Đảm bảo an toàn, giữ nhịp sản xuất

PTĐT - Tình hình lao động - việc làm quý I năm 2020 trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng lớn của dịch bệnh COVID-19. Để đảm bảo an toàn, quyền lợi cho người lao động, giữ nhịp sản xuất ổn định...

Công nhân Công ty TNHH Găng tay Dong Won Việt Nam (CCN làng nghề Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy) được trang bị đầy đủ khẩu trang, đảm bảo an toàn sức khỏe trong quá trình sản xuất.

Công nhân Công ty TNHH Găng tay Dong Won Việt Nam (CCN làng nghề Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy) được trang bị đầy đủ khẩu trang, đảm bảo an toàn sức khỏe trong quá trình sản xuất.

PTĐT - Tình hình lao động - việc làm quý I năm 2020 trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng lớn của dịch bệnh COVID-19. Để đảm bảo an toàn, quyền lợi cho người lao động, giữ nhịp sản xuất ổn định, các doanh nghiệp đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, việc thực hiện đầy đủ chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với lao động mất việc làm tại thời điểm này góp phần đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động phòng, chống dịch bệnh tại công xưởng, nơi làm việc như bổ sung dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay, 100% người lao động phải đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt khi đến công ty... Ông Phạm Hữu Vũ - Chủ tịch Công đoàn Phó Tổng giám đốc Công ty CP gạch men Tasa cho biết: Vấn đề đảm bảo an toàn cho người lao động được Công ty đặt lên hàng đầu. Do đó, Công ty thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh, giám sát chặt chẽ sức khỏe của công nhân, đảm bảo công tác vệ sinh tại nơi làm việc theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế. Mặc dù hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong quý I cơ bản đảm bảo ổn định, song đến cuối tháng 3, tỉnh đã có 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Dệt Phú Thọ, Công ty CP sản xuất và thương mại Việt Nhật chịu ảnh hưởng trực tiếp do đã hết nguồn nguyên liệu dự trữ và không xuất khẩu được hàng hóa vào thị trường Trung Quốc. Một số doanh nghiệp khác như Công ty CP Vikore chuyên sản xuất hàng dệt, bông xuất khẩu đã sáng tạo, linh hoạt khi dừng toàn bộ dây chuyền sản xuất bông, đệm chuyển sang sản xuất khẩu trang kháng khuẩn, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thị trường hiện nay. Trung bình hàng tháng, Công ty sản xuất khoảng 2 triệu khẩu trang kháng khuẩn, vừa góp phần giảm khó khăn thiếu hụt khẩu trang phòng bệnh vừa duy trì việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động. Với những công ty khác sẽ tính toán cho lao động nghỉ luân phiên để giữ nhịp sản xuất và đảm bảo đầu vào nguyên liệu.Trước tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động và giữ nhịp sản xuất, người lao động tham gia BHTN khi không có việc làm sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí và được hưởng chế độ BHYT theo quy định... nhằm đảm bảo quyền lợi. Theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm, từ đầu năm đến hết ngày 12/3, Trung tâm đã tiếp nhận 914 trường hợp đến làm thủ tục hưởng BHTN. Số người có quyết định hưởng BHTN hàng tháng gần 900 người; tổng số tiền chi trợ cấp thất nghiệp hơn 14,4 tỷ đồng. Cùng với việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, đã có hơn 4.600 lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm mới, 35 người được hỗ trợ học nghề.Ông Nguyễn Thế Hùng - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm, Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Dự báo, số lao động làm thủ tục hưởng BHTN sẽ tăng cao trong những tháng tới. Điều này phù hợp với tình hình thực tế bởi nguồn nguyên liệu sản xuất thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch COVID-19 buộc nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh khiến việc làm của người lao động bị ảnh hưởng. Tại thời điểm này, hoạt động tư vấn, hướng dẫn người lao động hoàn thiện hồ sơ, thủ tục hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp đều thực hiện qua email, điện thoại mà không trực tiếp đến Trung tâm nhằm tránh lây lan dịch bệnh”. Trung tâm duy trì thường xuyên việc phối hợp với các cơ quan liên quan trong thực hiện chính sách BHTN cho người lao động. Tất cả hồ sơ khi đủ thủ tục đều được Sở Lao động -Thương binh và Xã hội cùng Bảo hiểm xã hội tỉnh ra quyết định, chi trả đầy đủ tiền trợ cấp cho người lao động trong thời gian ngắn nhất.Để tăng cường kết nối cung - cầu lao động, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tiến hành thu thập thông tin, dữ liệu về những vị trí việc làm còn trống và thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp. Đồng thời khai thác nhu cầu tìm việc của những người đến làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và đối tượng lao động tự do. Từ đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về cung - cầu lao động đồng bộ nhằm thúc đẩy hoạt động trên hệ thống sàn giao dịch việc làm trực tuyến thay thế phiên giao dịch truyền thống trong thời gian này.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202004/dam-bao-an-toan-giu-nhip-san-xuat-170187