Đảm bảo an toàn thiết bị bức xạ
Bà Nguyễn Thị Kim Huệ, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM cho biết, thành phố hiện có hơn 880 cơ sở đang sử dụng gần 2.500 thiết bị bức xạ, 65 cơ sở đang sử dụng nguồn phóng xạ.
Với số lượng này, thành phố sẽ là nơi có nguy cơ gây mất an toàn an ninh nếu không có cơ chế vận hành ứng phó sự cố. Do vậy, việc phối hợp ứng phó sự cố bức xạ của các đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố là hết sức cần thiết. Từ năm 2016, TPHCM đã có Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn TPHCM theo Quyết định số 2840/ QĐ-BKHCN của Bộ KH-CN, trong đó có quy định về cơ chế phối hợp và quy trình ứng phó khi xảy ra sự cố bức xạ.
Và để cơ chế phối hợp ứng phó sự cố bức xạ hiệu quả hơn, Sở KH-CN TPHCM cùng Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã tổ chức Hội thảo về vận hành cơ chế phối hợp trong ứng phó sự cố bức xạ trên địa bàn thành phố, qua đó lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các đơn vị ứng dụng thiết bị bức xạ.
Bà Huỳnh Lưu Thanh Giang, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ (Sở KH-CN TPHCM) cho biết, việc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn bức xạ trong X-quang y tế cho thấy, 100% các cơ sở khi cấp phép lần đầu đều có kiểm định thiết bị, tuy nhiên chỉ có khoảng 90% cơ sở thực hiện kiểm định định kỳ theo quy định; 95% đạt tiêu chuẩn về diện tích phòng đặt thiết bị, 5% có diện tích nhỏ hơn quy định; 100% cơ sở đảm bảo quy trình vận hành thiết bị, nội quy an toàn; 98% đạt yêu cầu về đèn, biển cảnh báo... Về công tác chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó sự cố bức xạ, Sở KH-CN TPHCM thường xuyên cử cán bộ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do Cục An toàn bức xạ hạt nhân tổ chức; trang bị 2 máy dò tìm nguồn phóng xạ và các trang bị thiết bị bảo hộ. Sở KH-CN cũng thực hiện đánh giá, đo đạc và lập bản đồ phông phóng xạ (bức xạ nền) trên địa bàn quận 5 và quận Bình Thạnh.
Các kết quả đo đạc phông phóng xạ trong khu vực khảo sát đều nằm trong giới hạn cho phép. Nhằm ứng phó với sự cố bức xạ có thể xảy ra, các đại biểu tại hội thảo cho rằng, có thể chia quá trình ứng phó sự cố thành 6 giai đoạn cơ bản: tiếp nhận và xử lý thông tin; thông báo; huy động và triển khai; can thiệp (khắc phục sự cố ); kết thúc hoạt động ứng phó và phục hồi; đánh giá, phân tích hậu quả và báo cáo về sự cố. Với giả định tình huống ứng phó sự cố mất an toàn phóng xạ tại bệnh viện, ông Nguyễn Duy Hiếu, Khoa Kỹ thuật phóng xạ, Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã đưa ra 2 tình huống giả định mất an toàn phóng xạ tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Qua đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc lựa chọn xây dựng kịch bản, tình huống là rất quan trọng để triển khai diễn tập ứng phó sự cố sao cho sát với thực tế nhất.
Kinh nghiệm cho thấy, các tình huống sự cố có khả năng dễ xảy ra nhất là trong quá trình vận chuyển nguồn phóng xạ. Bà Nguyễn Thị Kim Huệ cho biết thêm, Sở KH-CN cùng Bệnh viện Ung bướu TPHCM đưa ra 2 tình huống giả định, dự thảo kịch bản diễn tập cơ chế phối hợp trong ứng phó sự cố bức xạ làm tiền đề để tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ trên địa bàn thành phố trong thời gian tới… giúp triển khai thực hành hiệu quả kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn TPHCM.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dam-bao-an-toan-thiet-bi-buc-xa-post753089.html