Đảm bảo an toàn lao động trong chế biến gỗ
Toàn huyện Đoan Hùng hiện có 750 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến gỗ, sản xuất gỗ bóc. Hàng năm, các cơ sở đã giải quyết việc làm cho khoảng 19.000 lao động, góp phần quan trọng vào mục tiêu tạo việc làm gắn với giảm nghèo bền vững của huyện.
Người lao động làm việc tại xưởng chế biến gỗ ở xã Vân Đồn còn chủ quan khi chưa trang bị đầy đủ bảo hộ lao động.
(baophutho.vn) - Toàn huyện Đoan Hùng hiện có 750 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến gỗ, sản xuất gỗ bóc. Hàng năm, các cơ sở đã giải quyết việc làm cho khoảng 19.000 lao động, góp phần quan trọng vào mục tiêu tạo việc làm gắn với giảm nghèo bền vững của huyện.
Đến làng nghề mộc Vân Du, xã Vân Du đâu đâu cũng nghe thấy tiếng máy xẻ, máy cưa, bào hoạt động liên tục. Xã hiện có hơn 80 hộ làm nghề mộc - nghề nặng nhọc, độc hại và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại các cơ sở sản xuất, vẫn có không ít người lao động chưa thực sự quan tâm đến việc sử dụng bảo hộ lao động trong quá trình sản xuất: Không đeo găng tay, băng khẩu khi cắt gọt, mài, bào gỗ, không đội mũ, mặc quần áo bảo hộ lao động… Một số xưởng sản xuất còn để nguyên vật liệu, sản phẩm, phế phẩm bừa bãi, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, thương tích trong lúc làm việc.
Không chỉ ở làng nghề mộc Vân Du, tình trạng này còn diễn ra tại nhiều cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trong huyện. Các hộ làm nghề tổ chức sản xuất ngay tại nhà ở hoặc cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong khu dân cư, ven trục Quốc lộ 2, Quốc lộ 70 nên mặt bằng sản xuất chật hẹp, nơi làm việc tạm bợ, thiếu ánh sáng,… Nhiều lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất của làng nghề theo mùa vụ, không được trang bị kiến thức và giáo dục ý thức bảo đảm AT,VSLĐ, chưa hiểu biết các quy định của pháp luật về AT,VSLĐ. Nhiều chủ sử dụng lao động không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người lao động như đóng BHXH, BHYT và đảm bảo AT,VSLĐ. Về phía người lao động chỉ quan tâm đến tiền công, tự đánh mất các quyền lợi chính đáng của mình. Do đó, khi xảy ra tai nạn lao động, chủ sử dụng lao động chỉ hỗ trợ một phần, người lao động phải tự lo các khoản chi phí. Còn nhớ cách đây khoảng ba năm, liên tiếp trong khoảng thời gian hơn nửa tháng, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra bốn vụ tai nạn lao động tại các xưởng bóc gỗ, trong đó chủ yếu tập trung ở huyện Đoan Hùng. Từ sự chủ quan của người lao động đã dẫn đến những vụ tai nạn đáng tiếc, để lại hậu quả nặng nề, trong số đó có người mất khả năng lao động khi tuổi còn trẻ.
Nhiều lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ không được trang bị kiến thức về AT,VSLĐ là nguyên nhân dễ dẫn đến tai nạn lao động.
Các vụ tai nạn lao động xảy ra liên quan đến ngành nghề chế biến gỗ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đòi hỏi các cơ quan chức năng vào cuộc tìm giải pháp tháo gỡ. Nhằm tăng cường công tác AT,VSLĐ tại các làng nghề, hàng năm, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện đã triển khai các hoạt động tuyên truyền về công tác AT,VSLĐ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Mới đây, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã tư vấn xây dựng mô hình AT,VSLĐ khu vực phi kết cấu tại làng nghề mộc Vân Du; hỗ trợ thí điểm phòng, chống tai nạn lao động khi sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ trong khu vực phi kết cấu trên địa bàn huyện Đoan Hùng. Hàng năm, UBND tỉnh đã thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, các ngành chức năng tổ chức đoàn kiểm tra chuyên ngành kiểm tra việc thực hiện pháp luật về AT,VSLĐ tại các làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến và bóc gỗ có nguy cơ mất ATLĐ. Cùng với đó, nhiều địa phương có làng nghề đã huy động cả hệ thống chính trị tìm hướng giải quyết lâu dài những vấn đề về môi trường, AT,VSLĐ… UBND xã, thị trấn thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, AT,VSLĐ của các hộ sản xuất trong làng nghề và các cơ sở sản xuất kinh doanh, qua đó nhắc nhở các trường hợp sai phạm, vận động các hộ sản xuất khắc phục. Nhiều nơi còn tạo cơ chế khuyến khích cộng đồng làng nghề tham gia giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; tranh thủ các nguồn lực để đầu tư các công trình bảo vệ môi trường làng nghề. Qua đó, nhận thức và ý thức tự giác của các chủ cơ sở sản xuất cũng như người lao động về thực hiện AT,VSLĐ đã từng bước được cải thiện.
Nhằm tăng cường công tác đảm bảo AT,VSLĐ trong các làng nghề, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện các quy định về AT,VSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu các yếu tố nguy hại, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Các ngành chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát đối với lĩnh vực AT,VSLĐ tại các làng nghề và có chế tài xử phạt nghiêm khắc các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm pháp luật về AT,VSLĐ.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202110/dam-bao-an-toan-lao-dong-trong-che-bien-go-180524