Đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại chung cư, nhà trọ dịp Tết

Đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC - CNCH) trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội đầu Xuân 2025 là việc làm hết sức quan trọng. Bởi lẽ, đây là thời gian cao điểm diễn ra mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh cùng với thời tiết hanh khô sẽ dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao, đặc biệt là tại chung cư, nhà trọ, các khu vực tập trung đông người.

Lực lượng PCCC chuyên nghiệp luôn chủ động, sẵn sàng phương án chữa cháy, CHCN

Lực lượng PCCC chuyên nghiệp luôn chủ động, sẵn sàng phương án chữa cháy, CHCN

Thượng úy Trần Trung Hiếu - Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết: Những năm gần đây, hàng loạt vụ cháy chung cư và nhà trọ xảy ra trên cả nước; trong đó, có những vụ việc hết sức nghiêm trọng, đã để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe, tính mạng và tài sản.

Điển hình như vụ cháy nhà trọ kết hợp kinh doanh xe điện tại số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội khiến 14 người tử vong, 3 người bị thương (tính đến 6 giờ 50 ngày 24/5/2024). Đêm 12/9, rạng sáng 13/9/2023, cháy chung cư mini tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội khiến 56 người chết, 37 người bị thương. Tháng 3/2018, vụ cháy chung cư Carina Plaza tại Thành phố Hồ Chí Minh khiến 13 người chết, 72 người bị thương…

Riêng tại tỉnh Lâm Đồng, tính từ ngày 15/12/2023 đến ngày 12/12/2024, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 21 vụ cháy, làm chết 3 người, 2 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính khoảng trên 3,052 tỷ đồng.

Với tình hình diễn biến phức tạp trên, Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH, Công an tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo tất cả người dân cần tăng cường việc trang bị kiến thức cũng như phương án phòng chống cháy nổ tại chung cư, nhà trọ.

Mỗi hộ gia đình hãy chủ động chuẩn bị các phương án thoát nạn cho người trong gia đình, đặc biệt là đối với người già và trẻ nhỏ khi có cháy xảy ra. Dự kiến các lối thoát nạn khác ngoài cửa chính như ban công, sân thượng. Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà có tầng. Trường hợp bố trí lồng, lưới sắt phải có cửa thoát hiểm, chìa khóa phải để ở vị trí dễ thấy, dễ lấy và thống nhất các thành viên trong gia đình biết. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây và các dụng cụ phá dỡ thông thường để thoát nạn khi có sự cố cháy xảy ra.

Tuyên truyền, thực hành kỹ năng PCCC - CNCH giúp Nhân dân tăng cường kiến thức cơ bản khi có cháy nổ

Tuyên truyền, thực hành kỹ năng PCCC - CNCH giúp Nhân dân tăng cường kiến thức cơ bản khi có cháy nổ

Thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do lỗi của các thiết bị; kiểm tra, lắp đặt các thiết bị bảo vệ, như: Cầu chì, công tắc, cầu dao, attomat, rơle tự đóng ngắt điện, chống quá tải, chập cháy cho đường dây điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, từng tầng, từng nhánh đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn. Tắt các thiết bị tiêu thụ điện khi không cần thiết, khi ra khỏi nhà, phòng làm việc, rút phích cắm ra khỏi ổ điện để đảm bảo an toàn PCCC.

Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy hoặc đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan.

Không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt tránh nhầm lẫn và đổ vỡ. Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng, đồ dùng, hàng hóa dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt. Thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu… phải kín.

Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van xả gas. Vị trí đặt bình gas, bếp gas cần bảo đảm thông thoáng và không để gần các thiết bị điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt

Nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm trong PCCC là tự bảo vệ bản thân khỏi nguy hiểm

Nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm trong PCCC là tự bảo vệ bản thân khỏi nguy hiểm

Không sắp xếp hàng hóa, vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn tại cầu thang, hành lang, ban công; đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0,5m.

Lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy sớm, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ như: Nước, chăn, bình chữa cháy xách tay… để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh. Trang bị mặt nạ phòng độc, khăn mềm để phòng chống ngạt khói. Chuẩn bị sẵn các dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn như: Búa, kìm cộng lực, xà beng…

Khi xảy cháy hãy thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả mọi người mau chóng di chuyển ra ngoài. Khi phải thoát qua khu vực có khói, lửa hãy dùng mặt nạ lọc độc, khẩu trang thấm nước, khăn mềm thấm nước để che mặt, cơ thể; đồng thời, cúi thấp người; tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh, nhảy vào bể bơi, hồ nước… Trường hợp quần áo bị cháy, hãy dừng di chuyển, nằm xuống và trở mình liên tục cho đến khi ngọn lửa được dập tắt; đồng thời, che mặt càng nhiều càng tốt. Di chuyển ra ngoài ban công, cửa sổ và gọi to để cầu cứu, trường hợp trời tối hãy sử dụng các thiết bị phát sáng (đèn flash của điện thoại, đèn pin….).

Tổ chức chữa cháy, cứu người, cứu tài sản; đồng thời, gọi điện báo cháy ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC - CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng theo số máy 114.

H.LY

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202501/dam-bao-an-toan-phong-chay-chua-chay-tai-chung-cu-nha-tro-dip-tet-01f41e8/