Đảm bảo an toàn khi đánh bắt thủy, hải sản trong mùa mưa bão
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra trong mùa mưa bão, các ngành chức năng của tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực.
Ngư dân Trương Thanh Định, chủ tàu đánh bắt xa bờ có công suất 430 CV ở thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt, huyện Gio Linh cho biết, trong quá trình vươn khơi, khai thác thủy, hải sản trên biển trong mùa mưa bão, các chủ tàu đánh bắt xa bờ thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết thông qua radio, bộ đàm và điện thoại di động. Khi có thông tin thời tiết xấu trên biển, các tàu đánh bắt xa bờ sẽ sử dụng thiết bị định vị, giám sát hành trình để di chuyển tàu, thuyền đến nơi an toàn theo sự hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Trước khi chuẩn bị cho chuyến đánh bắt thủy, hải sản dài ngày ở vùng biển xa, hầu hết ngư dân thường theo dõi dự báo thời tiết trên biển ít nhất trong khoảng mười ngày tới. Nếu thời tiết trong thời gian này đảm bảo an toàn tuyệt đối mới có thể vươn khơi. Mùa này diễn biến thời tiết bất thường nên các tàu đánh bắt xa bờ thường rút ngắn thời gian hoạt động khai thác thủy, hải sản trên vùng biển xa hoặc khi nhận thấy thời tiết có dấu hiệu bất thường phải nhanh chóng di chuyển vào bờ, hoặc tìm đến nơi gần nhất trú tránh an toàn.
Còn ngư dân Trần Hồng Lĩnh, chủ tàu đánh bắt xa bờ có công suất 430 CV ở thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt, huyện Gio Linh cho biết, ngư dân luôn quan tâm đến việc đảm bảo an toàn tính mạng và tàu, thuyền cũng như trang thiết bị, ngư lưới cụ có giá trị lớn trên tàu, thuyền. Bởi nếu xảy ra hư hỏng, thiệt hại, ngư dân sẽ tốn chi phí rất lớn để khắc phục, sửa chữa. Thực tế, mùa mưa bão nhiều năm trước, có một số tàu, thuyền xảy ra hư hỏng thiết bị, tốn chi phí hàng chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng để sửa chữa, khắc phục.
Tàu, thuyền không chỉ đảm bảo an toàn trong quá trình đánh bắt thủy, hải sản trên biển, mà khi cập bến, việc neo đậu, tránh trú an toàn cũng được ngư dân rất quan tâm. Điều này phần lớn phụ thuộc vào ý thức, kinh nghiệm của mỗi ngư dân. Trước hết, ngư dân phải tuân thủ quy định của chính quyền địa phương, từng lượt tàu, thuyền được di chuyển vào nơi neo đậu theo thứ tự, không tranh giành, chen lấn dễ dẫn đến mất trật tự an ninh. Kỹ thuật neo đậu tàu, thuyền phải theo sự hướng dẫn của cơ quan chức năng, giữ vị trí, khoảng cách an toàn giữa các tàu, thuyền. Trên mạn tàu, thuyền phải kết nối phao xốp, lốp xe ô tô, các vật liệu chống va đập, tránh gây hư hỏng thiết bị, vỡ mạn tàu, thuyền. Thiết bị máy móc, lưới cụ phải được tháo dỡ đưa về nơi cất giữ an toàn, tránh hư hỏng khi bão, lũ lớn xảy ra…
Phó Chủ tịch UBND xã Gio Việt Hoàng Thị Thu Thủy cho biết, toàn xã Gio Việt có 128 tàu, thuyền khai thác và dịch vụ thủy sản với tổng công suất 19.054CV. Thời gian qua, ngoài việc khuyến khích, hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu, thuyền, trang bị ngư lưới cụ hiện đại để nâng cao sản lượng khai thác thủy hải sản, xã Gio Việt luôn chú trọng đến các hoạt động nâng cao kỹ năng xử lý tình huống thiên tai, sóng to, gió lớn trên biển; tuyên truyền nâng cao nhận thức để ngư dân chủ động bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản; hỗ trợ áo phao, túi thuốc trang bị trên tàu, thuyền cho ngư dân.
Xã Gio Việt luôn yêu cầu các chủ tàu, thuyền cũng như thuyền viên trên địa bàn xã tuyệt đối không được chủ quan, lơ là mà cần phải đề cao cảnh giác, chấp hành quy định, hướng dẫn của địa phương và các cơ quan chức năng trong quá trình vươn khơi, khai thác thủy, hải sản trong mùa mưa bão. Các chủ tàu, thuyền khi nghe thông tin hoặc thấy pháo hiệu từ đất liền phải khẩn trương di chuyển tàu, thuyền về bờ, hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn gần nhất theo sự chỉ dẫn của cơ quan chức năng. Trong quá trình neo đậu trú tránh bão tại các âu thuyền, cảng biển của tỉnh khác, luôn tuân thủ quy định của pháp luật…
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Văn Đức Dũng cho biết, đến nay toàn tỉnh có 2.279 tàu, thuyền với tổng công suất 132.146 CV và khoảng 6.280 thuyền viên. Để đảm bảo an toàn hoạt động đánh bắt thủy, hải sản trên biển của ngư dân trong mùa mưa bão, Sở Nông nghiệp và PTNT đã yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương tích cực tuyên truyền cho ngư dân về các điều kiện bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền khi ra khơi trong mùa mưa bão, nhất là các tàu đánh bắt xa bờ; tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký thuyền viên; khi tàu, thuyền xuất bến phải đảm bảo đầy đủ trang thiết bị an toàn cho thuyền viên cũng như trang bị thiết bị phòng, chống cháy nổ.
Lực lượng chức năng kiên quyết không cho tàu, thuyền xuất bến nếu không có đầy đủ các trang thiết bị đảm bảo an toàn cho thuyền viên khi tham gia đánh bắt thủy, hải sản trên biển. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản tăng cường phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể và chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền và thuyền viên hoạt động trên biển; khẩn trương kêu gọi tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn khi có tình huống bão, lũ xảy ra; tăng cường trực 24/24 giờ tại trạm bờ Chi cục Thủy sản để theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết và thông báo các bản tin dự báo thời tiết cho ngư dân; kịp thời báo cáo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh các sự cố liên quan đến tàu, thuyền và ngư dân đang hoạt động trên biển.
Chi cục Thủy sản tăng cường công tác quản lý, kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu, thuyền; phối hợp với các đồn biên phòng cửa biển, cảng cá thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát tất cả các trang bị, phương tiện kỹ thuật trên tàu, thuyền trước khi ra khơi; đảm bảo tất cả các tàu đánh bắt xa bờ trước khi ra khơi phải được lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình; các tàu đánh bắt xa bờ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình phải bật thiết bị 24/24 giờ; các cơ quan chức năng sẽ xử phạt nghiêm những trường hợp tàu đánh bắt xa bờ không chấp hành các quy định của pháp luật…