Đảm bảo an toàn nuôi thủy sản mùa nắng nóng
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, mùa hè năm nay sẽ có nhiều đợt nắng nóng; tập trung chủ yếu trong các tháng 5, 6 và 7. Điều kiện thời tiết như vậy ảnh hưởng đến sức đề kháng, năng suất và sản lượng thủy sản. Để ứng phó kịp thời trước tác động của thời tiết, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, mùa hè năm nay sẽ có nhiều đợt nắng nóng; tập trung chủ yếu trong các tháng 5, 6 và 7. Điều kiện thời tiết như vậy ảnh hưởng đến sức đề kháng, năng suất và sản lượng thủy sản. Để ứng phó kịp thời trước tác động của thời tiết, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro trong nuôi thủy sản, ngành Nông nghiệp, các địa phương và người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo vệ các đối tượng thủy sản, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Năm 2021, toàn tỉnh dự tính nuôi thả thủy sản trên diện tích 16 nghìn ha; trong đó nuôi thủy sản nước mặn lợ hơn 6.000ha, nuôi thủy sản nước ngọt gần 10 nghìn ha. Đến thời điểm này, các vùng nuôi đã cải tạo ao đầm, chuẩn bị cho vụ nuôi mới, diện tích cải tạo được khoảng 90%. Người dân các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng đã nuôi thả được khoảng 2.000ha tôm sú, 100ha tôm thẻ chân trắng. Các đối tượng nuôi đạt kích cỡ thương phẩm vẫn đang tiếp tục được người dân thu hoạch. Trước dự báo tình hình thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt kéo dài, ngay từ đầu vụ Chi cục Thủy sản đã có văn bản gửi các địa phương chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nuôi trồng thủy sản, chỉ thả giống khi điều kiện thời tiết thích hợp. Tăng cường quản lý chặt chẽ vùng, cơ sở nuôi; tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi nhằm hỗ trợ, phục vụ người dân bơm nước cho hoạt động nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm. Bên cạnh đó, Chi cục khuyến cáo người dân không nuôi thủy sản tại những nơi nguồn nước không đảm bảo chất lượng; thả con giống với mật độ hợp lý và có biện pháp chăm sóc đúng kỹ thuật để hạn chế thiệt hại do nắng nóng và các hiện tượng thời tiết bất thường gây ra. Đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp về các vùng nuôi hướng dẫn các hộ thực hiện tốt các biện pháp chống nóng, giảm nhiệt và áp dụng quy trình kỹ thuật chăm sóc để nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi, hạn chế dịch bệnh xảy ra. Cụ thể, đối với nuôi tôm chỉ được thả giống khi nhiệt độ nước dưới 30 độ C, với mật độ hợp lý, cho ăn với khẩu phần và chế độ hợp lý theo kích cỡ và mật độ nuôi, giảm 15-30% lượng thức ăn trong những ngày nắng nóng. Bổ sung vitamin C, khoáng vi lượng, men tiêu hóa trộn vào thức ăn cho tôm để tăng sức đề kháng. Thường xuyên kiểm tra và duy trì các yếu tố môi trường trong ngưỡng thích hợp, giữ mực nước trong ao tối thiểu 1,3-1,5m. Tăng cường chạy quạt nước để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ, bổ sung ô xy hòa tan. Sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước và đáy ao nuôi. Với những ao nuôi có điều kiện có thể dùng lưới che nắng cách mặt nước 0,8-1m nhằm giảm ánh nắng tác động trực tiếp lên mặt nước ao nuôi. Đối với các đối tượng nuôi nước ngọt, cần duy trì mực nước trong ao từ 1,5-2m, tăng cường ô xy cho ao nuôi bằng máy quạt nước, máy sục khí hoặc máy bơm; thả bèo tây, bèo tấm khoảng 1/3 diện tích ao nuôi để tạo bóng mát cho cá; những ngày nắng nóng cần giảm 30-40% lượng thức ăn; bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất… để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi; quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường trong ao nuôi để kịp thời điều chỉnh. Đối với cá nuôi trong lồng, bè, người nuôi cần thường xuyên vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ và thông thoáng để lưu thông nước trong và ngoài lồng; kiểm tra, tu sửa bảo đảm lồng nuôi luôn vững chắc, đậy nắp lồng để tránh thất thoát cá ra ngoài; di chuyển lồng nuôi đến những khu vực bảo đảm độ sâu luôn ở mức 2,5-3m; dùng vôi bột cho vào túi vải treo ở các góc lồng nuôi để phòng bệnh cho cá. Với hơn 2ha nuôi tôm mới được nuôi thả, anh Trần Hữu Lợi, xã Giao Thiện (Giao Thủy) đang lo lắng vì đây là giai đoạn nhạy cảm của tôm nuôi. Theo anh Lợi, nuôi tôm cho hiệu quả kinh tế cao nhưng tôm có sức đề kháng kém, nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường, đặc biệt là thời tiết, dễ phát sinh dịch bệnh. Do đó, hàng năm, vào những ngày nhiệt độ cao, anh luôn duy trì mực nước trong ao nuôi từ 1,2-1,5m và tăng cường chạy quạt nước để tránh chênh lệch nhiệt độ giữa các tầng nước, từ đó hạn chế ảnh hưởng bất lợi của tình trạng nắng nóng. Ngoài ra, anh sử dụng hệ thống sục khí để cung cấp thêm ô-xy cho tôm, định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học nhằm ổn định môi trường nước, hạn chế khí độc trong ao nuôi.
Việc chủ động phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ các loại thủy sản trước những ảnh hưởng của thời tiết bất thường là nhiệm vụ cấp thiết, góp phần giảm thiểu thiệt hại, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi thủy sản./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa