Đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết trong mùa mưa bão, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy rất lớn, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã tích cực triển khai nhiều biện pháp đảm bản an ninh trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa. Đồng thời, phối hợp các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong ứng phó hiệu quả trước diễn biến của thời tiết xấu, hạn chế tối đa do thiệt hại có thể xảy ra.
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Thuận, hiện tại, mực nước các sông trên địa bàn ngày một tăng cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông đường thủy. Khu vực bị ảnh hưởng do mưa bão và có khả năng xảy ra lũ ở các xã La Ngâu, Đồng Kho, Đức Phú, Đức Bình, Gia An, Bắc Ruộng thuộc huyện Tánh Linh và xã Đa Kai, huyện Đức Linh. Trước thực trạng trên, lực lượng chức năng khuyến cáo người dân cần đề phòng tối đa nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở các xã vùng núi và ngập úng cục bộ tại vùng trũng thấp, ven lưu vực các sông.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có các cảng biển đang hoạt động gồm: Phan Thiết, Phú Quý, Vĩnh Tân và cảng Sơn Mỹ đang trong giai đoạn thu hút đầu tư. Do đó, bên cạnh khai thác tối đa các nguồn lợi hải sản, lợi thế du lịch, thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa, chú trọng công tác tuyên truyền cho các chủ phương tiện nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Cụ thể, đối với các chủ tàu, thuyền phải trang bị đầy đủ thiết bị an toàn, dụng cụ cứu sinh; tuyên truyền cho hành khách, người dân mặc áo phao khi lên tàu, thuyền, không chở quá trọng tải, quá số người theo quy định, neo đậu phương tiện đảm bảo an toàn...
Đáng lưu ý là trên địa bàn thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi có 46 phương tiện mô tô nước hoạt động tại các khu du lịch ven biển. Khu vực Mũi Kê Gà (xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam) và xã Phước Thể, huyện Tuy Phong có 9 phương tiện kinh doanh vận chuyển hành khách từ bờ ra đảo tham quan. Huyện đảo Phú Quý hiện có 12 phương tiện thủy nội địa hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách du lịch tham quan. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa của một bộ phận người điều khiển và chủ phương tiện chưa nghiêm túc.
Trước tình hình này, Công an tỉnh Bình Thuận đề nghị UBND các xã, phường yêu cầu các chủ phương tiện đường thủy chưa được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp các loại giấy tờ theo qui định phải chấm dứt hoạt động trong khu vực. Các chủ phương tiện được cấp các loại giấy tờ hợp lệ phải ký cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa; đồng thời chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện đường thủy không bảo đảm an toàn kỹ thuật và các giấy phép, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với phương tiện đang điều khiển theo quy định.
Theo Thượng tá Nguyễn Đức Dũng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bình Thuận, quá trình kiểm tra, chủ phương tiện và người dân cơ bản chấp hành nghiêm các quy định khi lưu thông đường thủy, tuy nhiên vẫn có một số chủ phương tiện và người dân chủ quan, không chấp hành. Thời gian tới, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cương quyết đình chỉ hoạt động của các phương tiện không đảm bảo an toàn. Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định về hoạt động cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông; duy trì trạng thái hoạt động của cảng, bến bảo đảm an toàn; yêu cầu chủ phương tiện chở khách nhắc nhở 100% hành khách và thuyền viên mặc áo phao trước khi cho phương tiện rời bến.
Là một trong những lực lượng quan trọng trong công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ trên biển, thời gian qua, các đơn vị thuộc BĐBP Bình Thuận thường xuyên duy trì công tác huấn luyện, qua đó, góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ, chiến sĩ để kịp thời hỗ trợ tàu thuyền, ngư dân bị sự cố, tai nạn trong quá trình hành nghề trên biển.
Thượng tá Phạm Xuân Độ, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Bình Thuận cho biết: "Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc duy trì thực hiện nghiêm công tác huấn luyện, thường trực sẵn sàng chiến đấu, ứng phó với những biến đổi thất thường của thời tiết. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân, chủ các phương tiện nắm rõ Luật Giao thông đường thủy nội địa, trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo chức trách, quyền hạn được giao".
Có thể thấy, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa là một trong những thách thức đặt ra trong mùa mưa bão. Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thời gian tới, các lực lượng chức năng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời ngăn ngừa và xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của người dân.