Đảm bảo an toàn những chuyến phà ngang
Ở một số quận ven và huyện ngoại thành tại TPHCM có nhiều bến phà, bến đò. Dù có trang bị áo phao, song hành khách không chịu mặc áo phao, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. Các cơ quan chức năng không kiểm tra, xử lý kịp thời.
Thờ ơ mặc áo phao
Qua thông tin bạn đọc phản ánh qua đường dây nóng, chiều 18-3, phóng viên Báo SGGP có mặt tại khu vực bến phà Nhị Bình (xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn). Bên này sông Sài Gòn đang mùa nước lớn, là địa phận TPHCM, phía bên kia sông là tỉnh Bình Dương. Nếu đi từ huyện Hóc Môn sang tỉnh Bình Dương bằng đường bộ thì phải đi đường vòng mất khoảng 10km, rất mất thời gian; còn đi qua phà tại bến Nhị Bình, hành trình rút ngắn đáng kể. Thời điểm này trên sông có 2 chiếc phà lớn, mỗi chiếc chở gần 100 người cùng ô tô, xe máy. Do lượng người qua lại khá đông, nên 2 chiếc phà liên tục sang sông. Buổi chiều, nước trên sông dâng cao, chảy xiết. Tại khu vực bến phà có niêm yết thông báo: Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh, hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông. Thông báo là vậy, nhưng mọi hành khách đi phà đều phớt lờ.
Chị Nguyễn Thanh Nhã (người dân xã Nhị Bình, vừa từ phía Bình Dương xuống phà đi qua hướng địa bàn TPHCM) cho hay: “Mặc áo phao bất tiện, nó vướng víu và nóng nực dưới nắng chiều hanh khô. Với lại thời gian hành khách qua sông chỉ khoảng vài phút, chưa kịp mặc xong thì đã phải cởi ra. Cho nên, tui thấy không cần thiết phải mặc”.
Tại bến phà Phú Định (quận 8), đôi khi cũng thấy nhân viên bến phà phát áo phao cho hành khách, nhưng hầu hết hành khách nhận rồi máng lên tay lái xe máy chứ không mặc, vì áo dơ bẩn và khúc sông Cần Giuộc không rộng nên ai cũng chủ quan. Quan sát tại bến phà Nhị Bình cũng thấy việc trang bị áo phao chỉ mang tính hình thức, đối phó. Áo phao treo đầy hai bên thành phà, nhưng chẳng ai buồn lấy mặc. Mặc dù đã có tấm biển “Quý khách đi đò mặc áo phao là đảm bảo an toàn tính mạng”, nhưng tất cả hành khách đi phà đều không chấp hành.
Tại bến phà Bình Khánh (nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ), tình hình cũng tương tự. Bến phà Bình Khánh là một trong những bến phà lớn nhất tại TPHCM. Dù phà phải đi qua một khúc sông rất rộng, sóng to gió lớn, trên phà áo phao mới và các phương tiện cứu hộ được treo ngay trước mặt hành khách nhưng vẫn có đến phân nửa số người đi phà không mặc áo phao. Một nhân viên trên phà chia sẻ: “Áo phao được trang bị trên phà đầy đủ, nhưng hành khách đi phà không mặc, chúng tôi cũng không ép được”.
Siết chặt quản lý, nâng cao ý thức
Thông tư 15/2012 của Bộ GTVT quy định: Mỗi hành khách, thuyền viên, người lái phương tiện trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình của phương tiện, từ lúc rời bến đến khi cập bến an toàn. Từ trước đến nay, tai nạn đường thủy luôn gây nên hậu quả khó lường. Việc khai thác bến khách sang sông ở nhiều nơi tại TPHCM mới chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế, còn hoạt động đảm bảo an toàn cho khách đi phà, đò chưa được chú ý đúng mức.
Từ thực trạng nhiều nơi trên địa bàn TPHCM chưa thể xây dựng được cầu nên người dân phải sử dụng phà, đò để sang sông, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra thường xuyên và đột xuất để khắc phục những hạn chế trong đảm bảo an toàn giao thông đường thủy; tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho chủ phà, chủ đò. Song song đó, mỗi người dân cần nêu cao ý thức trách nhiệm bảo vệ tính mạng của mình, tự giác chấp hành tốt quy định an toàn giao thông khi đi trên các phương tiện giao thông đường thủy. Dứt khoát đừng để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”!
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dam-bao-an-toan-nhung-chuyen-pha-ngang-652406.html