biết, các công trình hồ chứa của tỉnh xây dựng từ năm 1960 - 1990 được đầu tư từ NSNN đều đã quá thời hạn kiểm định, nên số lượng công trình cần kiểm định chất lượng an toàn nhiều, dẫn đến nhu cầu kinh phí rất lớn. Do vậy, hầu hết các hồ chứa đến thời hạn kiểm định nhưng chưa được thực hiện. Ngoài ra, mới chỉ có 3 công trình được cắm mốc hành lang bảo vệ đập là hồ Me I (Yên Thủy), hồ Trọng (Tân Lạc) và hồ Đầm Bài (TP Hòa Bình). Mới đây, tại cuộc làm việc với đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi về đánh giá hiện trạng một số đập, hồ chứa nước xung yếu và công tác bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trong mùa mưa bão năm 2020 trên địa bàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Số lượng công trình thủy lợi của tỉnh nhiều lại nằm rải rác, phân tán; hồ sơ tài liệu không được lưu trữ, hoặc lưu trữ không đầy đủ, rất khó khăn trong công tác quản lý, bảo đảm an toàn công trình. Bộ máy quản lý Nhà nước về thủy lợi cấp huyện, xã còn yếu và thiếu, hầu hết các xã chưa có cán bộ có nghiệp vụ về lĩnh vực thủy lợi, dẫn đến hạn chế trong công tác quản lý. Các tổ chức thủy lợi ở cơ sở đã được thành lập, nhưng hoạt động chưa thực sự hiệu quả, kinh phí để duy trì chủ yếu từ hỗ trợ giá dịch vụ thủy lợi. Hoạt động mới chỉ thực hiện công tác dẫn nước. UBND huyện chưa giao cho các tổ chức này tự duy tu, sửa chữa công trình, bởi chưa đáp ứng được năng lực để thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng... Theo đó, để thực hiện tốt các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT đề nghị Tổng cục Thủy lợi trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện Chương trình an toàn hồ chứa, hỗ trợ kinh phí cho tỉnh triển khai thực hiện. Trong đó, đối với hệ thống hồ, đập chứa nước hư hỏng, xuống cấp cần phải có kế hoạch sửa chữa trong thời gian tới là 98 hồ (10 hồ chứa đã được đưa vào Dự án WB7; 40 hồ chứa đưa vào Dự án WB8). Hiện, còn 48 hồ chứa xung yếu, có nguy cơ mất an toàn cao chưa có nguồn vốn sửa chữa, nâng cấp, với tổng kinh phí dự kiến trên 301,6 tỷ đồng. Trong số này đã được Bộ NN&PTNT đề xuất hỗ trợ 9 công trình sửa chữa cấp bách trong năm 2020 - 2021. Do vậy, đề nghị các bộ, ngành quan tâm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ kinh phí để đảm bảo an toàn cho công trình. Bình Giang