Đảm bảo an toàn điện thời điểm giao mùa
Hiện nay, khu vực Đông Nam bộ, trong đó có Đồng Nai, đang trong thời điểm giao mùa, xuất hiện các cơn mưa lớn, kéo dài, xen kẽ những ngày nắng nóng nên thời tiết diễn biến khá phức tạp. Do đó, công tác đảm bảo an toàn điện vào thời điểm giao mùa đang được các ngành chức năng đặc biệt quan tâm.
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các sự cố do điện gây hậu quả đáng tiếc. Trong đó có không ít sự cố xuất phát từ sự chủ quan, bất cẩn trong sử dụng điện, vi phạm quy định an toàn điện…
* Nhiều sự cố liên quan đến đường điện cao áp
Trong 4 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số sự cố điện (do vi phạm của người dân) gây hậu quả nghiêm trọng đến sản xuất của doanh nghiệp, sinh hoạt của người dân. Cụ thể như, vào trưa 22-3, một người dân sử dụng xe máy cày ủi phế phẩm cây mì tại khu vực ấp An Hòa (xã Tây Hòa, H.Trảng Bom) làm đứt dây neo trụ điện 98 văng lên đường dây pha B; gây mất điện một phần Khu công nghiệp Bàu Xéo, một phần các xã: Tây Hòa, Trung Hòa, Đông Hòa, Sông Trầu, Hưng Thịnh (H.Trảng Bom).
Trước đó, vào chiều 16-3, một tài xế xe tải khi đổ đất đá dưới đường dây 110kV đã để phương tiện vi phạm khoảng cách an toàn, làm phóng điện gây sự cố mất điện diện rộng toàn TP.Long Khánh, một phần H.Thống Nhất, Khu công nghiệp Dầu Giây và Khu công nghiệp Bàu Xéo.
Thông tin từ Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, từ năm 2019-2021, trên toàn tỉnh xảy ra 51 sự cố điện trên các đường dây với nguyên nhân chính là do vi phạm của người dân và sự cố thiên tai. Cụ thể, các sự cố có xu hướng tăng dần khi năm 2019 xảy ra 15 vụ (10 vụ do vi phạm của người dân, 5 vụ do thiên tai); năm 2020 xảy ra 16 vụ (9 vụ do vi phạm của người dân, 7 vụ do thiên tai) và năm 2021 xảy ra 20 vụ (12 vụ do vi phạm của người dân, 8 vụ do thiên tai).
Theo Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, một số vi phạm thường gặp đối với hành lang an toàn lưới điện cao áp là: xây dựng mới hoặc cải tạo, cơi nới thêm diện tích công trình, nhà ở vi phạm các khoảng cách an toàn phóng điện; vận hành các thiết bị cơ giới như xe cẩu, xe đào gần đường dây điện rất dễ xảy ra tai nạn điện do vi phạm các khoảng cách an toàn phóng điện; thả diều, điều khiển các vật bay mà phía trên có đường dây điện cao áp; lắp đặt biển báo, biển quảng cáo, hộp đèn gần đường điện…
* Cảnh báo sử dụng thiết bị điện thiếu an toàn
Không chỉ có sự cố trên các lưới điện cao áp mới đáng ngại mà nguy cơ mất an toàn điện còn hiện hữu trong quá trình sử dụng điện tại doanh nghiệp, nhà dân, gây ra không ít vụ cháy thương tâm. Theo số liệu của Công an tỉnh, năm 2019 có 20 vụ cháy do sự cố điện (trên tổng số 30 vụ cả năm); năm 2020 có 10/19 vụ cháy do sự cố điện; năm 2021 có 18/31 vụ cháy do sự cố điện.
Trong đó, có nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản như vụ cháy tại Công ty TNHH United Jumbo (Khu công nghiệp Suối Tre, TP.Long Khánh) vào tối 29-11-2021 gây thiệt hại hơn 1,1 tỷ đồng. Hoặc vụ cháy tại DNTN Liên Tùng (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) ngày 25-3-2021 gây thiệt hại 3 tỷ đồng.
Mới nhất, vụ cháy tại Trường tiểu học Phù Đổng (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) vào ngày 14-4 được cơ quan chức năng xác định nguyên nhân ban đầu là do chập điện trong gian nhà tạm của nhân viên bảo vệ khiến con gái của nhân viên bảo vệ tử vong. Theo lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường, bên trong gian nhà tạm chứa nhiều mút xốp cách nhiệt, nên khi ngọn lửa vừa phát sinh liền nhanh chóng bùng lên vượt quá sự kiểm soát.
Trung tá Phạm Đức Dũng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh chỉ rõ, nguy cơ cháy do điện có thể xuất phát từ bất kỳ thiết bị sử dụng điện nào trong nhà, cơ sở sản xuất. Đáng nói, sự chủ quan của người sử dụng là một trong những yếu tố dẫn tới sự cố điện xảy ra.
Cụ thể, tại nhà ở riêng lẻ, mà đáng chú ý là các dãy nhà trọ cũ ở các khu vực đông công nhân, sinh viên ở trọ (TP.Biên Hòa, các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu…), tình trạng trên lại càng phổ biến hơn. Bên cạnh đó, chính các chủ nhà trọ ít quan tâm, thay mới hệ thống điện đã xuống cấp; tự ý sửa chữa, quấn, chắp nối các dây điện bị đứt.
Còn ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nguy cơ không chỉ từ các thiết bị, máy móc dùng điện mà còn ở cách sắp xếp hàng hóa, che khuất hoặc đè lên nguồn điện. Nguy hiểm nhất là tại các cơ sở sản xuất, chế tác vật liệu dễ cháy như: vải, sợi, gỗ, sơn…, mà đặc biệt là cơ sở gỗ khi các cơ sở thường bám nhiều bụi, mạt cưa. Khi đó, chỉ cần một tia lửa điện nhỏ xuất hiện là ngọn lửa dễ dàng bùng lên nhanh chóng.
Theo ông Trần Thanh Sang, Trưởng phòng An toàn Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, trong quá trình sử dụng điện tại nhà (sau đồng hồ đo), người dân còn có thể gặp phải các nguy cơ mất an toàn đến từ việc ít kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị điện; dây dẫn điện không phù hợp với công suất thiết bị điện dẫn đến quá tải gây cháy, câu mắc điện tùy tiện mất an toàn. Trường hợp thường gặp nhất là sử dụng nhiều thiết bị điện vào cùng một ổ cắm; không luồn dây bên trong các ống cao su cách điện (ống ruột gà).
Theo Thanh tra Sở Công thương, trong năm 2020 và 2021, UBND tỉnh ra quyết định xử phạt 10 trường hợp (tiền phạt 350 triệu đồng) đối với các vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện; Thanh tra Sở Công thương ra quyết định xử phạt 5 trường hợp (số tiền phạt 63 triệu đồng) cũng về vi phạm nêu trên.