Đảm bảo an toàn tại các cảng cá trước COVID-19

Trước diễn biến phức tạp của COVID-19, xác định các cảng cá là địa điểm có nguy cơ cao do hoạt động giao thương buôn bán sôi động, tại đây không chỉ có tàu cá nội tỉnh mà còn có các tàu cá ngoại tỉnh cập cảng để bốc dỡ thủy sản đánh bắt được và bổ sung thêm nhu yếu phẩm, dầu, đá lạnh… Do đó, công tác phòng, chống COVID-19, đảm bảo sức khỏe cho ngư dân, người lao động và các tiểu thương tham gia hoạt động tại các địa điểm này đang được các cơ quan chức năng quan tâm thực hiện.

 Đo thân nhiệt đối với người vào khu vực cảng cá. Ảnh: TQ

Đo thân nhiệt đối với người vào khu vực cảng cá. Ảnh: TQ

Siết chặt quản lý, đảm bảo sức khỏe cho mọi người hoạt động tại cảng cá

Cảng cá Cửa Việt là một trong hai cảng cá chuyên phục vụ các hoạt động sản xuất, dịch vụ hậu cần nghề cá và khai thác thủy sản cho các tàu đánh bắt xa bờ từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa. Hiện nay đang là thời điểm chính vụ của vụ đánh bắt cá Nam nên trung bình mỗi ngày có từ 10 - 20 tàu cá trong khu vực về cập cảng bán cá, lấy thêm nhiên liệu, thực phẩm. Hằng ngày có hàng trăm thuyền viên, người lao động, tiểu thương ra vào làm việc tại khu vực cảng. Do vậy, để vừa đảm bảo khai thác thủy sản hiệu quả, vừa đảm bảo sức khỏe cho người dân, Tổ kiểm tra liên ngành tham gia phòng, chống COVID-19 (gọi tắt là Tổ kiểm tra liên ngành) tại Cảng cá Cửa Việt luôn có cán bộ túc trực 24/24 giờ; tổ chức kiểm soát, đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo với tất cả những người và phương tiện ra, vào khu vực cảng cá; bố trí các điểm rửa tay sát khuẩn cho ngư dân và tiểu thương ra vào mua bán thủy sản.

Đối với tàu cá của ngư dân, sau khi cập cảng, ngư dân sẽ được đo thân nhiệt, khai báo y tế, cung cấp địa chỉ, số điện thoại của chủ tàu và tất cả các bạn thuyền; khai báo các thông tin liên quan đến thời gian xuất bến, lịch trình hoạt động, ngư trường khai thác trên biển… Đối với phương tiện vận chuyển thủy sản, các nhu yếu phẩm cho tàu cá trước khi vào khu vực cảng bắt buộc phải đo thân nhiệt và khai báo y tế đối với tất cả những người trên xe. Ngoài ra, tổ còn tập trung hướng dẫn cho từng ngư dân, chủ phương tiện khai báo đúng lịch trình hoạt động; các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang đúng cách, sử dụng dung dịch sát khuẩn thường xuyên; chủ động vệ sinh cá nhân nơi ăn ở, sinh hoạt; hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách nơi đông người…

Thuyền trưởng tàu cá QNg 92479TS Lê Văn Kỳ ở tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tàu cá của ông khai thác bằng nghề lưới kéo ở khu vực này được gần 1,5 tháng. Trước khi cập Cảng cá Cửa Việt để nghỉ trăng, thông qua máy thông tin liên lạc ông đã được thông báo về tình hình dịch bệnh, đặc biệt là ở tỉnh Quảng Ngãi đã có người mắc COVID-19. Do đó, ngay sau khi cập cảng, ông đã liên hệ với Tổ kiểm tra liên ngành để được khai báo y tế, đo thân nhiệt, phát khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn cho từng thành viên trên tàu. “Do tại tỉnh Quảng Ngãi đang có người mắc COVID-19 nên trong thời gian tàu cập cảng, tôi luôn nhắc nhở các bạn thuyền cùng nhau chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước, địa phương; tuyệt đối không được về thăm nhà; hạn chế lên bờ, tránh tụ tập đông người, thường xuyên đeo khẩu trang. Còn để bổ sung thêm dầu, đá lạnh, lương thực thực phẩm thì chỉ cần điện thoại là có người vận chuyển đến tận nơi”, ông Kỳ cho hay.

Còn thuyền trưởng tàu cá QB 92378TS Nguyễn Văn Tới ở tại tỉnh Quảng Bình thì chia sẻ, tàu cá của anh khởi hành tại Cảng cá Đà Nẵng vào ngày 14/7, mặc dù tính đến ngày 4/8 khi cập Cảng cá Cửa Việt là đã 22 ngày; ngoài ra trong quá trình khai thác thủy sản trên biển tàu cá của anh không hề tiếp xúc với tàu cá nào khác; tuy nhiên, trước khi cập cảng anh đã liên lạc với Tổ kiểm tra liên ngành để được đo thân nhiệt, thực hiện khai báo y tế… Đồng thời, không cho phép các bạn thuyền rời khỏi tàu để đảm bảo an toàn. “Đang trong thời điểm chính vụ cá Nam nên sau khi nghỉ trăng ít ngày, chúng tôi sẽ tiếp tục ra khơi đánh bắt nhằm bảo đảm kinh tế cho gia đình của các ngư dân trong thời điểm khó khăn của dịch bệnh và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, anh Tới nói.

Cách đó không xa, tranh thủ trao đổi khi đang tất bật bốc dỡ đá lạnh, tiếp thêm dầu và các nhu yếu phẩm cần thiết để chuẩn bị ra khơi, ngư dân Bùi Xuân Tấn, thuyền trưởng tàu cá QT 99199TS ở tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh cho hay, thay vì chọn cách ở nhà để tránh dịch, ông đã cùng với anh em bạn thuyền ra khơi đánh bắt dài ngày để vừa có thu nhập vừa xem đây như là một biện pháp “cách ly xã hội” an toàn. Ông Tấn cho biết, mỗi chuyến ra khơi đánh bắt thường từ 15 - 20 ngày, trong khi thời gian cách ly theo quy định của nhà nước chỉ có 14 ngày; ngoài biển hầu như không tiếp xúc với ai nên cũng không có nguồn lây nhiễm dịch bệnh. Khi cập cảng bán hải sản và về bến neo đậu ông và các bạn thuyền nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của Tổ kiểm tra liên ngành và chính quyền địa phương như đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người…

Ý thức phòng, chống dịch của người dân đã được nâng cao

Y sĩ Đỗ Thiên Trâng, thành viên Tổ kiểm tra liên ngành tại Cảng cá Cửa Việt cho biết, các hoạt động tại cảng cá vẫn diễn ra bình thường với sự tham gia của khá đông tiểu thương, ngư dân và người lao động. Do đó, để đảm bảo an toàn, bên cạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch trong khu vực cảng cá như bắt buộc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách nơi đông người… Tổ kiểm tra liên ngành còn triển khai chặt chẽ việc đo thân nhiệt, khai báo y tế, lịch trình hoạt động, khai thác trên biển. Theo ông Trâng, nhìn chung ý thức phòng, chống dịch của người dân tham gia hoạt động tại cảng cá được nâng cao rõ rệt. Tất cả đều tuân thủ nghiêm việc khai báo y tế, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn khi vào cảng cá. “Hầu hết ngư dân, người lao động và các tiểu thương khi giao dịch trong khu vực cảng cá đều chấp hành nghiêm túc quy định đo thân nhiệt, khai báo y tế; coi đây là việc làm thiết thực nhằm phòng, chống dịch bệnh. Do vậy, mặc dù chỉ có một chốt kiểm soát, nhân lực có hạn trong khi số người ra vào cảng đông, lại tập trung vào một số thời điểm tuy nhiên họ vẫn kiên nhẫn chờ đến lượt để được đo thân nhiệt, kê khai y tế; thậm chí có những trường hợp thân nhiệt cao phải chờ đo nhiều lần nhưng họ đều chấp hành nghiêm túc, không hề có biểu hiện bất hợp tác”, ông Trâng cho hay.

Chia sẻ về các biện pháp phòng, chống COVID-19, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Quảng Trị Lê Văn Sơn cho biết, toàn bộ ngư dân trên các tàu cá khi cập cảng 2 cảng cá Cửa Tùng và Cửa Việt đều được đo thân nhiệt, yêu cầu rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang liên tục và khai báo y tế. Các cảng cá cũng có phương án cân đối, giãn cách cho các tàu cá cập cảng theo từng khung giờ để hạn chế tập trung đông người. Hướng dẫn, sắp xếp tàu cá vào cảng, neo đậu trong vùng nước cảng cá bảo đảm an toàn, thuận tiện cho việc kiểm tra, kiểm soát an toàn dịch bệnh. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống COVID-19 khi đến giao dịch, hoạt động tại 2 cảng cá như đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, không tụ tập đông người, khi giao dịch công việc phải giữ khoảng cách an toàn; trường hợp đến làm việc tại cảng cá nhưng không đeo khẩu trang theo quy định thì kiên quyết không làm việc và yêu cầu rời khỏi cảng cá. Đối với tàu cá nội tỉnh và ngoại tỉnh khi cập cảng ngoài thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, phải báo cáo nếu có tiếp xúc với tàu cá, ngư dân đến từ dùng dịch. Yêu cầu chỉ có thuyền trưởng và các thuyền viên có nhiệm vụ hoặc công việc cần thiết mới được phép rời tàu lên cảng cá để thực hiện nhiệm vụ, các trường hợp còn lại không được rời tàu lên cảng cá. Đối với những người không có nhiệm vụ, không tham gia hoạt động dịch vụ tại cảng cá thì không được phép vào khu vực cảng. Ngoài ra, hằng ngày còn phun thuốc khử khuẩn toàn bộ khu vực cảng. “Ngoài các tàu cá nội tỉnh thì hiện nay tại các cảng cá và khu neo đậu còn có hàng trăm tàu cá của các tỉnh bạn như Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa… Tuy nhiên, hầu hết các chủ tàu cá đều đã trang bị khẩu trang cho các bạn thuyền và hạn chế cho mọi người trên tàu lên bờ. Các ngư dân cũng chủ yếu ở lại nghỉ ngơi ngay trên tàu, không còn lên bờ dạo chơi ở các quán xá như trước đây”, ông Sơn thông tin.

Thục Quyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=150527