Đảm bảo an toàn đi lại trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5
Hành khách phải mang khẩu trang cũng như khai báo y tế khi đi lại bằng máy bay. Ảnh: NHƯ THANH
Dự báo nhu cầu đi lại của người dân tăng cao trong dịp lễ 30/4 và 1/5, các đơn vị vận tải trên địa bàn tỉnh chủ động tăng chuyến để “cõng” khách nhưng vẫn “cháy” vé vào những ngày cao điểm. Song song với đó, các lực lượng chức năng đang triển khai các giải pháp để đảm bảo đi lại an toàn cho người dân.
Tăng chuyến tàu, xe
Theo Sở GT-VT, dịp nghỉ lễ 30/4 và1/5, người lao động sẽ được nghỉ 4 ngày nên dự kiến người dân đi lại rất đông, nhất là trên tuyến TP Hồ Chí Minh - Tuy Hòa và ngược lại. Đểđáp ứng nhu cầu đi lại của người dân vào dịp này, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh chủ động tăng đầu xe. Theo các nhà xe, để phục vụ tốt nhất cho hành khách, các đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ tài xế, phụ xe đảm bảo cho việc tăng chuyến. Giá vé xe dịp lễ tăng khoảng 50% so với ngày thường để bù lại chiều chạy xe trống. Mặc dù vậy, tại nhiều nhà xe như Thuận Thảo, Cúc Tư…, lượng vé xe tuyến TP Hồ Chí Minh - Tuy Hòa ngày 29/4 và tuyến Tuy Hòa - TP Hồ Chí Minh ngày 2/5 đã hết vé.
ChịChâu Xuân Uyên ở huyện Đồng Xuân, cho biết: “Mua vé vào dịp lễ rất khó khăn nên tôi đã chủ động đặt vé trước lễ 10 ngày, nhưng các nhà xe đều báo hết vé ngày 29/4. Tôi buộc phải dời ngày về quê, còn vé vào TP Hồ Chí Minh thì tính sau”.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Trưởng Bến xe Nam Tuy Hòa, đến nay, các nhà xe đã đăng ký số lượng đầu xe hoạt động trong những ngày lễ. Trung bình mỗi ngày có khoảng 60 đầu xe xuất bến, tăng 50% so với ngày thường. Tình trạng sốt vé chủ yếu xảy ra ở các đầu xe chất lượng cao. Ban quản lý bến xe cũng đã làm việc với các nhà xe để sẵn sàng tăng xe nếu lượng khách tăng đột biến với mục tiêu không để ùn ứ khách tại bến.
Còn theo ghi nhận của ngành Đường sắt, số lượng khách đặt mua vé dịp lễ này cũng đang tăng dần trong những ngày qua. Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, ngành Đường sắt đã chủ động tổ chức chạy thêm nhiều đôi tàu. Tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng tổ chức chạy thêm đôi tàu SE27/28, SE29/30. Tuyến Sài Gòn - Quảng Ngãi tổ chức chạy thêm đôi tàu SE25/26. Tuyến Sài Gòn - Quy Nhơn tổ chức chạy thêm hai đôi tàu SQN1/SQN2, SQN3/SQN4. Tuy nhiên, vé tàu vào ngày cao điểm trước và sau lễ đã hết.
Đảm bảo an toàn
Những ngày diễn ra lễ, tình trạng người điều khiển phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông diễn ra khá phổ biến. Điển hình nhất là lỗi vi phạm nồng độ cồn. Đây cũng là thời điểm “nóng” xảy ra tình trạng “xe dù”, “bến cóc” khá phức tạp trên các tuyến đường, nhất là quốc lộ 1.
Theo trung tá Phạm Thị Mộng Tuyết, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, để góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, đơn vị này đang tổ chức đợt ra quân cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp lễ 30/4, 1/5; bảo vệ bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo đó, Phòng Cảnh sát giao thông bố trí lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội trên 3 tuyến giao thông: đường bộ, đường thủy, đường sắt. Trên tuyến đường bộ, cảnh sát giao thông sẽ huy động và bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tại những cung đường có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông, những khung giờ thường xảy ra tai nạn. Đồng thời tổ chức các đợt kiểm tra theo chuyên đề như vi phạm nồng độ cồn, tốc độ... Trên tuyến đường sắt, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ chủ động phối hợp với chính quyền, công an các địa phương và ngành Đường sắt tổ chức kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn giao thông tại các đường ngang, lối đi tự mở.
“Song song với đó, Sở GT-VT đãcó văn bản yêu cầu các đầu mối giao thông chính như nhà ga, bến xe, cảng hàng không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19. Cương quyết không để phương tiện vận tải, người điều khiển, nhân viên phục vụ và hành khách không tuân thủ quy định phòng dịch COVID-19 khi tham gia giao thông”, ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở GT-VT cho biết.
Theo Trung tâm Kinh doanh vận tải đường sắt và Dịch vụ tổng hợp Tuy Hòa, để đảm bảo an toàn cho hành khách cũng như tránh lây lan dịch bệnh, nhà ga bố trí các điểm rửa tay sát khuẩn, đo nhiệt độ hành khách; trên các tàu thường xuyên phát thanh biện pháp phòng chống dịch. Nhiệt độ trên tàu luôn được duy trì ở mức 260C, nhằm hạn chế thấp nhất vi rút có thể phát tán. Ở các nhà ga cũng như trên tàu luôn bố trí các phòng riêng để trong trường hợp hành khách có những biểu hiện ho, sốt thì sẽ có khu vực cách ly, đảm bảo an toàn cho các hành khách khác.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi các đơn vị yêu cầu tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các cảng hàng không. Theo đó, các hãng hàng không thực hiện nghiêm túc việc hướng dẫn hành khách khai báo y tế; chịu trách nhiệm tổ chức kiểm soát việc khai báo y tế của hành khách, đảm bảo hành khách khai báo y tế trước khi lên tàu bay. Từ chối vận chuyển các trường hợp không thực hiện khai báo y tế và các quy định về an toàn dịch bệnh. Trường hợp để hành khách chưa khai báo y tế theo quy định lên tàu bay, các hãng hàng không phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.